Lời nguyền trên dãy Trường Sơn

19-01-2011 08:22 | Xã hội
google news

Tôi đã có chuyến vượt đèo đến các xã miền núi của huyện Phước Sơn để nghe những câu chuyện hãi hùng và cũng để thấy có những người vẫn kiên trì chống lại luật tục trên.

Chỉ cần thầy cúng phán rằng, những đứa trẻ sinh đôi là con ma thì cha mẹ chúng không ngần ngại đem bỏ vào rừng làm mồi cho kiến hoặc khi sinh ra chẳng may người mẹ chết thì đứa trẻ cũng cùng số phận. Cái luật tục hà khắc đó đã tồn tại trong một thời gian dài ở các bản làng miền núi Quảng Nam, trở thành nỗi ám ảnh cho người dân nơi đây. Tôi đã có chuyến vượt đèo đến các xã miền núi của huyện Phước Sơn để nghe những câu chuyện hãi hùng và cũng để thấy có những người vẫn kiên trì chống lại luật tục trên.
 
Ám ảnh luật tục

Những tháng đầu năm 2009, người dân xã Phước Chánh (Phước Sơn – Quảng Nam) đều rộ lên tin, chồng của chị Hồ Thị Thước trú thôn Ba nhất quyết không chịu nuôi hai đứa con của mình và đòi bỏ chúng vào rừng cho đến chết. Thông tin này làm cho ai cũng bàng hoàng bởi vì cái hủ tục này tưởng chừng như chỉ có trong quá khứ thì nay trở lại ám ảnh những người mẹ trẻ. Có người không tin và nói rằng từ lâu trên huyện Phước Sơn đã không con cái hủ tục đó nữa. Tôi tìm đến nhà của chị Hồ Thị Thước để tìm hiểu thật hư của câu chuyện trên. Từ thị trấn Khâm Đức đến xã Phước Chánh chỉ có hơn 10 cây số thế nhưng khi tôi tỏ ý muốn đến đây thì anh Nguyễn Ngọc Tuấn - Đội trưởng cảnh sát điều tra công an huyện Phước Sơn lắc đầu, xua tay: “Đường lên đó khó đi lắm, anh đi một mình không được đâu. Muốn lên được đó phải có xe chuyện dụng, tốt nhất nên thuê xe thồ mà đi”. Lời khuyên của người trinh sát đã từng nhiều lần lên xuống các xã miền núi Phước Sơn quả không sai. Con đường núi quanh co, khập khiễng, toàn đá và đất đỏ, giống như một cái bẫy chỉ cần ai sơ sảy là trở thành mồi cho những bờ vực sâu hun hút. Trên con đường này, chỉ có những chiếc xe Mink được trang bị dây xích vào hai bánh là phương tiện “chuyên dụng”. Con đường đau khổ là vậy, thế nhưng anh Ba, bác xe ôm nhận lời chở tôi vào xã Phước Chánh nói rằng: “Đi được thế này là tốt lắm rồi, trước đây khi muốn vào các bản làng Phước Chánh hay Phước Công chỉ có một cách là cuốc bộ”. Đường xá cách trở, cuộc sống khó khăn vì vậy mà cuộc sống người dân bị bó hẹp trong không gian buôn làng, những luật tục hà khắc cũng phát sinh từ đó.

Khi tôi đến thì chị Hồ Thị Thước đã lên rẫy, gọi mãi mới có ông lão ra bế đứa cháu nhỏ ra tiếp khách. Nhắc lại chuyện con rể đòi bỏ cháu ngoại mình vào rừng, già Hồ Văn Chí vẫn còn thấy xót xa. Ông kể: “Năm trước con gái tôi sinh đôi, được một trai một gái. Nhưng thằng con rể chỉ chịu nuôi đứa con trai còn đòi bỏ đứa gái vào rừng, nó nói là không có tiền nuôi nhưng tôi biết nó sợ con ma rừng về bắt tội cả nhà nên không chịu nuôi cả hai đứa con”. Trước việc sinh mạng của một đứa trẻ sẽ bị bỏ rơi, các cấp chính quyền ở xã Phước Chánh đã nhiều lần khuyên chồng của Hồ Thị Thước nuôi con của mình nhưng người đàn ông đó vẫn nhất quyết không chịu. Không còn cách nào khác chính quyền phải vận động ông Chí nuôi cháu ngoại của mình. Do gia đình ông Chí khó khăn nên xã Phước Chánh đã hỗ trợ kinh phí để cứu đứa trẻ thoát khỏi cái chết. Đến bây giờ, cháu ngoại ông Chí đã được hơn một tuổi, khoẻ mạnh và bụ bẫm. Dù vậy, cả nhà ông Chí lúc nào cũng nơm nớp lo sợ tai họa sẽ ập xuống gia đình mình. Ông Chí nói: “Khi nhận nuôi cháu ngoại tôi cũng sợ lắm vì ai cũng nói nếu nuôi thì sẽ gặp tai họa. Ở đây đã có nhà bị con ma rừng bắt phạt hết cả nhà rồi. Tôi phải cúng làng một con heo và rước bà mụ về cúng thường xuyên”. Không riêng gì ông Chí, mà nhiều bà con dân tộc Bơnông vẫn tin vào những điều không tưởng ấy. Họ tin rằng, những đứa trẻ sinh đôi là hiện thân của con ma rừng nên nhất định không được nuôi. Hay người mẹ không may bị chết sau khi sinh thì đứa con ấy cũng phải chết theo. Người Bhonoong còn kể rằng, trước đây có một gia đình chống lại luật tục này. Người vợ sinh một lần hai đứa con nhưng không chịu mang bỏ vào rừng, một thời gian sau cả gia đình ấy đều mắc bệnh mà chết, riêng người chồng thì trở nên khờ dại và cứ lang thang mãi trong rừng! Những câu chuyện như thế vẫn được truyền tụng ở các bản làng của đại ngàn Trường Sơn, lâu dần nó ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân, trở thành một lời nguyền, một câu chuyện có thật. Khi tôi hỏi già Đinh Văn Vía ở thôn Ba – xã Phước Chánh về nguồn gốc của hủ tục này thì ông cũng không biết nó có từ bao giờ. Gìa Vía chỉ còn nhớ, vào cái thời dân tộc ông còn sống du canh du cư thì hủ tục này đã tồn tại, ngày đó có rất nhiều đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh như thế. Và mỗi khi đi rừng, nghe thấy tiếng trẻ con khóc là ông tránh xa. “Ngày trước, khi sinh đôi thì người ta bỏ cả hai chứ không giữ lại đứa nào hết, sau này mới có chuyện giữ lại một đứa để nuôi. Khi bỏ vào con vào rừng, người ta không chôn xuống đất ngay mà bỏ vào một cái giỏ treo lên cây, rồi rào gốc cây ấy lại, hai ba ngày sau thì mới đem đi chôn. Nếu ai không làm thế thì sẽ bị con ma rừng bắt phạt, bị bản làng xa lánh vì thế nên ai cũng sợ”. già Vía kể lại cái luật tục mà ông không biết nó xuất phát từ đâu. Cái luật tục này hà khắc đến nỗi, khi đến ngày sinh những người phụ nữ Bơnông phải vào rừng dựng cho mình một mái lều nhỏ để tự sinh nở và nếu sinh đôi thì họ bỏ con lại trong rừng hoặc giả người mẹ không vượt cạn được thì cả hai mẹ con nằm chết trong túp lều mà không ai biết đến.

Trong một thời gian dài, cái luật tục này đã gây nên những câu chuyện đau lòng trên miền sơn cước Quảng Nam, khiến cho nhiều đứa trẻ phải chết khi vừa chào đời, trở thành nỗi ám ảnh đối với người phụ nữ . Đau khổ, dằn vặt vì hủ tục nhưng người dân Bhonoong không thoát ra được những ràng buộc vô hình ấy.

Ông Hồ Văn Chí với đứa cháu ngoại mà cha nó bỏ vào rừng.

Những người bước qua lời nguyền

Đối với bà con dân tộc Bhonoong những luật tục là cái gì đó rất linh thiêng và việc nói về những luật tục cũng là điều cấm kị. Nên khi đi tìm tư liệu để viết bài này, tôi đã gặp không ít khó khăn bởi vì bà con có một quy định bất thành văn là “không kể chuyện luật tục cho người lạ”. Nhưng thật may, đi với tôi hôm đó là Trịnh Thị Thùy Phương, Trưởng trạm y tế xã Phước Chánh người được bà con nơi đây hết mực tin tưởng. Chị Phương lên các xã vùng núi Phước Sơn công tác đã hơn 20 năm, với chị câu chuyện về những đứa trẻ Bhonoong vừa chào đời đã buộc phải chết không còn xa lạ, mà nó đã trở thành một phần trong công việc thường ngày. Hơn 20 năm làm cán bộ y tế là hơn 20 năm chị đấu tranh giành lại sự sống cho những đứa trẻ. Chị kể: “Sống ở đây nên tôi gặp nhiều trường hợp định bỏ con vào rừng, những lúc như vậy thì mình xót lắm, phải tìm cách cứu cho bằng được. Thế nên ngày nào mình cũng đến nhà người dân thuyết phục, lúc đầu bà con không nghe còn nói mình chống lại lời nguyền và còn bắt vạ. Nhưng mình cứ kiên trì vận động mãi như thế nên dần dần bà con cũng hiểu”. Nghe chị Phương kể chuyện vận động bà con từ bỏ hủ tục, thấy sao đơn giản quá, có cảm giác như ai làm cũng được. Nhưng tôi biết, để thay đổi được luật tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ là cả một quá trình không ngơi nghỉ. Trong lúc lan man về chuyện đời chuyện nghề, chị Phương kể tôi nghe những ngày đầu tiên lên công tác ở đây. Tuổi trẻ, đầy nhiệt huyết cống hiến và cũng vì nhiệt huyết đó mà chị nhận lời lãnh đạo lên các xã vùng núi Phước Sơn chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, với lời hứa là một năm thôi sẽ cho về lại thị trấn. Nhưng rồi một năm, hai năm và cho đến nay đã 20 năm chị vẫn gắn bó với đồng bào nơi đây. Ngày đó, con đường lên các xã Phước Chánh, Phước Kim, Phước Công... chỉ có đường mòn, cuốc bộ cả ngày đường mới đến nơi, hằng ngày chị băng rừ ng lội suối đến các thôn bản khám bệnh hay giúp sản phụ sinh nở. Một lần chị bị lũ rừng bất ngờ ập đến cuốn đi nhưng may mắn chị bám được vào một bụi cây, thoát chết. Và chính trong những chuyến đi như thế chị đã cứu sống được nhiều thai phụ và trẻ sơ sinh. “Phụ nữ ở đây sinh lạ lắm. Đến ngày sắp sinh là họ vào rừng dựng một cái lều, rồi một mình vượt cạn, có khi họ bị kiệt sức chết giữa rừng mà không ai biết, vì thế khi trong thôn bản có người sắp sinh là mình phải theo họ vào rừng”, chị Phương kể. Sau hơn 20 năm, chị Phương không còn nhớ là mình đã giúp được bao nhiêu phụ nữ vượt cạn thành công, nhưng kỷ niệm về những lần cứu những đứa trẻ sinh đôi thì chị nhớ rất rõ. Mới đây nhất, là việc chị cứu hai đứa con của Hồ Thị Thước, trú thôn 3 xã Phước Chánh, do sinh đôi nên chồng chị Phước đòi bỏ đứa con gái vào rừng. Thế là chị Phương phải đến nhà khuyên giải, năn nỉ nhưng người cha vẫn nhất quyết không chịu nuôi. Hết cách, chị Phương ôm đứa trẻ về cho ông ngoại của cháu chăm sóc, rồi lại chạy ra huyện xin tiền để về nuôi đứa trẻ. Nhờ vậy mà con của chị Phước thoát chết nhưng chị Phương lại gặp rắc rối. “Cứ khi nào gia đình có chuyện là chồng của chị Phước lại chạy ra trạm y tế bắt đền, lúc đòi con gà, lúc đòi con heo vì họ cho rằng mình giữ lại đứa trẻ nên gia đình họ gặp xui xẻo. Vận động bà con từ bỏ hủ tục nên mình gặp chuyện này thường xuyên, đổi con gà, con heo để giành lại sự sống cho một đứa trẻ thì mình lời lớn” - chị Phương cười vui, khi kể chuyện mình bị “bắt vạ”.

Những người thầy thuốc đang ngày đêm nỗ lực cùng bà con xóa bỏ luật tục.

Ngoài chị Phương thì trên các bản làng ở Phước Sơn còn có nhiều người khác ngày đêm chung tay xóa bỏ hủ tục và trong những người như thế, người dân ở thị trấn Khâm Đức vẫn thường kể câu chuyện của anh Nguyễn Thế Thọ, hiện là Phó phòng văn hóa thông tin huyện. Vốn là một người dân tộc Bhonoong, anh Thọ biết rất rõ những luật tục và lời nguyền mà dân tộc mình đặt ra. Nhưng vào năm 1998, khi đi vào rừng anh bắt gặp một đứa trẻ đang thoi thóp thở bên người mẹ đã chết, thế là anh bế đứa trẻ sơ sinh chạy một mạch về làng của mình. “Khi mang đứa trẻ về làng thì các già làng ra ngăn lại không cho đem vào và nói đem đứa trẻ bỏ lại trong rừng nhưng tôi không nghe và cương quyết nuôi đứa bé, thế là làng bắt phạt tôi một con heo to. Đến bây giờ cháu vẫn sống với tôi, hiện đang học lớp 7 và là học sinh tiên tiến”, anh Thọ kể chuyện đứa con của mình.

Giờ đây, nhận thức của bà con dân tộc Bhonoong đã thay đổi, đã không còn chuyện đem con bỏ vào rừng như trước đây và nếu có thì đó cũng chỉ là trường hợp đơn lẻ. Chị Hồ Thị Ngọc - ở xã Phước Chánh một lần sinh hai đứa con nhưng vẫn nuôi cả hai. Khi được hỏi có sợ luật tục không, chị Ngọc nói: “Những hủ tụ ấy có trước kia nhưng mình không tin đâu. Hai đứa con mình giờ vẫn khỏe mạnh không xảy ra chuyện chi hết”. Để có được những nhận thức như chị Ngọc, thì đó là cả một quá trình vận động của những người như chị Phương, anh Thọ. Họ đã dám bước qua lời nguyền, cứu sống nhiều đứa trẻ. Sự hy sinh thầm lặng của những người làm công tác y tế thôn bản đã mang lại cuộc sống mới cho người dân trên rẻo cao Quảng Nam.   
 Phóng sự: Lưu Hoàng Anh

Ý kiến của bạn