Lời nguyền tài nguyên

25-06-2010 07:15 | Thời sự
google news

Khoáng sản phần lớn là những tài nguyên không tái tạo. Phải coi đó là tài sản quốc gia, là vốn dự trữ và quyền sở hữu của nhân dân cả nước. Việc khai thác, sử dụng, xuất khẩu nguồn vốn này cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng và thận trọng.

Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN phối hợp với Tổng hội Địa chất VN và Viện Tư vấn phát triển đã tổ chức một cuộc Hội thảo quan trọng về "Tài nguyên khoáng sản và phát triển bền vững ở Việt Nam". Rất đông các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã tham dự hội thảo và sôi nổi tranh luận về các báo cáo được trình bày.
 
Tôi không có ý định tường thuật lại nội dung của cuộc hội thảo này mà chỉ muốn nói lên một câu hỏi đã được nhiều nhà khoa học giải đáp. Đó là : "Nước ta giàu hay nghèo về tài nguyên khoáng sản?" Câu trả lời là nước ta không nghèo về tài nguyên khoáng sản. Một nước có diện tích không lớn như nước ta mà có tới trên 6.000 điểm có khoáng sản với trên 60 loại khác nhau, từ các nhiên liệu quý giá như dầu mỏ, khí đốt, than đá, uranium... đến các khoáng sản kim loại như sắt, mangan, crôm, nickel, cobalt, molybden, wolfram, thiếc, đồng, chì, kẽm, antimon, bismut, vàng, đất hiếm, bauxit, ilmenit... và nhất là các khoáng sản phi kim loại cùng với các loại vật liệu xây dựng như đá phosphat, baryt, fluorit, felspat, kaolin, bentonit, diatomit, talc, graphit, magnesit, đá vôi, cát sỏi, đá xây dựng... Có những khoáng sản đã và đang được xuất khẩu, thu về một lượng ngoại tệ không nhỏ. Lấy ví dụ năm 2009 chúng ta đã thu được 6.210 triệu USD do xuất khẩu dầu thô, con số này đối với xăng dầu các loại là 841 triệu USD, than đá là 1.326 triệu USD, quặng và các khoáng sản khác là 136 triệu USD.
Nguồn tài nguyên nước ta rất đa dạng nhưng cần phải khai thác và sử dụng có hiệu quả.

Tuy nhiên không thể khai thác với tốc độ quá mức như hiện nay (với 4.218 giấy phép khai thác khoáng sản của Trung ương và các địa phương). Vì những khoáng sản chúng ta có nhiều thì thế giới không thiếu, những khoáng sản thế giới thiếu thì chúng ta không có nhiều (kể cả những khoáng sản đang xuất khẩu). Vì chúng ta không nên bán khoáng sản thô với giá rẻ mà cần dè sẻn để tiến tới tinh chế để có thể sử dụng hoặc bán với giá cao (ví dụ titan kim loại có giá cao hơn 80 lần so với sa khoáng titan). Vì để khai thác khoáng sản cần đầu tư những khoản kinh phí quá lớn (ví dụ năm 2008 là 50.962 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép khai khoáng từ năm 1988 đến năm 2008 là 105.836 triệu USD). Vì khai thác với kỹ thuật thấp làm tổn thất tài nguyên rất lớn (ví dụ khai thác than hầm lò tổn thất 40-60%, khai thác apatit tổn thất 26-43%, khai thác quặng kim loại tổn thất 15-20%, khai thác dầu khí tổn thất tới 50-60%...). Vì không tận thu được các khoáng sản đi cùng và các quặng nghèo (độ thu hồi vàng từ quặng chỉ đạt 30-40%...). Vì quản lý kém nên vận chuyển và xuất khẩu lậu khoáng sản còn rất lớn (ví dụ xuất khẩu lậu quặng titan năm 2008 là trên 200.000 tấn). Vì nguồn thu từ hoạt động khoáng sản chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước (lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay doanh nghiệp trong và ngoài nước, người lao động chỉ có việc làm ngắn hạn và thu nhập bấp bênh). Vì tình trạng khai thác như hiện nay chiếm diện tích quá lớn (kiểm kê năm 2005 là 41.000 ha) và gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường sinh sống của dân cư nơi khai thác. Vì việc phục hồi môi trường sau khi khai thác không được thực hiện nghiêm chỉnh như luật định (ví dụ năm 2008 lượng bốc đất đá khai thác than là 216 triệu m3, vùng khai thác sa khoáng titan làm san phẳng hệ thống đê cát, rừng phòng hộ và cảnh quan sinh thái ven biển...). Vì không bảo đảm an toàn lao động (gần 50% bệnh nhân mắc bệnh bụi phổi là tập trung tại các vùng khai thác khoáng, rất nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại các khu khai thác khoáng)...

Khoáng sản phần lớn là những tài nguyên không tái tạo. Phải coi đó là tài sản quốc gia, là vốn dự trữ và quyền sở hữu của nhân dân cả nước. Việc khai thác, sử dụng, xuất khẩu nguồn vốn này cần phải cân nhắc thật  kỹ lưỡng và thận trọng. Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào các yếu kém đang tồn tại trong việc khai thác và sử dụng không bền vững các nguồn tài nguyên khoáng sản ở nước ta hiện nay. Cần xem xét lại ngay để tránh chồng chéo giữa Luật Khoáng sản với nhiều luật khác (Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Dầu khí, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng...), từ đó xây dựng Chiến lược quốc gia về quản lý và sử dụng tài nguyên khoáng sản. Cần đề cao trách nhiệm quản lý chặt chẽ của các cấp ngành Trung ương và địa phương trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản.

Đừng nên quên cụm từ Lời nguyền tài nguyên (Natural resource curse) do Richard Auty đề xuất vào năm 1993 . Ông cho rằng: "Các quốc gia giàu tài nguyên không chỉ có thể thất bại trong việc làm lợi từ của trời cho, thậm chí còn hoạt động kém hiệu quả hơn các nước mà thiên nhiên kém ưu đãi hơn". Có thể lấy Nigeria làm ví dụ. Nước này đã thu được tới 10 tỷ USD từ dầu mỏ trong thời gian từ năm 1965 đến năm 2000, vậy mà nay đã trở thành một trong 15 quốc gia nghèo nhất thế giới (!)

GS.TS. NGUYỄN LÂN DŨNG


Ý kiến của bạn