Lời khuyên giúp bạn tránh mắc phải căn bệnh khiến 200.000 người Việt tử vong mỗi năm

29-09-2022 13:38 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Ngày Tim mạch thế giới 29/9 là cơ hội để mọi người dành thời gian lắng nghe nhịp đập trái tim, để hiểu trái tim và quan tâm hơn đến sức khỏe tim mạch của chính mình. BS. Phạm Hương Giang - Phó trưởng Khoa Nội - Tim mạch, BV Hữu nghị đã đưa ra những tư vấn hữu ích để có trái tim khỏe mỗi ngày.

Theo thống kê mới nhất, thế giới có hơn 4 triệu người tử vong do bệnh mạch vành, hơn 3 triệu người tử vong do đột quỵ.

Tại Việt Nam, khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mỗi năm, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Trong đó, động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất.

Chính vì vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh tim mạch và các vấn đề liên quan đến tim mạch để có hướng xử lý kịp thời, giảm biến chứng và tử vong sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Một số yếu tố sức khỏe có nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch cần chú ý như:

  • Tăng huyết áp;
  • Đái tháo đường;
  • Rối loạn mỡ máu;
  • Thừa cân, béo phì;
  • Suy thận;
  • Ô nhiễm môi trường;
  • Ít vận động thể lực;
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh và lạm dụng rượu bia, thuốc lá…

Việc kiểm soát và khắc phục các yếu tố nguy cơ kể trên góp phần rất lớn vào việc phòng ngừa và khống chế bệnh tim mạch.

BS. Hương Giang cho biết, tại Khoa Nội - Tim mạch, BV Hữu nghị, số lượng người bệnh tăng trong vòng 10 năm qua. Hầu như ngày nào, bệnh viện cũng tiếp nhận người đến khám với huyết áp không ổn định hoặc phát hiện bệnh mạch vành. Độ tuổi mắc bệnh lý tim mạch ngày càng trẻ hơn, nhiều người mắc bệnh liên quan chuyển hóa cơ thể, ví dụ rối loạn lipid máu, sau đó xuất hiện bệnh tim mạch.

Theo chuyên gia tim mạch, các bệnh nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ não cấp rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào. Nếu người bệnh vượt qua đợt cấp của các bệnh nói trên, cũng sẽ phải chịu di chứng, sức khỏe suy giảm, làm tăng gánh nặng xã hội.

Ví dụ sau đợt cấp của bệnh suy tim mạn, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nặng, người bệnh luôn trong tình trạng đe dọa tính mạng, tần suất nhập viện ngày càng tăng, thời gian điều trị nội trú kéo dài.

Lời khuyên giúp bạn có trái tim khỏe mỗi ngày - Ảnh 2.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại BV Hữu nghị.

Do đó, BS. Giang khuyến cáo người dân quan tâm hơn đến sức khỏe tim mạch. Mọi người nên tránh chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh (fastfood), sinh hoạt thiếu điều độ, không kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Hoạt động thể lực đóng vai trò rất quan trọng, giúp kiểm soát huyết áp tốt nhất. Các bài tập được khuyến cáo gồm:

  • Đi bộ nhanh 5-7 lần một tuần, mỗi buổi 30-60 phút, tối thiểu 150 phút đi bộ một tuần.
  • Bài tập nâng tạ hoặc bài tập chạy cũng được khuyến khích với tần suất 2-3 lần một tuần, dưới sự hướng dẫn, giám sát của chuyên gia, có thể tập bổ sung cho bài tập đi bộ nhanh.

Ngoài ra, mọi người có thể kiểm soát huyết áp bằng cách áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh gồm trái cây, rau, ngũ cốc nhằm giảm lượng chất béo bão hòa và tổng lượng chất béo; giảm lượng natri và tăng lượng kali trong khẩu phần ăn; giảm cân; hạn chế uống rượu bia...

Theo các bác sĩ, kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể kiểm soát một cách tốt nhất các chỉ số huyết áp, hàm lượng cholesterol trong máu, phát hiện sớm những bất thường nếu có là biện pháp hữu hiệu trong phòng ngừa các bệnh lý tim mạch...

Thực trạng bệnh tim mạch ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang có xu hướng trẻ hóa đáng báo động.

Bác sĩ chia sẻ cách phòng bệnh tim mạch.

Ngày Tim mạch Thế giới (World Heart Day) được Liên đoàn Tim mạch Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới thống nhất tổ chức vào ngày 29/9 hàng năm để kêu gọi sự chú ý của cộng động, kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tim mạch. Ngày Tim mạch Thế giới năm nay có chủ đề “Lan tỏa nhịp đập yêu thương - Vì những trái tim khỏe mạnh” (Use heart for every heart).
Lời khuyên giúp bạn có trái tim khỏe mỗi ngày - Ảnh 6.


Minh Đức
Ý kiến của bạn