Lời nguyền cứu người gặp nạn của người thợ lặn

12-07-2014 05:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Dù ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, những người thợ lặn có lời thề giao ước đã ra biển thấy ai gặp nạn cũng phải cứu.

Nghề lặn là một trong những nghề rủi ro nhiều nhất. Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Cuộc đời của những thợ lặn luôn gắn liền với những bất trắc, hiểm nguy. Mấy chục năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) làm công việc duy nhất là lặn biển. Những chuyến lặn này đôi khi không được cá mà “được” cả xác người. Vài năm mà người ta đã vớt được rất nhiều xác chết, cứu nhiều người chuẩn bị tự vẫn. Những thợ lặn này còn “bắt” được cả những lời nguyền được bọc trong túi nilon thả xuống biển sâu.

Thành quả sau một đêm lặn ngụp.

Thành quả sau một đêm lặn ngụp.

Hiểm nguy bủa vây tứ phía

Đã có thâm niên 30 năm trong nghề lặn biển; ông Trần Trung Bảo bộc bạch với chúng tôi rằng, trong hàng trăm thứ nghề thì có lẽ nghề này là bạc bẽo và khổ ải nhất. Mỗi khi bước vào nghề lặn này là xác định hiểm nguy luôn rình rập mình rồi. Có khi nghề nó vận vào thân nên có những người định làm vài năm rồi thôi mà cũng đâu có được. Như gia đình tôi định lặn biển mấy năm rồi chuyển lên bờ sinh sống nhưng rồi bám vào cái nghề này, không bỏ được. Thôi thì cứ xem đó như là duyên phận của mỗi người vậy chứ cũng không phải ai bước vào cái nghề này cũng xuất phát từ sở thích của mình đâu. Ông Bảo cũng cho biết thêm: Nghề thợ lặn được du nhập vào vùng đất Mũi này từ  lâu lắm rồi. Lúc đầu, ngư dân ở đây thường đi đánh bắt cá thuê cho các vùng đất khác nhưng rồi phận làm thuê bọt bèo, khi học được các kỹ năng lặn, họ quay về tự mưu sinh lấy. Muốn hành nghề thợ lặn không phải là khó bởi chỉ cần đầu tư số tiền khoảng 20 - 25 triệu đồng để mua một chiếc thuyền nhỏ, mua máy chuyển khí, áo quần người nhái, súng bắn cá, xỉa cá... là có thể ra biển. Thường thường, buổi sáng đi thuyền ra đến điểm có tôm cá, thợ lặn biển bắt đầu khởi động cho máy nổ chạy rồi nối dây từ máy nổ qua bộ phận tạo khí dẫn đến chiếc bình đựng khí. Chiếc bình này sẽ cung cấp oxy cho các thợ lặn thông qua ống chuyển khí bằng cao su dài khoảng 90 - 100m (to bằng ngón tay cái).

Sau khi kiểm tra kỹ thuật cẩn thận từng dụng cụ, các thợ lặn ngậm ống, đeo kính lặn, móc vợt lưới vào cổ và nịch dây chì (nặng khoảng 12 - 15kg) vào người rồi quăng mình xuống biển mất hút. Trên thuyền lúc này chỉ còn lại một người vừa trực để xử lý khi sự cố xảy ra, vừa chờ để kéo tôm, cá, sò... mà các thợ lặn đánh bắt được dưới đáy biển lên thuyền. Xuống đến đáy biển (thường là sâu khoảng 15 - 20 sải nước, 1 sải nước tương đương 1,6m), thợ lặn bắt đầu chậm rãi di chuyển trong làn nước lờ mờ để tìm bắt sò, tôm hùm, cá, cua bằng chính tay của mình mà không cần phải vây bủa bằng lưới hay dụng cụ đánh bắt nào cả. Nhưng để bắt được hải sản kiểu này chỉ có những người thợ lặn thật giỏi mới làm được.

Làm nghề thợ lặn sợ nhất là chứng giảm áp, được hiểu nôm na là khi lặn xuống quá sâu, bị sức ép của nước nên khi trồi lên bị đứt mạch máu mà chết. Nếu may mắn không chết hoặc được cứu chữa kịp thời thì cũng lâm vào cảnh tàn tật, bại liệt suốt đời. Mà những người chết vì chứng giảm áp cũng muôn hình vạn trạng lắm, như có người chết ngay dưới đáy biển, có người chết khi đã được đưa lên tàu và có người đang ngồi hút thuốc bỗng lăn quay ra co giật rồi chết. Muốn phòng tránh chứng giảm áp thì thợ lặn có kinh nghiệm phải tuân thủ một quy tắc để bảo toàn tính mạng là sau 30 phút lặn dưới độ sâu 60m, khi trồi lên cách mặt nước khoảng 40m, thợ lặn phải dừng lại đó 15 - 20 phút để cơ thể thích ứng với sự thay đổi áp suất của nước. Dẫu đã hiểu rõ các nguyên lí là như vậy nhưng những thợ lặn ở đây mỗi lần xuống biển cũng giống như đi đánh cược mạng sống của mình với biển khơi mênh mông vậy. Ông Chín Hải, vừa từ bỏ nghề lặn này được vài năm cho biết: Cực lắm nên tôi nghỉ sớm với lại sức khỏe cũng không còn nhiều nữa. Cái nghề lặn này nhiều người đã phải sống cuộc đời thực vật rồi mà cũng không ai vươn lên làm tỉ phú được.

Ký ức hãi hùng từ những đêm vớt xác

Đối với những ngư dân làm nghề lặn biển ở vùng đất này thì việc họ kinh hãi nhất và buồn nhất là phải đi vớt xác đồng nghiệp của mình khi gặp rủi ro. Ấy thế nhưng điểm khác biệt của những ngư dân ở đây với các vùng khác là họ không bao giờ kiêng kỵ việc vớt xác người chết mà cứ xem đó là chuyện tích phúc bình thường. Có những đêm vì quá thương những người xấu số mà các thợ lặn ở đây mò mẫm suốt cả đêm không ngơi nghỉ như để bày tỏ lòng thành và sự thương xót của mình với người đã không may chết đuối nước. Ông Trần Đức Toàn chia sẻ: “Là một thợ lặn lâu năm ở đây, chúng tôi chưa bao giờ từ chối vớt xác bất cứ người xấu số nào, kể cả người từ nơi khác đến vùng đất này tự tử vì một lí do nào đó thì những người thợ lặn vẫn nhiệt tình tìm kiếm và vớt giúp mà không hề đòi hỏi một chút công cán nào cả. Có đôi khi những chuyến đi lặn đêm được chuẩn bị kỹ lưỡng lại biến thành chuyến lặn vớt xác”.

Những người thợ lặn có lời thề giao ước đã ra biển thấy ai gặp nạn cũng phải cứu.

Những người thợ lặn có lời thề giao ước đã ra biển thấy ai gặp nạn cũng phải cứu.

Ông Toàn nhớ như in rằng cách đây chừng mấy năm, nhóm thợ lặn của ông gồm có 5 người đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ đi săn bắt thủy sản ở độ sâu hàng vài chục mét rồi. Lạ thay, đêm đó lặn mãi mà chẳng thấy tôm cá đâu, ai cũng hớt hải khi gặp phải một tử thi. Cả nhóm hì hụi vớt các xác đó đến 11 giờ đêm mới xong. Khi đó định ra về nghỉ ngơi và thông báo với chính quyền để họ an táng cái xác đó nhưng lạ thay, nhìn ra phía mặt biển lại thấy cá quẫy khắp nơi. Lần này lặn xuống thì đánh được vô số tôm cá. Cuộc đời làm thợ lặn của ông Toàn gặp trường hợp này không phải là hiếm. Mà lạ thay, như có một niềm linh cảm nào đó, chỉ khi vớt xong xác chết thì nhóm của ông Toàn mới không phải về tay trắng mà thôi. Dẫu đã lặn biển nhiều năm và xác định việc đụng xác chết trong đêm khuya là thường tình, ấy thế nhưng trong những lần đầu tiên tiếp xúc với xác chết, những ngư dân này vẫn không khỏi cảm giác hãi hùng. Nhớ lại lần đụng xác chết giữa đêm khuya cách đây 2 năm, anh Tám Chung tâm sự: Lần đầu tiên đi lặn đêm mà lại phải mày mò vớt xác người chết vì vô tình đụng phải với tôi thật sự là một cú sốc, cách có mấy ngày mà tôi phải tiếp xúc liên tục trong những đêm đi lặn biển. Cảm giác nhớt nhợt, lạnh toát, đặc biệt là mùi xác người khiến tôi ớn lạnh. Sau đó, tôi quyết định nghỉ ngơi cả tuần để nguôi ngoai. Vậy mà vừa quay về lại gặp tiếp xác một người đuối nước trong lúc đi rà cá vào lúc chập tối nữa. Ngư dân ở đây, cứ gặp xác là vớt thôi, không ai kiêng kị gì cả mà dường như họ còn xem đó là việc làm tốt để những xác chết kia có thể phù hộ cho những chuyến đánh bắt được nhiều hơn. Niềm tin tâm linh là thế thôi chứ chẳng mấy khi thành sự thật đâu. Nhưng đó cũng là cách nghĩ tốt. Việc đưa xác người chết lên bờ cũng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, nhất là khả năng xử lý tình huống để không bị “mang theo”.

Theo một số thợ lặn nhiều kinh nghiệm, không phải cứ chụp đại là kéo ngay lên được. Phải dựng xác thẳng đứng, ôm ngang hông, nắm một tay choàng qua vai, tay kia vịn vai còn lại rồi mới kéo lên. Đưa xác lên bờ, dân lặn cởi quần áo xác, tắm rửa bằng xà phòng, lau lại bằng rượu, chải đầu tóc, thay đồ khô rồi lấy mền chiếu đắp lên. Với họ, phải vớt xác ban đêm là hãi hùng nhất, nhưng đụng là phải vớt chứ tuyệt nhiên không được né tránh.

Những lời nguyền thiêng

Cuộc đời của những người ngư phủ ở đây cũng đong đầy những kỷ niệm và nhiều chuyện buồn vui. Đánh bắt cá rồi gặp xác người chết là chuyện thường tình. Nhưng rồi có lúc họ còn gặp cả những lời nguyền, những lời cầu nguyện được thả xuống đáy biển sâu. Lôi chiếc bọc nilon cuộn chặt một tờ giấy đã nhàu nhĩ và ố màu, ông Tám Chung thổ lộ với tôi: Lời thề của một tên tội phạm gửi đến vong linh cha mẹ anh ta khi cha mẹ anh ta vì quá buồn phiền chuyện hư hỏng của anh ta mà tự vẫn ở đây đấy. Trong lá thư thề này có đoạn viết: “Lời thề này xin nén xuống biển sâu để gửi đến vong linh cha mẹ. Cũng bởi vì con hư hỏng nên cha mẹ tự vẫn ở biển cả này. Từ nay con thề không bao giờ phạm tội hay đi vào con đường lầm lỗi nữa”. Không chỉ bắt được những lời thề nguyền này ở dưới đáy biển sâu mà những người thợ lặn ở đất mũi này cũng đặt ra một quy định: Bất kể ai khi ra khơi thấy người gặp bất trắc hay đang sắp sửa chết đuối thì phải cố gắng cứu giúp đến cùng. Nếu không thì những sự không may mắn sẽ ập đến làng chài này. Ông Tám Chung khẳng định: Người ta đồn dân chài hay ngư dân thấy người chết không cứu là sai hết, ở đây chúng tôi có lời thề giao ước với nhau nếu ai thấy người gặp nạn mà không dốc sức cứu giúp thì những người trong làng sẽ không cho tham gia lặn biển đánh bắt hải sản trong quãng thời gian nửa năm đấy”.  

Bài, ảnh: Hà Đông

 


Ý kiến của bạn