Lời thề Hippocrates

03-01-2015 16:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hơn ba thập kỷ trước, trong lễ tốt nghiệp ra trường, dưới bức tượng đồng Hippocrates, các tân sinh viên nắm chặt tay thề lời thề của ông.

Hơn ba thập kỷ trước, trong lễ tốt nghiệp ra trường, dưới bức tượng đồng Hippocrates, các tân sinh viên nắm chặt tay thề lời thề của ông. Tân sinh viên Hà Duy Bình lúc đó, không thể ngờ rồi sẽ có ngày chính lời thề tâm huyết của vị thầy thuốc vĩ đại trước Công nguyên ấy đã đưa anh lên làm thủ lĩnh một bệnh viện lớn nhất của cấp huyện tại Lào Cai - quê hương thứ hai của anh.

Những ca bệnh ấn tượng trong “sự nghiệp dao kéo”

Đêm 13/12/2013 là một đêm không thể nào quên đối với tập thể thầy thuốc Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng. Vào khoảng 22 giờ, tại hành lang bệnh viện người đông nghịt, khuôn mặt ai cũng thất thần. Bệnh nhân Lý Văn Tạo, dân tộc Dao, học sinh trường THPT số 1 Bảo Thắng đã được các thầy cô giáo và các bạn học sinh đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng sốc, không có mạch, không có huyết áp, vết thương ngực hở, tổn thương động mạch ức phải, mất máu nặng. Khám sơ bộ cho thấy, tiên lượng bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong. Tập thể thầy thuốc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bác sĩ Hà Duy Bình khẩn trương hội chẩn và huy động nhiều y, bác sĩ trong các khoa phòng như nội, hồi sức, ngoại, xét nghiệm, siêu âm... Khi đưa lên phòng mổ khởi mê thì tim bệnh nhân ngừng đập, kíp phẫu thuật đã khẩn trương cấp cứu ngừng tuần hoàn, lúc có tim trở lại thì mở lồng ngực khâu cầm máu và hồi sức tích cực. Cả bệnh viện như chạy đua với thời gian để giành giật mạng sống của bệnh nhân trên tay thần chết. Trong cấp cứu, bệnh nhân đã phải truyền hơn 2.000ml máu. Một loạt học sinh cùng trường đã tập trung ngoài hành lang để chờ đến lượt lấy máu cứu bạn. Khi cơn nguy hiểm của bệnh nhân qua đi, cả một tập thể thầy thuốc không ai ngủ được vì nhiều cảm xúc đan xen. Đó là niềm vui cứu được người bệnh khỏi lưỡi hái tử thần khi mọi chỉ số sự sống đã gần như trở về “mo”; là niềm xúc động khi nhìn bệnh nhân thiếp đi và màu hồng đã lan lên da mặt; là niềm tin vào trí tuệ tập thể đẫm chất nhân văn và sự giúp đỡ của cộng đồng đã tạo nên sự thành công ấy. Riêng anh, lặng lẽ trở về phòng, trút bỏ áo blue  rồi nhìn đăm đăm qua khung cửa sổ. Lúc đó, những giọt nước mắt xúc động mới lặng lẽ ứa ra trên khuôn mặt hốc hác của người bác sĩ. Trước đó, nhìn khuôn mặt rạng ngời, rưng rưng lệ của những người thầy thuốc trẻ đồng hành cùng anh thực hiện ca mổ thành công, lòng anh trào lên niềm hạnh phúc. Họ thông minh, năng động, nhiệt huyết và anh trên cương vị chỉ huy cần phải làm gì để những người thầy thuốc ấy luôn luôn tỏa sáng?

Hè 2002, anh đang là Phó trưởng khoa Ngoại và đang theo học lớp Lý luận chính trị cao cấp. Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Viết Đạt bị chấn thương, gãy hai xương cẳng chân, hoại tử da và cơ phần trước cẳng chân. Anh cùng ê-kíp mổ cố giữ cho bệnh nhân không bị cưa chân, sau khi bàn giao bệnh án, anh tiếp tục lên thị xã Lào Cai học. Vết mổ của Đạt được một thời gian tạm thời se miệng, nhưng sau đó nhiễm trùng do phần da và cơ mặt trước xương chày bị hoại tử. Nguy cơ bệnh nhân bị cắt cụt chân là rất lớn. Khi nhận tin, ngồi trong lớp nhưng anh không thể tĩnh trí học. Hình ảnh bệnh nhân mới 22 tuổi mà sắp phải cưa cụt một chân như xoáy vào óc khiến anh bồn chồn, đau xót. Vậy là, ngày ngày anh phóng chiếc xe máy cà tàng từ huyện lên thị xã gần bốn chục cây số để học rồi chiều học xong lại về huyện trong tình trạng đường rất xấu để thăm bệnh cho Đạt. Nhiều lần sau khi khám và tự tay chăm sóc ống chân tật bệnh ấy, anh lại lặng thầm suốt đêm đọc các tài liệu về phương pháp điều trị loại chấn thương này rồi trực tiếp chỉ định điều trị cho bệnh nhân đến từng chi tiết... Vậy mà, chỉ trong gần một tháng, vừa có mặt đầy đủ trong lớp học, vừa lo lắng chỉ đạo hoặc trực tiếp làm chuyên môn ở hai nơi cách nhau gần bốn chục cây số, bác sĩ Hà Duy Bình đã cứu được ống chân cho cậu thanh niên Nguyễn Viết Đạt. Nhưng cũng qua gần một tháng trăn trở ấy, mái tóc của anh xơ xác và bạc đến gần nửa! Vợ anh ái ngại, nhưng khi thấy bệnh nhân ôm chặt chồng mình nức nở, nghẹn ngào: “Thầy đã cứu sống em rồi! Em rất cám ơn thầy, cám ơn bệnh viện...” chị cũng chứa chan nước mắt xúc động và cảm phục chồng.

Hè 2012, bệnh nhân Chảo Mùi Mắn 30 tuổi - người dân tộc Dao tại Tằng Loỏng đi rừng bị gỗ lao vào bụng đến viện trong tình trạng sốc chấn thương nặng do vỡ tá tràng, tụ máu và dịch tiêu hóa ở toàn bộ phúc mạc thành sau. Người trong làng kéo vào viện rất đông khóc lóc, lo âu, đa số họ không tin có thể cứu sống bệnh nhân. Nhưng ê-kíp mổ do anh trực tiếp thực hiện đã thành công ngoài mong đợi được biểu dương và gây được tiếng vang lớn trong toàn ngành y tế Lào Cai, chỉ nửa tháng sau bệnh nhân Mắn bình phục ra viện.

Gần đây nhất, vào những ngày đầu tháng 7/2014, chị Trịnh Thị Yến 23 tuổi ở xã Xuân Quang được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng đau bụng và dọa đẻ non khi thai nhi mới được 27 tuần tuổi. Sau đó, sản phụ đã sinh cháu bé nặng 800g với thể trạng rất yếu, nhịp tim nhanh, da tím... nguy cơ tử vong cao. Cháu đã được hồi sức cấp cứu bằng hô hấp sơ sinh, đặt nội khí quản sơ sinh, kỹ thuật thở CPAP nuôi dưỡng đường tĩnh mạch. Sau 1 tháng chăm sóc, điều trị tích cực, cháu bé đã tự bú sữa mẹ, cử động phản xạ tốt, da dẻ hồng hào. Ca cấp cứu thành công ấy cũng đã được biểu dương trong toàn tỉnh.

Đó chỉ là rất ít trong rất nhiều ca bệnh ấn tượng của Bệnh viện Bảo Thắng và người thủ lĩnh - Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa I, Giám đốc Hà Duy Bình.

Xuất phát điểm là một cán bộ gây mê hồi sức cấp cứu và giờ là bác sĩ chuyên khoa I, là giám đốc một bệnh viện đa khoa có quy mô lớn nhất trong các bệnh viện tuyến huyện của Lào Cai, trên ba thập kỷ hành nghề trị bệnh cứu người, trong ký ức nghề nghiệp của mình, anh không thể nào quên những ca bệnh đặc biệt ấn tượng cắm đinh vào nghiệp thầy thuốc của mình. Song hành cùng nó là những day dứt, ám ảnh nghề nghiệp khiến anh luôn tự răn mình “suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết” như lời thề của Hippocrates, từ đó càng cảm thấy gắn bó với nghề và thôi thúc anh nguyện mãi đi theo con đường trị bệnh cứu người suốt cả đời mình.

Hà Duy Bình không thể nào quên một kíp trực định mệnh. Năm 1983, khi đó anh mới ra trường 2 năm, là cán bộ gây mê của khoa hồi sức cấp cứu. Một bệnh nhân nữ trung tuổi, tên Múi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốc do đa chấn thương do bị nhiều mảnh lựu đạn găm vào người, mất máu rất nhiều do tổn thương gan, tổn thương dạ dày, ruột. Kíp trực đó, anh và ê-kíp mổ đã hết sức cố gắng nhưng bất lực nhìn bệnh nhân ra đi tức tưởi trên bàn mổ. Anh buồn và day dứt vô cùng trước ánh mắt khắc khoải của bệnh nhân và người nhà. Suy nghĩ triết lý về mạng sống con người và những giả định nếu như bệnh nhân được đưa đến viện kịp thời? Nếu như bệnh viện sẵn máu? nếu như..., nếu như..., những câu hỏi liên tiếp đặt ra cay đắng trăn trở suốt đêm và cũng là cú huých để người thầy thuốc trẻ tăng thêm quyết tâm học hỏi, theo đuổi đến cùng nghiệp trị bệnh cứu người. Để đến thời điểm này - cuối năm 2014, hàng ngàn ca mổ đã qua tay anh thành công và nhắc đến anh, đến bệnh viện, người dân Lào Cai lại nghĩ về một điểm sáng.

BS. Hà Duy Bình luôn quan tâm chăm lo tăng cường cán bộ y tế về cơ sở.

BS. Hà Duy Bình thăm khám bệnh nhân.

Vị thủ lĩnh tài ba trên lộ trình đưa bệnh viện tiến tới vinh quang

Khởi nghiệp thầy thuốc từ năm 1980, đến nay là giám đốc một bệnh viện đa khoa có quy mô lớn nhất trong các bệnh viện cấp huyện của tỉnh, bác sĩ Hà Duy Bình đã nhận thức rõ vai trò của đơn vị trong việc thực hiện chuyên môn, nhất là bệnh viện anh đang trên lộ trình phấn đấu xây dựng đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Anh đã tham mưu tốt công tác quản lý, công tác chuyên môn cho ngành y tế huyện, tỉnh, góp phần củng cố và tiếp tục khẳng định thành tích về khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn huyện và 9 xã lân cận của huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn... Đồng thời có giải pháp tích cực trong công tác quản lý y tế theo quy định, đặc biệt công tác chuyên môn về ngoại, sản, hồi sức cấp cứu là những khoa mũi nhọn của bệnh viện. Những tham mưu lên cấp trên và những chỉ đạo xuống bệnh viện của anh đã tạo được chuyển biến nổi bật trong các hoạt động của đơn vị. Hàng năm, bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị từ  200 - 250 ngàn lượt người, đạt trên 2,5 lần cho một người dân/năm; tiếp nhận và mổ từ 1.000 - 1.500 ca phẫu thuật cấp 3 trở lên và thực hiện nhiều thủ thuật khác đạt kết quả cao, ngoài ra còn chi viện, hỗ trợ nguồn nhân lực cho các bệnh viện huyện bạn khi có tình hình xấu xảy ra.

Công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt từ 140 - 160%, đặc biệt đối với bệnh nhân ngoại khoa, sản khoa và các loại ngộ độc. Đồng thời, bác sĩ Bình đã chỉ đạo nghiên cứu, tập huấn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào điều trị cho người bệnh đạt kết quả cao, đến nay bệnh viện đã thực hiện trên 230 kỹ thuật vượt tuyến, trong đó có những kỹ thuật rất khó, không phải bệnh viện tuyến huyện nào cũng làm được. Điển hình là phẫu thuật nội soi ổ bụng như: cắt túi mật, mổ chửa ngoài dạ con, khâu thủng dạ dày, cắt u nang buồng trứng... phấn đấu dần dần phẫu thuật nội soi sẽ thay thế phẫu thuật truyền thống. Hoặc có các kỹ thuật hiện đại khác: lasser chiếu ngoài, sóng ngắn điều trị... kéo bệnh nhân đến với viện, giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Nhân dân huyện Bảo Thắng và các huyện lân cận tin tưởng bệnh viện và coi đây là địa chỉ đáng tin cậy của người bệnh.

Để chiếm được trọn vẹn niềm tin quý giá ấy, người thủ lĩnh của bệnh viện phải qua bao trăn trở tìm biện pháp nâng cao quy mô bệnh viện và chất lượng công việc, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Đề án xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị bằng các nguồn dự án của Tổ chức phi Chính phủ (HAV), Dự án xây dựng cơ sở vật chất cho bệnh viện 7 tỉnh miền núi phía Bắc về đã làm thay đổi sắc diện của bệnh viện lên tầm quy mô. Đồng thời, với trăn trở “làm cho những thầy thuốc của mình luôn tỏa sáng”, anh có nhiều biện pháp tích cực nâng cao chất lượng đội ngũ, cử đi đào tạo chuyên môn, động viên người ở nhà gánh thêm việc của những người đi học để tạo ra một đội ngũ đồng bộ về cơ cấu, cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng trong tình hình hiện nay với trên 40 cán bộ có trình độ đại học, trên đại học. Anh cũng chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học của đơn vị. Mỗi năm bệnh viện có từ 5 - 7 sáng kiến, trong đó có sáng kiến của anh được nghiệm thu và áp dụng thực tiễn. Năm 2006, đề tài “Đánh giá hiệu quả giáo dục sức khỏe tại các khoa lâm sàng Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng” của anh đã được báo cáo và công nhận tại hội thảo khu vực Tây Bắc, được áp dụng trong công tác quản lý và chỉ đạo hoạt động của các trạm y tế và thôn bản.

Đi cơ sở nhiều từ khi chưa làm công tác quản lý, bác sĩ Hà Duy Bình nhận thấy chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện chỉ thật sự được nâng cao và đến với tất cả mọi người là củng cố y tế cơ sở trên cái “vốn” hàng trăm y tá thôn bản được đào tạo tại đây từ thập niên 1990 đã tỏa đi khắp tỉnh và họ thực sự là “cánh tay vươn dài” của ngành y tế Lào Cai .. Ngay từ trước khi có Đề án 1816, anh đã chỉ đạo thực hiện tốt việc tăng cường cán bộ y tế về cơ sở công tác và chuyển giao kỹ thuật với phương châm “cầm tay chỉ việc”, kết hợp với y tế thôn bản khám và điều trị cho nhân dân ở nhiều thôn bản vùng sâu vùng xa, nơi có những người dân nghèo chưa bao giờ được tiếp xúc và hưởng lợi từ dịch vụ y tế đã được nhân dân nô nức hưởng ứng... Nhờ sự tích cực dám nghĩ dám làm trong việc chỉ đạo tuyến của bệnh viện để đến thời điểm này, Bảo Thắng đã có 13/15 xã, thị trấn đạt Chuẩn quốc gia về y tế... Quy mô, mạng lưới y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư mở rộng và phát triển từ cấp thôn bản đến bệnh viện, 100% các thôn bản đều có y tá được qua đào tạo lớp y tá thôn bản, hàng năm đều có lớp tập huấn; 100% các trạm y tế xã có bác sĩ; 100% các khoa lâm sàng, cận lâm sàng có bác sĩ trình độ sau đại học...

...Và cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung ấm áp tình người

Là cán bộ quản lý của một đơn vị chuyên trị bệnh, cứu người, bác sĩ Hà Duy Bình càng thấu hiểu bên cạnh tầm quan trọng của công tác chuyên môn, làm theo y đức của từng cán bộ là sự đoàn kết nội bộ. Nhưng cái gốc của đoàn kết là phát huy dân chủ, từ đó phát huy tiềm tàng trí tuệ trong mỗi con người. Lãnh đạo bệnh viện phải là hạt nhân của đoàn kết. Nghĩa là anh và Ban Giám đốc phải tạo sức hút từ chính bệnh viện đến với 241 cán bộ, nhân viên của mình. Việc quan tâm đến đời sống của cán bộ nhân viên trong viện đã “tăng điểm” cho giám đốc. Các hoạt động tương thân, tương ái, những gia đình cán bộ bệnh viện khó khăn đều được anh đặc biệt quan tâm và chia sẻ. Do vậy, anh được cán bộ, nhân viên bệnh viện yêu quý, tin tưởng. Là Bí thư Đảng bộ, anh chỉ đạo thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng việc tổ chức đọc những mẩu chuyện về cuộc đời và tấm gương đạo đức của Bác Hồ sau giờ giao ban qua hệ thống loa truyền thanh nội bộ, phát động học theo Bác bằng những việc làm cụ thể với phương châm “Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh”.  Hàng tuần, hàng tháng các khoa phòng tổ chức sinh hoạt hội đồng người bệnh lấy ý kiến đóng góp từ hai phía thầy thuốc và bệnh nhân. Những việc làm đó đã phát huy trách nhiệm của các y, bác sĩ bệnh viện, nhiều năm qua không có sai phạm nào về y đức, hiện tượng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phàn nàn, có ý kiến về tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế ngày càng giảm, nhiều y, bác sĩ đã được bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khen ngợi.

BS. Hà Duy Bình luôn quan tâm chăm lo tăng cường cán bộ y tế về cơ sở.

Anh còn đề ra quy chế thưởng phạt phân minh đối với cán bộ, viên chức trong bệnh viện: Với những người lập được thành tích nổi bật, lãnh đạo bệnh viện xem xét để khen thưởng ngay trong tuần và nêu gương trên hệ thống loa nội bộ để mọi người biết và noi theo, còn đối với những người vi phạm khuyết điểm, nghiêm khắc phê bình và mở ra hướng phấn đấu sửa chữa sai lầm, khuyết điểm... Tình nhân ái, chân thực, tình cảm trong đời sống, nghiêm khắc trong công việc của anh đã được toàn bộ cán bộ, nhân viên yêu quý và càng thêm gắn bó với bệnh viện. Có những bác sĩ trẻ mới ra trường tận những miền quê xa xôi như Nghệ An, Thanh Hóa... được nghe giới thiệu về anh và bệnh viện đã lên với Bảo Thắng và được anh ân cần giúp đỡ... Một bác sĩ trẻ quê Nghệ An đã nói về anh và mái nhà chung của mình trong một bài viết: “...Sau mỗi ngày làm việc, nhìn khuôn mặt giãn ra của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, mọi mệt mỏi của tôi tiêu tan. Tôi thấy hạnh phúc khi xa quê lại có một mái ấm chung gần gũi và những người trong mái ấm đó đã coi tôi như ruột thịt, ân cần chỉ bảo để tôi nhanh chóng hòa nhập vào khối đại đoàn kết đó...”.

Vâng! Tôi hiểu nỗi lòng người bác sĩ mới ra trường đó. Và tôi chợt có sự liên tưởng hơn ba mươi năm trước, cũng có một thầy thuốc trẻ ra trường, ngơ ngác lắm giữa dòng đời phức tạp và lạ lẫm lắm với nhiều điều, nhiều bệnh án chưa từng học tới trong nhà trường. Vậy mà, cuộc sống và sự tâm huyết với nghề đã tạo nên cho chàng trai đó nghị lực và bản lĩnh vượt khó, để bây giờ chàng tân sinh viên ngày xưa ấy đã cùng tập thể Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng giữ vững danh hiệu 14 năm xuất sắc toàn diện và nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế và tỉnh Lào Cai trao tặng. Tôi tin với một ban giám đốc năng động, quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, xoay quanh hạt nhân là một giám đốc tâm huyết và bản lĩnh như anh, thì lộ trình tiến tới vinh quang của Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng chỉ còn là vấn đề thời gian.     

Bài, ảnh: Trần Thị Minh

 

 


Ý kiến của bạn