Lơi lỏng là phức tạp, manh động

12-03-2013 14:00 | Thời sự
google news

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội, những năm gần đây, tình hình tội phạm sử dụng xe máy phân khối lớn để cướp giật túi xách, ví tiền, điện thoại di động của người đi đường diễn ra rất phức tạp.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội, những năm gần đây, tình hình tội phạm sử dụng xe máy phân khối lớn để cướp giật túi xách, ví tiền, điện thoại di động của người đi đường diễn ra rất phức tạp. Trên toàn địa bàn thành phố mỗi năm thường xảy ra tới khoảng 600 vụ, có tháng cao điểm lên tới hàng trăm vụ. Bộ phận tiếp nhận tin của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội liên tục nhận được tin báo bị cướp.

Sơ hở là gặp cướp

Mới đây, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã bắt giữ 2 đối tượng là Nguyễn Văn Huy (sinh năm 1983, ở tổ 9, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) và Nguyễn Huy Hoàng (sinh năm 1997, ở tổ 7, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) vì hành vi cướp giật tài sản. Hai đối tượng còn cướp giật ở các cửa hàng điện thoại với thủ đoạn: 1 đối tượng nổ máy xe ở ngoài chờ, 1 đối tượng vào vờ mua rồi cầm điện thoại chạy ra, nhảy lên xe máy tẩu thoát; cướp giật của những người đang cầm điện thoại nói chuyện ngoài đường và nơi công cộng. Tại cơ quan công an, Hoàng và Huy khai nhận từ tháng 12/2012 đến tháng 2/2013 đã gây ra 8 vụ cướp giật tài sản, trong đó có 4 vụ cướp điện thoại. Nơi chúng gây án là các khu vực đê Hữu Hồng, phường Yên Sở; trường THCS Lĩnh Nam, phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai; khu sinh thái Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai; Trần Phú, quận Hoàng Mai.

Lơi lỏng là phức tạp, manh động 1
 Sự có mặt của lực lượng 141 đã trấn áp mạnh tội phạm cướp giật.

Nạn cướp giật đã gây ra nhiều thiệt hại về tiền của, tài sản và gây hoang mang, lo sợ trong nhân dân. Bọn cướp thường có vài tên trong nhóm, sử dụng các xe máy phân khối lớn, hình hành từng tốp lượn đi lượn lại để tìm “con mồi” là những người đeo túi xách, ví, đồ trang sức hoặc cầm điện thoại di động trên tay. Khi phát hiện được những trường hợp trên, chúng sẽ bám theo và chớp thời cơ lúc con mồi không đề phòng sẽ áp sát, giật phăng túi xách, ví, đồ trang sức, điện thoại di động… khiến nạn nhân không kịp trở tay. Đã có nạn nhân đi xe máy bị giật ngã, gây thương tích trầm trọng, tiền mất tật mang. Trong trường hợp nếu nạn nhân hoặc người đi đường truy đuổi thì bọn đi sau sẽ thực hiện nhiệm vụ “cản địa”. Có người đuổi theo còn bị bọn chúng hành hung đến mức phải nằm viện…

Trấn áp mạnh

Theo Trung tá Nguyễn Thành Tín - Đội trưởng Đội 8, Phòng CSHS, Công an Hà Nội, từ khi thực hiện Kế hoạch 141 của Giám đốc CATP Hà Nội (tháng 6/2011), do áp dụng các biện pháp trấn áp mạnh tội phạm nên năm 2012, số vụ cướp giật tài sản chỉ xảy ra 404 vụ, giảm 35 vụ (7,9%) so với năm 2011. Với vai trò chủ công trấn áp tội phạm, lực lượng CSHS - CATP Hà Nội phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện kế hoạch 141 đã nắm chắc thông tin về tình hình hoạt động của tội phạm cướp giật tài sản trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; Nắm vững những số liệu thống kê, so sánh để nhìn ra những địa bàn “nóng” về hoạt động của tội phạm cướp giật tài sản, từ đó dựng đặc điểm của đối tượng nghi vấn, thông qua sự mô tả của người bị hại và các nhân chứng; đồng thời xác định được loại phương tiện chúng thường sử dụng gây án, rồi lập kế hoạch phối hợp đấu tranh bằng các chuyên án kết hợp với tuần tra mật phục trên các tuyến, địa bàn đã được định sẵn.

Theo Thượng tá Dương Văn Giáp, công tác phòng ngừa tội phạm cướp giật tài sản được Lực lượng Công an Hà Nội đặc biệt coi trọng và thực hiện rất nghiêm túc. Ðại tá Nguyễn Ðức Chung - Giám đốc CATP Hà Nội đã thường xuyên trực tiếp chỉ đạo Phòng CSHS về kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm cướp giật trong tình hình mới. Theo đó, bất cứ vụ việc nào xảy ra trên địa bàn đều thuộc về trách nhiệm của công an, đương nhiên phải làm; không được đổ lỗi cho khách quan; nếu để dân ca thán, bất an, sợ hãi thì “không còn gì để nói”.

Nếu như mấy năm trước đây, người dân Thủ đô còn phàn nàn về việc CSGT, CSCĐ chỉ bắt lỗi với những ai “trông lành hiền”, còn với những đối tượng “đầu gấu”, bặm trợn, “tóc xanh tóc đỏ” lại “né” thì giờ đây, định kiến đó đã được xóa bỏ hoàn toàn. Với lực lượng 141, tất cả các đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự đều không bị bỏ lọt, hễ 141 kiểm tra chiếc xe nào, thế nào trong cốp xe đó cũng có vài con dao, gậy gộc hay khẩu súng. Thượng tá Dương Văn Giáp - Phó trưởng Phòng CSHS - CATP Hà Nội cho biết, tình trạng cướp giật tài sản xảy ra trên địa bàn Hà Nội không chỉ giảm về số vụ mà tính chất phạm tội trong từng vụ án còn ít nghiêm trọng hơn trước rất nhiều. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay chưa xảy ra vụ cướp giật tài sản nào nhằm vào những người đến giao dịch tại ngân hàng, hiệu vàng, quỹ tín dụng. Điều này chứng tỏ công tác phòng ngừa tội phạm đã được các đơn vị phối hợp rất chặt chẽ với lực lượng 141 thực hiện nghiêm túc, có chiều sâu.

Không chủ quan với những kết quả đạt được, bởi lẽ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn bọn tội phạm cướp giật lợi dụng lúc cao điểm đông người để hoạt động trên một số đường phố như Vĩnh Tuy, Lương Yên, Trần Quang Khải, khu vực các bến xe như Giáp Bát, Mỹ Đình… Vì vậy, đề nghị người dân cần cảnh giác khi đi trên các tuyến đường phố trên cũng như tại các tuyến phố đông người vào các giờ cao điểm. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra rất cần sự phối hợp chặt chẽ của người dân trong việc khai báo kịp thời khi xảy ra cướp giật để kịp thời khống chế thủ phạm. Đặc biệt, cơ quan công an khuyến cáo người dân khi đi đường không nên đeo trên người túi xách, ví da, đeo trang sức quá lộ liễu hoặc cầm trên tay điện thoại di động, tránh tạo cho bọn cướp cơ hội thuận lợi để gây án. Đây cũng là hành động thiết thực của người dân nhằm chung tay với lực lượng công an đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với tội phạm cướp giật.

Hoàng Oanh

 


Ý kiến của bạn