Các nhà hoạch định chiến lược y tế tại UT Southwestern (Mỹ) mới đây đã làm sáng tỏ những lợi ích bất ngờ mà telehealth đem lại trong đại dịch COVID-19 và giúp cung cấp cái nhìn sâu sắc về lợi ích của telehealth đối với tương lai của y học.
Telehealth đang dần chứng tỏ là công cụ chăm sóc sức khỏe hữu ích.
Bác sĩ Alan Kramer, phụ trách các chiến lược y tế tại UT Southwestern và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: Trước COVID-19, nhiều người vẫn còn hoài nghi không rõ liệu telehealth có đáp ứng được các tiêu chuẩn chăm sóc trong các thực hành lâm sàng chuyên môn cao hay không nhưng đây là điều mà chúng tôi nhận thấy là nó thực sự phù hợp.
UT Southwestern đã được trang bị telehealth từ khi đại dịch COVID-19 tấn công - nhưng chỉ là một chương trình thử nghiệm nhỏ. Thông qua những nỗ lực đáng kinh ngạc của đội ngũ y bác sĩ nơi đây, telehealth đã được mở rộng và mang lại nhiều lợi ích ngoài dự kiến cho cả trung tâm y tế và bệnh nhân.
Nghiên cứu cho thấy 25.197 trong số 34.706 cuộc hẹn từ xa trên toàn cơ sở đã được hoàn thành vào tháng 4 năm 2020 - tỷ lệ hoàn thành 72,6% - so với tỷ lệ hoàn thành 65,8% của các lượt thăm khám trực tiếp từ tháng 4 năm 2019.
Nghiên cứu ghi nhận có sự gia tăng đáng kể số lượng bệnh nhân mới được khám bằng telehealth bắt đầu từ tháng 3 năm 2020. UTSW đã chứng kiến tỷ lệ bệnh nhân mới được khám qua các cuộc thăm khám từ xa tăng từ 0,77 % trong tháng 2 lên 14,2 % và 16,7 % vào tháng 3 và tháng 4, tương ứng.
Ngay cả trong một lĩnh vực như phẫu thuật thẩm mỹ, việc triển khai telehealth cũng đã cực kỳ thành công, chứng tỏ tính khả thi của telehealth. Từ tháng 4 đến giữa tháng 5, trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ đã hoàn thành 340 chuyến thăm khám từ xa bao gồm các lĩnh vực như tái tạo ung thư vú, phẫu thuật bàn tay và chăm sóc vết thương. Tương tự như vậy, phẫu thuật thẩm mỹ cũng chứng kiến một số lượng lớn bệnh nhân mới, chiếm 41% số lần khám từ xa.
Nghiên cứu báo cáo một số lợi ích cho bệnh nhân khi sử dụng telehealth, bao gồm giảm căng thẳng, không phải nghỉ việc, giảm số lần đến bệnh viện, thời gian đi lại và tiếp xúc với mầm bệnh...
Ngay cả khi các quy định giãn cách xã hội vì COVID-19 đã được nới lỏng ở Texas, thì telehealth vẫn đang chứng tỏ là một phần chính trong thực hành lâm sàng của UT Southwestern. Bác sĩ Kramer cho rằng: “Phản hồi từ bệnh nhân rất tích cực. Chúng tôi hiện đang duy trì 25% thực hành của chúng tôi được thực hiện từ xa, đây là thắng lợi lớn. Nó đã thay đổi suy nghĩ của chúng tôi về việc chăm sóc và khám chữa bệnh". Ông cũng cho rằng liệu xu hướng này có tiếp tục phát huy thế mạnh sau thời COVID-19 hay không vẫn còn phải xem xét. Nhưng dù bằng cách nào, rõ ràng là telehealth sẽ là một công cụ hữu ích.
Tuy nhiên, nhiều lợi ích mà telehealth mang lại đi kèm với một số thách thức, chẳng hạn như tính thực tế và rủi ro của y học chẩn đoán từ xa. Mặc dù công nghệ đang bắt đầu giải quyết một số vấn đề với sự phát triển của các công cụ như ống nghe điện tử và các ứng dụng dành cho người tiêu dùng có thể đo nồng độ oxy trong máu và thực hiện điện tâm đồ, chẳng hạn, một số người cho rằng giá trị của khám sức khỏe trực tiếp vẫn không thể thay thế được.
Ngoài các vấn đề mà bệnh nhân phải đối mặt, những thách thức khác cần được đưa vào các cuộc thảo luận về tương lai của telehealth, bao gồm luật liên bang, tiểu bang và địa phương; mối quan tâm về quyền riêng tư; và các quy định của Đạo luật về trách nhiệm giải trình và bảo hiểm y tế. Nhiều quy chế và hạn chế đã được nới lỏng trong thời gian đại dịch, cho phép các tổ chức như UTSW triển khai telehealth nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng tương lai của telehealth sẽ đòi hỏi sự phát triển của các quy định dài hạn.