Nhà thơ Bùi Hoàng Tám vừa vinh dự được Prairie Schooner - Tạp chí văn học uy tín nhất của Mỹ với lịch sử hơn 90 năm tuổi bầu chọn bài thơ Lời thề mùa đông của anh là bài thơ hay tiêu biểu. Vì thế, có thể coi đây là một sự kiện của văn học Việt Nam và lời khẳng định thơ Việt có thể có được chỗ đứng xứng đáng ở nước ngoài nếu có tầm tư tưởng và nhất là có sức lay động con tim.
Tôi như chú gà muốn hét toáng lên cục ta, cục tác
Cảm xúc của anh thế nào khi được tạp chí văn chương danh giá do Trường đại học Nebraska-Lincoln và NXB Nebraska Press ấn hành không chỉ giới thiệu mà còn vinh danh bài thơ Lời thề mùa đông của anh?
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Trong đời tôi có ba cột mốc văn chương và với tôi, đây là cột mốc thứ ba rất quan trọng. Cột mốc thứ nhất, là khi bài thơ Trước một trời sao của tôi được đăng trên Tuyển tập thơ Thái Bình. Đây là bài thơ đã đưa tôi, từ một người thợ lao động chân tay chập chững bước vào với văn chương một miền đất để rồi sau đó, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Cột mốc thứ hai là lần đầu tiên tôi được đăng thơ trên báo Văn Nghệ. Ngày đó ở Thái Bình, số người có bài đăng trên Văn Nghệ đếm trên đầu ngón tay nên nó giống như một “chứng chỉ bảo kê” về văn chương. Khoảng năm 1990, báo Văn Nghệ tổ chức một cuộc thi thơ. Nhà thơ tật nguyền Đỗ Trọng Khơi được giải Nhì với chùm Hy vọng - Ánh trăng và được báo Văn Nghệ về tận nhà trao giải.
Hôm ấy, Hội Văn nghệ Thái Bình tiếp đoàn ở quán cạnh nhà tôi. Nhòm qua khe cửa, thấy nhà thơ Bế Kiến Quốc đeo kính ngồi quay lưng ra phía ngoài, tôi gấp mấy bài thơ đưa cho cô con gái thứ hai khi đó mới 9 - 10 tuổi, bảo: “Con đem sang đưa cho cái bác đeo kính kia nhé”.
Nhìn qua khe cửa, tôi chỉ mong ông giở ra lướt qua cho một cái. Nhưng không. Ông thản nhiên cuộn cuộn nhét vào cái túi dết rồi tiếp tục câu chuyện. Thế là toi rồi. Tôi tự nhủ. Mấy tuần sau tôi ra bưu điện mua báo Văn Nghệ.
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám.
Lại nói thêm rằng Văn Nghệ thời Nguyên Ngọc là niềm chờ đợi mỗi chiều thứ sáu. Người ta mong ngóng như chờ cửa hàng thực phẩm bán cá mè ranh cắt ô số 6 hay đợi như đợi kết quả số đề. Cầm tờ Văn Nghệ trên tay đọc lướt qua trang nhất phần giới thiệu nội dung. Giời ạ gì thế này. Tôi xoa mặt dụi mắt. Thơ Bùi Hoàng Tám... Dụi hai ba lần cho tỉnh hẳn tôi tự trấn an: Chắc thằng cha nào đó cùng tên chứ mình thì làm gì có của!? Giở trang trong. Giời đất ơi thơ mình. Đúng thơ của mình. Tự dưng thấy bủn rủn tay chân, mồ hôi lấm tấm lung, tóc gáy hơi giật giật. Tôi không biết lão Obama hay lão Trump khi trúng cử Tổng thống Mỹ mừng đến mức nào nhưng cứ theo tôi khó có thể hơn tôi khi đó.
Thế là từ nay trong các cuộc nhậu, tôi sẽ im lặng. Đợi đến lúc cao trào nhất tôi mới gại giọng bảo rằng: “Năm một nghìn chín trăm mấy mấy mình có bài in trên Văn Nghệ...”. Cứ nghĩ đến mấy lão bạn thơ hàng tỉnh mặt nghệt ra như ngỗng ỉa, mồm câm như thóc giống thì còn gì sung sướng cho bằng nữa. Hình như khi đó để trấn tĩnh mình tôi lẩm bẩm hát “Tổ quốc ơi ta yêu người mãi mãi” hay “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”... Đại loại thế.
Sẵn có 10 ngàn trong túi tôi mua tất cả 5 tờ Văn Nghệ. Rồi lặng lẽ leo lên gác xép để nhấm nháp niềm hạnh phúc. Tôi như chú gà đẻ được quả trứng muốn vỗ cánh chạy toáng ra vườn mà hét lên cục ta, cục tác. Nhưng do không là gà nên đành cục tác thầm vậy.
Đêm đó tôi trằn trọc, thỉnh thoảng lại sờ tay xuống gối xem thật hay mơ. Bây giờ kể lại chuyện này có thể có người bảo lại bốc phét nhưng đó là cảm giác rất thật. Không vui sao được khi từ ngày mai, trong những cuộc nhậu khi mọi người đang “khủng bố thơ ca” tôi sẽ lặng im, rất lặng im chờ cho mọi người lắng giọng mới thủ thỉ rằng: Năm... Cứ nghĩ đến đó đã sung sướng phát rồ phát dại lên rồi. Thế là từ mai tôi sẽ đổi thành phần, nâng giai cấp. Thơ tôi đã vượt bến phà Tân Đệ.
Cảm giác của anh về lần này thì sao?
Còn lần này thì niềm vui còn lớn hơn bởi thơ tôi đã “vượt biên”. Tất nhiên, ở tuổi này, tôi điềm tĩnh hơn nhưng niềm vui thì không giảm, nếu không muốn nói là lớn hơn. Không vui sao được khi thấy bài thơ và cả cái ảnh mình được phơi “phèn phẹt” trên một tờ tạp chí văn chương hàng đầu nước Mỹ? Thành thật, với các nhà thơ khác thì không biết như thế nào, còn tôi thì rất, rất hạnh phúc.
Song, tôi cũng hiểu rằng để có được niềm vui này là nhờ công lao của các nhà dịch thuật. Bạn biết đấy, dịch văn xuôi đã khó, dịch thơ còn khó hơn nhiều và dịch thơ lục bát thì tôi nghĩ vô cùng khó. Tiếc là tôi không biết ngoại ngữ để cảm nhận hết công lao của những nhà dịch thuật.
Tôi không cảm tình với nàng Tô Thị
Sự khốc liệt của chiến tranh ở nơi không có tiếng súng hình như được phản ánh đậm nét trong Lời thề mùa đông...?
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Nơi chiến trường máu lửa, người lính trận có thể sống, có thể chết hoặc bị thương. Là người lính, anh phải chấp nhận điều đó dù không ai muốn. Nhưng sự khốc liệt của chiến tranh còn ở hậu phương. Đó là nơi đầu ngõ những bà mẹ chờ con, nơi bậu cửa những đứa trẻ mong cha và trong chiếc giường cưới, những người vợ đêm đêm trằn trọc đợi chồng. Trong đó, có những người đã có con, có người được làm vợ và có những người chỉ cầm trên tay hai từ “đợi anh” rồi để suốt quãng đời còn lại sống trong nỗi cô đơn, phấp phỏng đợi chờ.
Liệu có phải hình tượng người cô trong Lời thề mùa đông là viết về một người thân của anh?
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Thật ra, bài thơ này tôi viết không cho riêng một ai mà trong đó, có viết cho cô tôi, cho chị tôi và cho cả những người phụ nữ làng tôi. Có thể thấy trong đó hình ảnh của nhiều người, nhiều nỗi đắng cay và hy sinh từ cuộc chiến.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đồng thời là người chuyển ngữ bài thơ đã nhận xét: Bài thơ ngắn nhưng bao hàm sự mênh mông của truyền thuyết và tục ngữ Việt Nam. Anh có đồng ý với nhận xét này?
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Hẳn nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã có sự đồng sáng tạo sâu sắc với tôi mới có thể chuyển ngữ thành công bài thơ như vậy được. Việt Nam có truyền thuyết về nàng Tô Thị chờ chồng hóa đá. Nhưng không hiểu sao tôi lại “dị ứng” với hình tượng nàng Tô Thị. Tôi từng có một bài thơ lọt vào vòng chung khảo Cuộc thi Thơ hay của báo Văn Nghệ TP.HCM năm 1992-1993, viết về đề tài này.
Đó là bài gì vậy, thưa anh?
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Bài thơ có tên Một lời với núi vọng phu. Ở đó, tôi có nói với Vọng phu rằng, nàng nên về nuôi dạy con cái bởi “Người ra đi không thể về được nữa”. Câu cuối bài thơ, tôi còn đặt cho nàng câu hỏi “Em hóa đá vì người, con hóa đá vì ai?”. Bởi tôi nghĩ nàng có thể hóa đá vì tìnhh yêu và lòng chung thủy, nhưng đứa trẻ thì không có bổn phận và nghĩa vụ đó. Em bé phải được ăn, được học và phải được sống. Bắt em hóa đá vì tình yêu và lòng chung thủy của mình là một tội ác...
Với tôi, văn chương luôn phải “nhờ giời”
Thế nhưng trong Lời thề mùa đông, biểu tượng vọng phu vẫn tiếp tục trở lại thơ anh?
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Ở Lời thề mùa đông, tôi nhìn nàng ở một góc khác. Ở một đất nước với triền miên những cuộc chiến tranh như Việt Nam, những người phụ nữ chờ chồng như nàng không hiếm. Nếu chỉ chờ chồng mà hóa đá, tôi tin đất nước này không chỉ có hàng ngàn mà hàng vạn nàng Vọng phu. Vả lại, dù đá có nỗi đau của đá nhưng nàng chờ chồng 3 năm rồi còn được hóa thành đá và dẫu có là đá thì cũng “còn đợi bước thiên di”. Trong khi biết bao người phụ nữ Việt Nam cho đến tận hôm nay vẫn khắc khoải chờ chồng dù trong tuyệt vọng. Đành rằng “Đá đau phận đá, người đau kiếp người” nhưng họ không thể hóa được thành đá mà vẫn phải sống để đau một kiếp người mới là khủng khiếp.
Rồi nàng Vọng phu còn “Có con để bế, chị thì chịu không”. Tôi viết câu này bởi có lần được tận mắt chứng kiến cuộc trò chuyện của hai người phụ nữ, một người là vợ liệt sĩ. Một chị than thở về chuyện suốt ngày chăm con vất vả, hết đái lại ị... đại loại thế. Bỗng nghe chị kia buông một tiếng thở dài: “Cô còn có con nó đái vào cho mà giặt chứ tôi thì...” rồi chị òa khóc. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã rất tinh tế với câu thơ “Xóm làng thương không nỡ khoe con trước mặt...” trong Trường ca Đường tới thành phố. Vâng, sự hy sinh của những người phụ nữ trong tất cả các cuộc chiến là khủng khiếp.
Anh từng nhập ngũ, vậy với anh, đề tài chiến tranh có là một mảng sáng tác quan trọng trong anh?
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Tôi đã từng hai lần nhập ngũ nhưng tôi không có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh. Về thơ, tôi mới chỉ có 2 bài viết về đề tài này thì một, như chị đã biết là bài Lời thề mùa đông. Còn một bài nữa là thơ văn xuôi, đã từng in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nếu Lời thề mùa đông là tác phẩm viết về chiến tranh không khói súng thì ngược lại, bài thơ Ngày 1 tháng 10 năm 1967 có thể nói là “ngập ngụa máu”. Nhưng đau xót thay, đó lại là những hình ảnh hoàn toàn diễn ra trong sự thật.
Anh có thể kể đôi nét về bài thơ này?
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Đây là bài thơ được viết từ một sự kiện có thật, xảy ra trong gia đình bên ngoại tôi. Vào hôm đó, máy bay Mỹ đã ném bom vào làng và đã có 154 người dân làng bị sát hại mà tất cả là trẻ em, người già và phụ nữ, trong đó có 2 đứa em gái tôi, mới 4 tuổi và 7 tuổi. Khi quả bom thứ nhất ném xuống, đứa em bị thương, mảnh bom cắt cụt một chân. Con chị cõng em chạy ra tìm mẹ thì quả bom thứ 2 nổ ngay sát cạnh làm thi thể hai em gần như không còn một mảnh vẹn nguyên.
Ngay sát nhà ngoại tôi, có người mẹ buổi sáng đi làm đồng, khi trở về thì cả nhà, gồm một người chồng và 6 đứa con thơ đã không còn ai nữa. Từ đó, bà bỏ lên Hà Nội bán gạo ở chợ Hàng Da, mỗi năm ngày giỗ trận (làng tôi lấy ngày này là ngày giỗ trận), bà lại trở về và 50 năm qua, bao giờ cũng vậy, chưa về đến đầu làng là bà đã khóc.
Sau cuộc “vượt đại dương” thành công này, anh có “nuôi mộng” sẽ làm những bài thơ khác nữa để tiếp tục “mang chuông đi đấm nước người”, hay vẫn chỉ là buông theo cảm xúc?
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Tôi nghĩ bất cứ quốc gia nào cũng coi trọng việc “xuất khẩu” hàng hóa thì với tôi, thơ ca cũng vậy, chẳng ai muốn “gà què ăn quẩn cối xay” hay “trâu ta ăn cỏ đồng ta”. Tuy nhiên, để văn chương ra được với nước ngoài là rất khó bởi rào cản ngôn ngữ. Cho nên một lần nữa, xin cảm ơn nhà thơ/giáo sư Kwame Dawes (chủ bút của tạp chí Prairie Schooner), nhà thơ Thiếu Khanh và nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, người đã chọn và chung tay chuyển tải bài thơ này.
Còn về văn chương, tôi nghĩ là không nên và cũng không thể cố. Tôi nghĩ văn chương như tình yêu vậy, cái gì đến, nó sẽ đến đầy bất ngờ và ngẫu hứng. Thôi thì đành chấp nhận hai từ “nhờ giời” chứ biết làm thế nào bây giờ?
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Anh tôi ra trận rồi không trở về
Cũng từ một buổi chiều quê
Chị tôi đã nhận lời thề mùa đông!
Cũng là phận gái chưa chồng
Người còn hóa đá - chị không hóa gì!
Đá còn đợi bước thiên di
Còn con để bế, chị thì chịu không
Núi còn hòn vợ, hòn chồng
Chị tôi ôm nỗi chờ mong bạc đầu...
Cái ngày tôi bước qua cầu
Chị không khóc sợ nhạt màu áo tôi
Bây giờ chị đã về trời
Thắp hương lạy chị, lạy lời mùa đông!