Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 có thay đổi rất lớn về việc quản lý sổ BHXH. Người lao động có quyền tự quản lý sổ BHXH thay vì chủ sử dụng lao động quản lý như hiện hành. Hàng năm, người lao động sẽ được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH, được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về đóng BHXH. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, cơ quan BHXH vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho công tác triển khai luật.
Trước thông tin người lao động sẽ được tự quản lý sổ BHXH, rất nhiều người dân đã phấn khởi bởi khi giữ sổ BHXH trong tay, người lao động cảm thấy rất yên tâm vì có giữ sổ thì mới biết quá trình mình đóng bảo hiểm như thế nào, lương về hưu có đảm bảo hay không? Thực tế, theo nhiều người lao động, khi được giữ sổ bảo hiểm thì như một món tiền tiết kiệm của người lao động sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người lao động quan tâm hiện nay là cho đến hiện tại do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên người lao động vẫn chưa được cầm quyển sổ “tiết kiệm” của bản thân mình. Còn về phía doanh nghiệp thì vẫn loay hoay khi chưa biết quy trình trả sổ BHXH cho người lao động như thế nào?
Đơn cử như theo quy định thì từ năm 2016, toàn bộ sổ bảo hiểm giao doanh nghiệp đang giữ sẽ trả lại cho người lao động, nhưng do BHXH Hà Nội vẫn chưa có quy định này nên nhiều doanh nghiệp chưa thể triển khai và cũng chưa biết làm thế nào để triển khai cho phù hợp. Trong khi đó, theo kế hoạch thì đến 31/12/2016, Hà Nội sẽ thực hiện xong việc trả sổ cho người lao động.
Theo quy định, BHXH Việt Nam sẽ cập nhật thông tin về tình hình đóng BHXH 6 tháng một lần và in sổ tờ rời quá trình đóng 1 năm cho người lao động. Khi người lao động được giữ sổ, sẽ giảm thiểu được nhiều thủ tục hành chính cho người lao động và doanh nghiệp.
Nhưng Luật BHXH đã được thông qua hơn 1 năm và có hiệu lực được gần 6 tháng mà việc triển khai cấp trả sổ cho người lao động vẫn chưa được thực hiện rộng rãi. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp cũng như người lao động chưa thể phối hợp để thực hiện, chưa kể với những doanh nghiệp đang chậm đóng, nợ BHXH thì việc trả sổ cho người lao động sẽ càng khó khăn hơn.
Quy định mới nhằm quản lý việc đóng, hưởng BHXH tốt hơn, nhưng một lần nữa lại vẫn bị chậm trong việc triển khai giữa thực tế và thời gian có hiệu lực bởi lỗi tại ai, câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng, quản lý?