Lối sống người Mỹ đã thay đổi ra sao sau mỗi trận đại dịch?

15-04-2020 17:44 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Sau mỗi cuộc khủng hoảng y tế công cộng, người Mỹ buộc phải thay đổi hành vi để ngăn ngừa dịch bệnh. Không những thế, họ đã có những sáng kiến, đổi mới trong xây dựng cơ sở hạ tầng cho giáo dục, y tế, quyên góp quỹ… để phát triển xã hội.

Từ “cuộc chiến hành vi” ở New York

Cuối thế kỷ 19, cứ 7 người thì có 1 trên thế giới chết do bệnh lao. Bệnh này cũng được xếp đứng hàng thứ 3 trong các căn bệnh gây tử vong nhiều nhất ở Hoa Kỳ khi đó. Trong khi các bác sĩ bắt đầu chấp nhận ý kiến của bác sĩ người Đức, Robert Koch, rằng lao được tạo ra bởi vi khuẩn, thì sự hiểu biết này được cộng đồng tiếp thu rất chậm. Vì thế người dân ít để tâm tới các hành vi góp phần truyền nhiễm dịch bệnh. Trong cuốn “Bệnh lao phổi: Điều trị dự phòng hiện đại và đặc trị trong các cơ sở đặc biệt và tại nhà”, tác giả S. Adolphus Knopf (một bác sĩ chuyên gia về bệnh lao thời đó ở New York) đã viết rằng ông từng quan sát một vài bệnh nhân uống chung ly nước với các hành khách khác đi tàu hỏa và lây bệnh. Vào thời đó các thành viên trong gia đình, thậm chí cả người lạ uống chung cốc nước là chuyện thường.

Với sách hướng dẫn của BS.Knopf, Sở Y tế thành phố New York đã phát động một chiến dịch khổng lồ mang tên: “Cuộc chiến lao” đã giới hạn việc uống chung ly và thúc giục các tiểu bang cấm khạc nhổ bên trong các tòa nhà công cộng, trên vỉa hè tại các không gian ngoài trời. Thay vào đó là khuyến khích việc sử dụng những loại ống nhổ đặc biệt và được làm sạch thường xuyên... Sau đó việc khạc nhổ ở nơi công cộng bị xem là bất lịch sự, hoặc tỏ ra khó chịu khi ai uống chung 1 chai nước. Những thay đổi trong hành vi công cộng đã giúp giảm thiểu thành công tỷ lệ mắc bệnh lao.

Quang cảnh Broadway (New York) vào năm 1858. Người dân Manhattan sống vào thế kỷ 19 chưa hiểu rằng phân ngựa và sự khạc nhổ là nguồn gốc lây lan dịch bệnh. Ảnh nguồn: Wikimedia Commons

Dịch bệnh có thể thay đổi vĩnh viễn cả xã hội, nhưng chúng cũng sẽ tạo ra những hành vi và thói quen ngày một tốt hơn. Nhiều cải thiện cơ sở hạ tầng và các hành vi lành mạnh mà chúng ta cho là bình thường ở thời điểm này, nhưng nó là kết quả của các chiến dịch sức khỏe trong quá khứ nhằm ngăn ngừa sự bùng nổ của dịch bệnh. Chẳng hạn, vào thế kỷ 19, đường phố ở New York ngập ngụa bẩn thỉu. Người dân có thói quen xả rác, phế phẩm và đủ thứ rác qua cửa sổ, thậm chí cả nước tiểu và phân rơi xuống đường, bất chấp xe ngựa chạy xuôi ngược chở hàng và chở cả người trên phố. Thậm chí cả xác động vật bị chết cũng bị bỏ thối rữa ngay trên đường và trẻ con thì vô tư vui đùa ngay cạnh đó… Công nhân vệ sinh đến chở phân ở các nhà xí công cộng rồi đổ ra bến cảng gần đó.

Khi các lãnh đạo dân sự và y tế bắt đầu ngộ ra căn nguyên bùng phát dịch lao, thương hàn và dịch tả tại các thành phố có liên đới với rác thải, thì các thành phố mới bắt đầu thành lập các hệ thống xử lý chất thải. Giới chức bắt đầu tung ra các hệ thống lọc cát và clo hóa nhằm làm sạch nguồn cung nước cấp thành phố. Năm 1891, sau phát minh của ông Thomas Crapper, bồn cầu xả nước bắt đầu phổ biến, các hệ thống bơm nước và xả thải cùng với cải cách nhà ở đã giúp loại bỏ chất thải trên đường phố.

Đại dịch thời trước cũng đã kích hoạt lòng vị tha của người Mỹ. Trong lần bùng nổ dịch sốt vàng vào năm 1793, cư dân Philadelphia không hề được trang bị kế hoạch đối phó khủng hoảng, nhưng thị trưởng Matthew Clarkson đã tập hợp các tình nguyện viên để thu thập quần áo, thức ăn và trao tặng tiền bạc; thiết lập các bệnh viện dã chiến; xây nhà tạm thời cho trẻ em vô gia cư.

Đến những cải cách giúp ngăn ngừa bệnh tật

Bệnh tật giảm đáng kể cũng làm thay đổi văn hóa Mỹ. Khi các bác sĩ tin rằng hệ thống thông gió tốt và không khí sạch có thể đánh bại bệnh tật, thì các nhà xây dựng bắt đầu thiết kế các dạng mái vòm và cửa sổ cho các ngôi nhà. Các nhà đầu tư bất động sản đã tạo ra những cuộc di dân. Các bác sĩ khuyên gia đình các bệnh nhân di chuyển hàng ngàn dặm cách xa những nơi đông đúc, ngột ngạt tại các thành phố lớn như Los Angeles và Colorado Springs. Đến năm 1872, ước tính 1/3 dân số tiểu bang Colorado mắc bệnh lao đã phải đi khỏi tiểu bang để tìm nơi có không khí tốt hơn cho sức khỏe. Mặt khác, dù chúng ta biết rằng ánh nắng không tiêu diệt vi khuẩn, nhưng việc thông gió tốt và ở ngoài trời vừa đủ sẽ mang nhiều lợi ích cho trẻ em và người lớn bằng cách cải thiện hoạt động thể chất và tinh thần. Và lẽ đó đã cho ra đời các không gian ngoài trời và công viên thu hút đông người mua nhà để rời xa đô thị đông đúc.

Vào giữa thế kỷ 20, các chuyên gia sức khỏe công cộng bắt đầu cho rằng ánh nắng có thể tiêu trừ bệnh lao và họ đã quảng cáo nó. Ảnh nguồn: Thư viện quốc hội Mỹ.

Phương pháp chữa bệnh bằng khí sạch cuối cùng đã tạo nên ngành nghiên cứu về khí hậu như một loại hình khoa học chính thống. Khi con người bắt đầu thiết lập các biểu đồ nhiệt độ, áp suất khí quyển và những mô hình thời tiết khác nhằm hy vọng có thể xác định các điều kiện lý tưởng để điều trị bệnh.

Một đợt bùng phát dịch bệnh bạch cầu trong thế kỷ 20 đã xảy ra tại một khu vực hẻo lánh của Alaska. Với thời tiết  -60 độ C, khu vực này không thể đi lại bằng đường biển lẫn đường bộ. Toàn bộ trẻ em mắc bệnh có thể bị chết nếu không được dùng huyết thanh kháng độc. Một số đội y tế đã nghĩ ra cách dùng các xe chó kéo để chở theo huyết thanh. Sáng tạo này đã cứu mạng toàn bộ trẻ em ở đây. Những thách thức trong việc giải cứu bệnh nhân bằng xe chó này cũng kích hoạt một nghiên cứu mang tính khả thi của vận chuyển y tế bằng máy bay ở mọi vùng sâu, vùng xa trên đất Mỹ.

Bức tranh vẽ cảnh trẻ em Mỹ được đi khám bệnh.

Dịch bại liệt đã khiến hơn 57.000 người trên khắp đất Mỹ đổ bệnh, để lại 21.269 trường hợp bị liệt. Quỹ bại liệt trẻ em quốc gia (NFIP, thành lập năm 1928 bởi Tổng thống Franklin D. Roosevelt, sau đó đổi tên là March of Dimes) đã phân bổ số tiền 25 triệu USD cho chính quyền địa phương. March of Dimes đã cung cấp máy thở áp lực âm (động cơ phổi), ghế bập bênh, giường và các thiết bị khác cho các cơ sở y tế; đồng thời phân công các bác sĩ, y tá, trị liệu thể chất và các nhân viên xã hội y tế đến bất kỳ đâu có người cần. Sự thành công của March of Dimes đã trở thành tiêu chuẩn vàng cho giáo dục y tế công cộng và quyên góp kể từ thời hoàng kim của cơ quan này trong 2 thập niên 1940 và 1950.


Nguyễn Thanh Hải
Ý kiến của bạn