Lồi mắt và sung huyết kết mạc - Bệnh không ở mắt

01-12-2014 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Có những bệnh khi có triệu chứng lại không thể hiện tại chính nơi bị bệnh. Lồi mắt và sung huyết kết mạc là một trong những bệnh như vậy.

Có những bệnh khi có triệu chứng lại không thể hiện tại chính nơi bị bệnh. Lồi mắt và sung huyết kết mạc là một trong những bệnh như vậy. Căn nguyên của nó không phải bệnh từ mắt mà ở chính mạch máu sau nhãn cầu, đó là: bệnh thông động mạch cảnh – xoang hang!

Thông động mạch cảnh xoang hang là sự thông nối bất thường từ động mạch cảnh qua xoang tĩnh mạch hang (xoang hang). Có hai xoang tĩnh mạch hang ở nền sọ, mỗi xoang bao bọc một đoạn động mạch cảnh ngay trước khi vào trong não nhưng không có sự nối thông với nhau. Khi có sự thông thương giữa dòng máu động mạch cảnh với xoang hang, được gọi là bệnh “Thông động mạch cảnh – xoang hang” (TĐMC-XH).

Ca nút thông ĐMC - XH tại BV 108.

Bệnh TĐMC-XH được chia thành 2 loại chính:

Thông trực tiếp: khi dòng thông lớn đổ trực tiếp từ động mạch cảnh trong vào xoang hang. Nguyên nhân thường là chấn thương sọ não trong tai nạn giao thông hoặc trong sinh hoạt hàng ngày.

Thông gián tiếp: khi dòng thông do các nhánh mạch rất nhỏ trên thành xoang hang đổ vào trong xoang. Loại bệnh này khó xác định nguyên nhân, thường xuất hiện ngẫu nhiên.

Khi bị dòng máu động mạch đổ vào thì áp lực trong xoang tăng lên, làm dòng máu chảy ngược về phía tĩnh mạch mắt gây ứ trệ tuần hoàn của mắt và hốc mắt, đó là nguồn gốc của các triệu chứng.

Lồi mắt, sung huyết kết mạc, ù tai: tam chứng điển hình

Sau khi bị chấn thương (hoặc tức khắc, hoặc sau một khoảng thời gian), bệnh nhân nghe thấy tiếng ù ù liên tục trong đầu phía bên chấn thương, ban đêm rõ hơn ban ngày, kèm theo là hiện tượng mắt lồi (đẩy lồi phần niêm mạc mi mắt, thường là mi mắt dưới) và sung huyết đỏ kết mạc với các mức độ khác nhau.

Loại thông gián tiếp thường không có tiếng ù trong đầu, chỉ có biểu hiện ở mắt nhưng mức độ lồi và sung huyết thường nhẹ hơn. Thông thường, bệnh nhân nghĩ rằng mình bị bệnh mắt nên đi khám và điều trị mắt, trong đó rất nhiều trường hợp không được chẩn đoán đúng bệnh, mất nhiều thời gian và công sức chữa mắt nhưng không có kết quả.

Hình ảnh mạch máu TĐMC-XH trước nút (ảnh 1) Hình ảnh mạch máu sau nút lỗ thông bằng bóng latex

(ảnh 2) Các loại bóng latex dùng để nút TĐMC-XH (ảnh 3).

Hình ảnh mạch máu TĐMC-XH trước nút (ảnh 1) Hình ảnh mạch máu sau nút lỗ thông bằng bóng latex

(ảnh 2) Các loại bóng latex dùng để nút TĐMC-XH (ảnh 3).

Phân biệt sung huyết kết mạc của TĐM-XH với viêm kết mạc thông thường

Khi bị TĐMC-XH: kết mạc đỏ, phù nề kèm theo phần mềm xung quanh mi mắt cả trên và dưới đều căng lên, nóng và nếu nặng thì chuyển màu đỏ. Khi kết mạc phù và sung huyết mạnh có thể sẽ bị lòi ra ngoài mi mắt (thường là mi mắt dưới) khiến cho không nhắm kín được mắt. Bệnh khác với viêm kết mạc thông thường: kết mạc chỉ đỏ và phù nề nhẹ, không gây sưng nề mi mắt xung quanh.

Khác với tụ máu sau chấn thương: máu tụ màu tím đen (như đeo kính râm), chuyển dần sang nâu, xanh, vàng, rồi nhạt dần.

Quan trọng nhất là: bệnh nhân nghe tiếng ù ù theo nhịp tim ở trong tai cùng bên. Nếu nghe bằng ống nghe trước nhãn cầu sẽ thấy “tiếng thổi liên tục”. Siêu âm mạch máu sau nhãn cầu: tĩnh mạch mắt bị giãn và có phổ “động mạch” vì bị động mạch hóa.

Sẽ chuyển thành cả bệnh mắt nếu không điều trị đúng

Bệnh TĐMC-XH nếu không được điều trị sẽ gây sung huyết phù nề kết mạc nặng, có thể làm cho mắt không nhắm kín dẫn đến viêm loét kết - giác mạc. Lồi (mi) mắt nặng lâu ngày gây căng giãn và tổn thương dây thần kinh thị giác, làm lệch trục nhãn cầu. Sung huyết, thậm chí xuất huyết ở đáy mắt cũng là nguyên nhân làm giảm thị lực. Lỗ thông lớn lâu dài có thể gây suy tim vì làm tăng nhanh và nhiều dòng máu đổ về tim. Hơn nữa, càng để lâu càng khó điều trị, thậm chí không thể điều trị triệt để vì xoang hang bị giãn quá lớn.

Giải pháp điều trị tối ưu

Nếu có các biểu hiện trên, bệnh nhân cần đến khám tại chuyên khoa ngoại thần kinh. Khi nghi ngờ TĐMC-XH, bác sĩ sẽ cho làm 2 xét nghiệm: siêu âm mắt và chụp Xquang mạch não (DSA).

Sau khi có chẩn đoán xác định TĐMC-XH, bệnh nhân sẽ được tư vấn về phương pháp điều trị. Có nhiều phương pháp điều trị, nhưng đến nay chỉ có phương pháp “nút thông động mạch cảnh xoang hang qua ống thông” là giải pháp tối ưu, được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, người bệnh không cần phải mổ, ra viện sau vài ngày điều trị.

Kỹ thuật nút thông động mạch cảnh xoang hang qua ống thông

Dụng cụ để nút lỗ thông TĐMC-XH thường là những quả bóng nhỏ bằng latex hoặc lò xo kim loại gắn trên đầu ống thông, được đưa qua động mạch đùi lên đến nền sọ, đặt vào vùng tổn thương để nút kín lỗ thông. Bệnh nhân không phải gây mê (trừ trẻ em hoặc bệnh nhân không phối hợp được do chấn thương sọ não nặng). Bác sĩ đưa ống thông từ động mạch đùi lên động mạch cảnh cùng bên tổn thương, qua đó chụp hình đánh giá dòng máu thông bất thường và đưa các quả bóng nhỏ mềm bằng latex vào xoang hang bơm căng lên để nút kín lỗ thông. Sau khi nút, chụp kiểm tra thấy kín hoàn toàn, rút ống thông và ép động mạch đùi cầm máu.

Sau khi được điều trị nút TĐMC-XH bằng ống thông, bệnh nhân cần nằm nghỉ ngơi tại giường 2-3 ngày để đảm bảo sự ổn định của các vật liệu nút lỗ thông (có thể bị di chuyển và làm tái thông tổn thương). Uống thuốc giảm đau tùy mức độ đau đầu sau can thiệp. Tránh lao động nặng trong 3-6 tháng và tái khám sau 6 tháng điều trị.

TS.BS. Lê Văn Trường (Chủ nhiệm Khoa Chẩn đoán và Can thiệp Tim mạch BV 108)

 

 


Ý kiến của bạn