Lời khuyên của bác sĩ về cách sử dụng loại quả của 'sự sống'

13-07-2022 15:02 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Quả dừa có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, nước dừa có thể được sử dụng thay thế dung dịch Oresol trong điều trị mất nước do tiêu chảy. Tuy nhiên, một số nhóm người cần hạn chế uống nước dừa.

Dưới đây là những thông tin hữu ích về cách sử dụng quả dừa do BS. Tạ Tùng Duy - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết.

Lời khuyên của bác sĩ về cách sử dụng quả dừa đối với từng nhóm người  - Ảnh 2.

BS. Tạ Tùng Duy

Quả dừa là một loại quả quen thuộc với các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, có nhiều công dụng như: làm thực phẩm, nhiên liệu, mỹ phẩm, thuốc dân gian và một số công dụng khác nên ở một số nước quả dừa còn được gọi là "cây của sự sống".

Quả dừa là một loại quả rất đặc biệt. Khi quả dừa còn non bên trong chứa rất nhiều nước và có lớp cùi rất mỏng, mềm và khá trong. Khi quả dừa già đi, nước dừa sẽ ít đi và được thay thế bằng cùi dừa và không khí.

1. Quả dừa có tác dụng gì?

Nước dừa là một loại đồ uống tự nhiên trong suốt, ngọt và cung cấp rất ít năng lượng (19 calo/100g), không chứa chất béo. Thêm vào đó, nước dừa rất giàu các vitamin như B3, B5, biotin, B2, acid folic, một lượng nhỏ vitamin B1 và B6, vitamin C và chất khoáng như, natri, kali, canxi, đồng, canxi, sắt, mangan, magie và kẽm. Ngoài ra, nước dừa còn chứa các amino acid, các hợp chất sinh học như cytokinin và các enzyme như acid phosphatase, catalase, dehydrogenase, peroxidase, polymerase…

Thông thường, để dừa có nước uống, trái dừa phải phát triển đủ từ 5-7 tháng trên cây, nếu thời gian ít hơn 5 tháng nước dừa thường có vị đắng và không có chất dinh dưỡng. Một quả dừa trung bình có thể chứa 200-1000ml nước tùy thuộc vào loại và kích thước của cây.

Lời khuyên của bác sĩ về cách sử dụng quả dừa đối với từng nhóm người  - Ảnh 3.

Quả dừa

Nước dừa non có dcid amin L-arginine tự do

Acid amin L-arginine tự do trong nước dừa có tác dụng làm giảm đáng kể tác hại của các gốc tự do. Thêm vào đó, vitamin C trong nước dừa cũng có tác dụng giảm oxy hóa lipid trong cơ thể.

Nước dừa non giúp hỗ trợ kiểm soát đường huyết

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, uống nước dừa thường xuyên có khả năng làm giảm nồng độ đường trong máu và ổn định đường huyết trước và sau ăn. Thêm vào đó với tỷ lệ magie cao, nước dừa còn làm tăng nhạy cảm các thụ thể insullin giúp kiểm soát đường huyết ở cả người tiền đái tháo đường và đái tháo đường.

Nước dừa giúp phòng chống sỏi thận

Uống đủ nước và uống đúng cách là giải pháp rất quan trọng để phòng ngừa sỏi thận. Không nên đợi đến khi khát mới uống và nên uống nước đều đặn từng ngụm một. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nước dừa giúp giảm nguy cơ sỏi thận thông qua giảm sự hình thành các tinh thể calci và oxalat… tạo ra sỏi.

Lời khuyên của bác sĩ về cách sử dụng quả dừa đối với từng nhóm người  - Ảnh 5.

Nước dừa non

Nước dừa tốt cho tim mạch và giảm huyết áp

Thành phần trong nước dừa có chưa L-arginine, vitamin C, calci, magie, kali và các chất khoáng khác giúp giảm lượng cholesterol, triglycerid, LDL, VLDL và tăng HDL ở ruột giúp giảm hình thành mảng xơ vữa.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cytokinin (kinetin và trans-zeatin) trong nước dừa có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông gây tắc mạch máu, phòng chống nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Cũng theo nghiên cứu này các cytokinin còn có tác dụng chống lão hóa da và ngăn ngừa ung thư.

Nước dừa giúp bổ sung nước và điện giải

Nước dừa là một loại đồ uống có chứa glucose, các chất điện giải và chất khoáng rất phù hợp để cải thiện tình trạng mất nước trong cơ thể. Nước dừa có thể giúp điều trị tình trạng mất nước do tiêu chảy vì bất kỳ lý do gì như lỵ, tả hoặc tiêu chảy cấp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nước dừa có thể được sử dụng thay thế dung dịch Oresol trong điều trị mất nước do tiêu chảy.

Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nước dừa cũng là một loại đồ uống giúp bổ sung và phục hồi chất điện giải tốt hơn nước lọc bình thường khi tập luyện thể dục hay hoạt động thể lực kéo dài.

Nước dừa giúp tăng cường chuyển hóa

Các chất dinh dưỡng có trong nước dừa như các enzyme, vitamin nhóm B, vitamin C, mangan và đồng đã được chứng minh giúp cải thiện tiêu hóa và tăng cường hoạt động chuyển hóa protein, đường và chất béo trong cơ thể.

Nước dừa tốt cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh

Vitamin B9 (Folate) rất cần thiết cho việc phân hóa phát triển tế bào, sản sinh hồng cầu, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai.

Những tác dụng nói trên của quả dừa mang tính chất tham khảo, những người bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp, sỏi thận cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nếu sử dụng quá nhiều.

Lời khuyên của bác sĩ về cách sử dụng quả dừa đối với từng nhóm người  - Ảnh 7.

Nước dừa có thể được sử dụng thay thế dung dịch Oresol trong điều trị mất nước do tiêu chảy

2. Người trưởng thành, trẻ em, người cao tuổi nên uống nước dừa với liều lượng thế nào?

Cho dù nước dừa có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe, tuy nhiên không nên lạm dụng đồ uống này. Nước dừa non tốt hơn nước dừa già vì nước dừa non có chứa ít đường không gây ảnh hưởng nhiều tới đường huyết và không gây thừa cân.

Với người trưởng thành, chỉ nên coi nước dừa là một loại nước giải khát không nên uống quá 1-2 quả dừa/ngày. Không nên uống nước dừa hằng ngày trong thời gian dài hoặc uống quá nhiều có thể gây rối loạn điện giải và làm ảnh hưởng đến chức năng cơ.

Ngoài ra, những người bị huyết áp thấp, vừa phẫu thật xong hoặc đang bệnh lý khác như bệnh thận, kali máu cao… nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng nước dừa.

Ở các nước phương Tây, nước dừa được xem là một loại thực phẩm được khuyến khích sử dụng cho trẻ nhỏ và các bà mẹ đang cho con bú bởi trong nước dừa có chứa một hợp chất gọi là monolaurin giúp tăng cường miễn dịch bảo vệ trẻ khỏi cảm lạnh, cảm cúm và nhiễm trùng.

Nước dừa mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ, với một số đặc điểm như chứa ít calo, không chứa cholesterol, giàu kali, giàu chất xơ giúp giảm táo bón và hỗ trợ tiêu hóa, giúp bổ sung lượng muối mất đi khi trẻ bị tiêu chảy. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi cho trẻ uống nước dừa. Bởi vì, với trẻ dưới 6 tháng tuổi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng và duy nhất cần thiết đối với trẻ.

Với trẻ lớn hơn, khi mới bắt đầu cho trẻ uống nước dừa hãy cho trẻ uống nước dừa tươi với một lượng nhỏ trước khoảng 50ml và kéo dài một vài ngày để kiểm tra trẻ có bị dị ứng với nước dừa hay không? Nếu trẻ không xuất hiện phản ứng dị ứng, bố mẹ có thể kết hợp nước dừa vào chế độ ăn của trẻ.

Lưu ý rằng, không nên cho trẻ uống nước dừa hàng ngày. Với trẻ em, một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và đa dạng là rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, do dạ dày trẻ còn nhỏ nên nếu trẻ uống quá nhiều nước dừa trẻ có thể bị no và dẫn đến ăn ít đi.

Lời khuyên của bác sĩ về cách sử dụng quả dừa đối với từng nhóm người  - Ảnh 8.

Với người trưởng thành, chỉ nên coi nước dừa là một loại nước giải khát không nên uống quá 1-2 quả dừa/ngày.

3. Người đang sốt, cảm lạnh có uống nước dừa được không?

Sốt là một tình trạng phổ biến và có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, khi bị sốt cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau nhức cơ bắp, cảm thấy ớn lạnh và đặc biệt là mất nước. Do đó việc bổ sung nước là rất quan trọng khi bị sốt.

Nước dừa có 95.5% là nước còn lại là các vitamin C, vitamin B, sắt, phospho, natri, kali... Trong đó, kali giúp cơ thể giữ lại nước tránh mất nước ra bên ngoài môi trường, vitamin C có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch giúp người bị bệnh phục hồi nhanh chóng hơn. Vì vậy, hoàn toàn có thể uống nước dừa khi bị sốt để bù lại nước và điện giải đã mất đi do sốt, nôn mửa, tiêu chảy hoặc đổ nhiều mồ hôi gây mất nước nghiêm trọng.

Theo quan điểm y học hiện đại ngày nay, không có khuyến cáo về vấn đề có nên cho người bị cảm lanh uống nước dừa hay không. Tuy nhiên, với những người đang bị cảm lạnh hoặc đang thấy lạnh, uống nước dừa có thể tăng cảm giác mệt mỏi, ớn lạnh.

4. Tác dụng của cùi dừa

Khác với nước dừa, phần cùi dừa (thịt dừa) rất giàu năng lượng, 100g cùi dừa cung cấp 354kcal, phần lớn đến từ chất béo (33.49 g) và carbohydrate (15.23g). Mặc dù phần cùi dừa có hàm lượng chất béo bão hòa cao (29.698g-gần 90% lượng chất béo) không giống như các loại hạt giàu chất béo không bão hòa khác. Nhưng cùi dừa có nhiều hợp chất hoạt tính sinh học tăng cường sức khỏe.

Acid béo bão hòa trong dừa là acid lauric, acid này làm tăng nồng độ HDL-cholesterol tốt trong máu. Cùi dừa cũng chứa các vitamin và chất khoáng tương tự như trong nước dừa, tuy nhiên điểm khác biệt là cùi dừa còn cung cấp vitamin E, vitamin K và selen.

Lời khuyên của bác sĩ về cách sử dụng quả dừa đối với từng nhóm người  - Ảnh 9.

Cùi dừa

Cùi dừa chứa nhiều acid béo

Các acid béo chuỗi trung bình có trong cùi dừa như acid caprylic, acid capric, acid lauric, acid palmitic, acid steraic, acid oleic, acid linoleic… được hấp thu trực tiếp ở ruột và gửi đến gan để tạo ra năng lượng. Do đó những acid béo chuỗi trung bình này không tham gia vào quá trình vận chuyển và hình thành cholesterol. Thêm vào đó, acid lauric cũng được chứng minh làm tăng HDL cholesterol giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Cùi dừa hỗ trợ giảm cân

Các nghiên cứu cho thấy chất béo chuỗi trung bình trong cùi dừa có tác dụng làm tăng cảm giác no từ đó có thể hạn chế được lượng thức ăn nạp vào cơ thể.

Có nhiều chất xơ

Cùi dừa chứa nhiều chất béo nên có thể giúp cơ thể hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. Cùi dừa cũng chứa nhiều chất xơ nên có thể giúp hệ tiêu hóa ngăn ngừa tình trạng táo bón.

Lời khuyên của bác sĩ về cách sử dụng quả dừa đối với từng nhóm người  - Ảnh 10.

Cùi dừa rất giàu năng lượng

Hỗ trợ khả năng miễn dịch

Các chất béo chuỗi trung bình trong dừa: acid lauric, acid caprylic, acid capric hoặc acid myristic được biết đến với tác dụng kháng vi khuẩn, virus mạnh mẽ. Các chất này có tác dụng tiêu diệt những loại vi khuẩn hoặc virus có màng bọc lipid bằng cách phân hủy lớp bảo vệ này. Ví dụ, chất béo này có thể chống lại các vi khuẩn gây viêm loét dạ dày, viêm xoang, vi khuẩn gây sâu răng, nhiễm trùng tiết niệu…

Mặt khác monoglyceride, đặc biệt là monolaurin trong dầu dừa có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn E.Coli, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng và nấm Candida.

Cùi dừa chứa acid lauric

Acid lauric là một acid béo chuỗi trung bình, chiếm hơn 50% tổng lượng acid béo trong dầu dừa. Và theo các nghiên cứu acid này có thể giúp hỗ trợ giảm tình trạng suy giảm trí nhớ hoặc giảm chức năng não ở những người mắc bệnh Alzheimer.

Lời khuyên của bác sĩ về cách sử dụng quả dừa đối với từng nhóm người  - Ảnh 11.

Cùi dừa kho thịt

5. Những ai không nên ăn cùi dừa?

Cùi dừa là một loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa nhưng chất béo từ dừa đã được chứng minh giúp làm tăng nồng độ cholesterol tốt HDL và giảm nồng độ cholesterol xấu LDL trong máu.

Tuy nhiên không nên ăn cùi dừa hàng ngày vì có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh chuyển hóa khác. Thêm vào đó do lượng chất béo và chất xơ dồi dào nên việc ăn quá nhiều cùi dừa có thể gây đầy bụng và tạo cảm giác khó chịu.

Chỉ nên dùng cùi dừa 1-2 lần/tuần và những người bị hội chứng suy nhược, tiêu hóa kém, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch nên hạn chế ăn cùi dừa.

Những lưu ý không nên bỏ qua khi ăn quả đàoNhững lưu ý không nên bỏ qua khi ăn quả đào

SKĐS - Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại quả đào như đào tiên, đào mỏ quạ, đào Sa Pa, đào nhập khẩu... Mỗi loại đều có vị ngon đặc trưng khác nhau. Nhiều người rất thích ăn đào nhưng lại lo sợ ăn đào dễ bị ốm nên dù rất thèm mà không dám ăn.

Mời đón xem video đang được quan tâm:

6 cách cực đơn giản để giảm cân và "chuẩn 3 vòng" ngày hè



Thanh Loan (ghi)
Ý kiến của bạn