Lời khuyên của bác sĩ giúp người lớn không bị thừa cân, béo phì

01-09-2021 07:19 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Số người béo phì, thừa cân ngày càng gia tăng nhanh chóng. Theo một số ước tính toàn cầu gần đây của WHO cho thấy, hơn 1,9 tỷ người lớn từ 18 tuổi trở lên bị thừa cân và khoảng 13% người lớn trên thế giới bị béo phì.

Thừa cân, béo phì là tình trạng tích tụ chất béo bất thường hoặc quá mức có thể làm suy giảm sức khỏe. Béo phì, thừa cân có thể gây ra gánh nặng bệnh tật.

Chỉ số khối lượng cơ thể (BMI Body Mass Index) là một chỉ số đơn giản về cân nặng theo chiều cao, thường được sử dụng để phân loại thừa cân và béo phì ở người lớn.

BMI = Cân nặng / (chiều cao x 2). 

Trong đó cân nặng tính bằng Kg, Chiều cao tính bằng m. Cách tính này không áp dụng với phụ nữ mang thai và vận động viên. 

Ví Dụ: Cân nặng = 68 kg; chiều cao = 1,65 m

BMI = 68 : (1,65 x 1,65) = 20,6. Đối chiếu với bảng đánh giả chỉ số BMI ở mức Bình thường. 

Bảng đánh giá chỉ số BMI

Tình trạng dinh dưỡng

BMI, kg/m2

Suy dinh dưỡng trường diễn

< 18,5

Bình thường

18,5-24,9

Thừa cân

25,0-29,9

Béo phì

≥ 30

Béo phì độ 1

30,0-34,9

Béo phì độ 2

35,0-39,9

Béo phì độ 3

≥ 40

Lời khuyên của bác sĩ giúp người lớn không bị thừa cân, béo phì - Ảnh 3.

TS. BS Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia

39% người lớn bị thừa cân, 13% người lớn bị béo phì

Theo một số ước tính toàn cầu gần đây của WHO, hơn 1,9 tỷ người lớn từ 18 tuổi trở lên bị thừa cân. Trong số này hơn 650 triệu người lớn bị béo phì. 39% người lớn từ 18 tuổi trở lên (39% nam và 40% nữ) bị thừa cân.

Nhìn chung, khoảng 13% dân số trưởng thành trên thế giới (11% nam giới và 15% phụ nữ) bị béo phì vào năm 2016. Tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới tăng gần gấp ba lần từ năm 1975 đến năm 2016.

Thừa cân và béo phì có liên quan đến nhiều ca tử vong trên toàn thế giới hơn so với tình trạng thiếu cân. Trên toàn cầu, có nhiều người béo phì hơn thiếu cân - điều này xảy ra ở mọi khu vực, ngoại trừ các khu vực của châu Phi và châu Á cận Sahara.

Lời khuyên của bác sĩ giúp người lớn không bị thừa cân, béo phì - Ảnh 4.

Theo một số ước tính toàn cầu của WHO, hơn 1,9 tỷ người lớn từ 18 tuổi trở lên bị thừa cân.

Nguyên nhân của thừa cân, béo phì

Nguyên nhân cơ bản của béo phì và thừa cân là sự mất cân bằng năng lượng giữa lượng calo ăn vào và lượng calo tiêu hao. Đó là:

Sử dụng quá nhiều các loại thực phẩm giàu năng lượng có nhiều chất béo và đường;

Gia tăng tình trạng lười vận động.

Hậu quả của thừa cân, béo phì

Thừa cân-béo phì là một yếu tố nguy cơ chính gây gia tăng mắc các bệnh không lây nhiễm như:

Bệnh tim mạch (chủ yếu là bệnh tim và đột quỵ), là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

Bệnh đái tháo đường

Bệnh lý xương khớp (thoái hóa khớp, loãng xương, ….)

Một số bệnh ung thư (nội mạc tử cung, vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, gan, túi mật, thận và đại tràng)….

Gánh nặng kép về suy dinh dưỡng

Nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình hiện đang phải đối mặt với "gánh nặng kép" về suy dinh dưỡng. 

Trong khi các quốc gia này tiếp tục đối phó với các vấn đề về bệnh truyền nhiễm và thiếu dinh dưỡng, họ cũng đang trải qua sự gia tăng nhanh chóng các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm như thừa cân-béo phì, đặc biệt là ở các khu vực đô thị.

 Không có gì lạ khi nhận thấy tình trạng suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì cùng tồn tại trong cùng một quốc gia, cùng một cộng đồng và hay trong cùng một hộ gia đình.

Lời khuyên của bác sĩ giúp người lớn không bị thừa cân, béo phì - Ảnh 6.

Để tránh thừa cân, béo phì, cần phải thường xuyên hoạt động thể chất

Dự phòng thừa cân, béo phì

Thừa cân và béo phì cũng như các bệnh không lây nhiễm liên quan, phần lớn có thể phòng ngừa được.

Môi trường xung quanh và cộng đồng là yếu tố cơ bản, quan trong trong việc hỗ trợ, hình thành thói quen tốt cho mọi người, bằng cách giúp họ có thể chọn được thực phẩm lành mạnh hơn.

Cần có không gian và thời gian để hoạt động thể chất thường xuyên hơn (quan tâm đến các tiêu chí dễ tiếp cận, sẵn và giá cả phải chăng nhất).

Để dự phòng thừa cân, béo phì, mọi người nên:

 Hạn chế sử dụng thực phẩm giàu chất béo và chất bột đường;

Nên sử dụng đủ trái cây và rau quả theo khuyến nghị;

Nên sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt, cũng như các loại đậu, và các loại hạt;

Tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên: tối thiểu 30 phút mỗi ngày, 150 phút mỗi tuần, nên tập hàng ngày; có ít nhất 2-3 ngày tập luyện có đối kháng.

Lời khuyên của bác sĩ giúp người lớn không bị thừa cân, béo phì - Ảnh 7.

Để tránh thừa cân, béo phì, nên hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên nướng, nước ngọt...

Không nên hoặc hạn chế sử dụng các loại thực phẩm sau:

Đồ uống có đường, nước ngọt đóng chai, trà sữa, …

Nước hoa quả (không quá một lượng nhỏ mỗi ngày)

Ngũ cốc tinh chế (bánh mì, miến, …)

Đồ chiên nướng (thịt nướng, khoai tây chiên…)

Thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn, thịt cừu) và thịt chế biến sẵn (xúc xích, giăm bông, thịt xông khói...)

 Các loại thực phẩm chế biến sẵn khác.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Khởi Tố Người Phụ Nữ Tự Cởi Quần Áo, Chống Đối Đi Cách Ly Tập Trung 


Ts. Bs Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Ý kiến của bạn