Lời khuyên của chuyên gia cho bệnh nhân ghép gan

24-12-2020 09:37 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Tiếp theo số 203

Trong bài trước (trên Sức khỏe&Đời sống số 203), chuyên gia về gan mật đã đưa ra “11 lưu ý sau phẫu thuật ghép gan”, bài viết này bổ sung tiếp những thông tin quan trọng cần biết để bệnh nhân ghép gan trở lại với cuộc sống bình thường một cách an toàn.

Những điều không nên làm

Không tự lái xe cho đến khi bác sĩ đồng ý.

Không bơi tại những bể bơi công cộng, hồ hay sông hoặc biển ít nhất 6 tháng sau phẫu thuật ghép gan.

Không hoạt động gắng sức cho đến khi được chỉ định.

Không nâng bất kỳ vật nào nặng hơn 3-4kg cho đến khi được chỉ định.

Không sử dụng đồ uống có cồn, thuốc lá hoặc các chất kích thích, chất cấm.

Bệnh nhân ghép gan nên tiêm phòng cúm.

Bệnh nhân ghép gan nên tiêm phòng cúm.

Những điều nên tránh

Tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp. Mặc áo dài tay, đội mũ và dùng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 25.

Tránh những nơi đông người ít nhất trong vòng 3 tháng sau ca ghép.

Tránh tiếp xúc với những người mắc các bệnh dễ lây như cảm cúm, sốt, viêm họng.

Tránh tiếp xúc những người được tiêm vắc-xin sống giảm độc lực (là vắc-xin có chứa virus đã được làm yếu đi để nó không có khả năng gây bệnh được nữa), ít nhất 2 tuần sau khi họ tiêm.

Tránh nhuộm tóc trong vòng 3 tháng sau ca ghép.

Tránh những hóa chất loại mạnh và khói độc.

Tránh lỗi dùng thuốc sau: Tự ý dùng thuốc mua ngoài mà không có sự đồng ý từ bác sĩ; Tự ý dùng hay thay đổi thuốc mà không có chỉ định.

Hoạt động thể chất

Hãy kiên nhẫn với chính bản thân. Lấy lại sức khỏe thông qua những hoạt động thể chất nhẹ nhàng, tăng dần về cường độ mà bạn thực hiện hằng ngày. Bắt đầu tăng hoạt động bằng việc đi bộ nhẹ nhàng, chậm. Qua một thời gian, có thể bắt đầu những bài tập khác nếu được sự đồng ý của bác sĩ. Ví dụ như đi bộ nhanh, chơi golf hoặc đạp xe. Trong tháng đầu, không nâng vật nặng. Tránh những môn thể thao tiếp xúc như bóng đá, bóng chuyền, boxing, khúc côn cầu...

Chăm sóc răng miệng

Sức khỏe răng miệng tốt rất quan trọng với sức khỏe tổng thể. Vì thế, chăm sóc răng miệng là việc cần quan tâm đối với bệnh nhân ghép gan. Cần đi khám răng miệng 6 tháng/lần. Nếu có nhiễm khuẩn, cần điều trị ngay. Nếu bạn sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, chỉ một nhiễm khuẩn nhỏ có thể rất nghiêm trọng.

Khi phải can thiệp nha khoa, cần dùng kháng sinh đường uống thời gian ngắn. Nha sĩ sẽ kê kháng sinh trước khi thực hiện các can thiệp nha khoa.

Chủng ngừa

Muốn chủng ngừa, chỉ có thể tiêm vắc-xin bất hoạt (là vắc-xin chế từ vi sinh vật đã bị bất hoạt hay bị giết chết nhưng vẫn giữ tính kháng nguyên). Không thể sử dụng vắc-xin sống, bao gồm vắc-xin quai bị, sởi, Rubella, thủy đậu, Zona và bại liệt đường uống.

Có thể tiêm vắc-xin cúm 6 tháng sau ca ghép. Để đảm bảo, các thành viên trong gia đình cũng nên tiêm vắc-xin cúm. Nên tránh sử dụng vắc-xin cúm dạng xịt (được sản xuất từ một dạng suy yếu của virus cúm).

Đồ uống có cồn

Cồn là chất độc làm hại tạng ghép. Một lần uống quá nhiều tác hại. Những người sử dụng đồ uống có cồn sau phẫu thuật sẽ không được cân nhắc nếu cần ghép tạng lần thứ hai.

Hút thuốc

Cần ngừng hút thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử, bởi điều này gây tổn hại tới mạch máu - Lưu thông trong các mạch máu của tạng ghép có thể trở nên kém hơn.

Trường hợp cần cấp cứu

Liên hệ với đường dây trực cấp cứu ngay nếu có một trong những triệu chứng sau:

Nhiệt độ cơ thể cao hơn 38ºC.

Huyết áp tâm thu cao hơn 180 hoặc thấp hơn 100.

Huyết áp tâm trương cao hơn 100.

Vết mổ có dịch mới và tăng đáng kể về số lượng dịch.

Nôn, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài hơn 2 hoặc 3 ngày.

Cơn đau không đỡ ngay cả khi dùng giảm đau.

Tiểu hoặc đại tiện có máu.

Cảm thấy yếu hơn.


TS.BS. Vũ Văn Quang (Bệnh viện TWQĐ 108)
Ý kiến của bạn