Hà Nội

Lời khuyên của bác sĩ để phòng, điều trị đột quỵ não ngày nắng nóng

06-07-2023 17:49 | Y tế
google news

SKĐS - BVĐK Đức Giang (Hà Nội) vừa cứu sống 2 ca đột quỵ não ở giờ thứ 2 và giờ thứ 1, bác sĩ Khoa Cấp cứu của bệnh viện đã đưa ra những khuyến cáo với người dân để phòng đột quỵ ngày nắng nóng.

Bệnh nhân thứ nhất tên là N.V.D, sinh năm 1962, trú tại Lương Tài – Bắc Ninh. Ngày 5/7, ông D. nhập viện trong tình trạng tê bì sau gáy, lan xuống tay, yếu liệt người trái, nói khó. 

Ngay lập tức ông D. được người nhà đưa tới Khoa Cấp cứu - BVĐK Đức Giang. Bệnh nhân được khám và làm các xét nghiệm liên quan tới đột quỵ và được chẩn đoán đột quỵ não thể nhẹ. Ông D. được chỉ định dùng thuốc kháng tiều cầu kép, kiểm soát huyết áp, kiểm soát mỡ máu.

Bác sĩ đưa ra lời khuyên phòng, điều trị đột quỵ não ngày nắng nóng - Ảnh 1.

Sau cấp cứu đột quỵ, bệnh nhân đang hồi phục tốt. Ảnh: BVCC

Với những bệnh nhân đột quỵ não nhẹ hoặc cơn đột quỵ thoáng qua, không có chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối, sẽ được sử dụng các thuốc dự phòng đột quỵ não như: thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu, kiểm soát huyết áp, kiểm soát mỡ máu... và được làm các thăm dò chức năng khác như siêu âm tim, siêu âm Doppler hệ thống mạch cảnh, mạch đốt sống, đeo holter điện tim, holter huyết áp để phát hiện các yếu tố nguy cơ về tim mạch....

Từ đó các bác sĩ đưa ra các liệu trình điều trị và theo dõi cho bệnh nhân để ngăn ngừa nặng lên và đột quỵ tái phát...

Sau dùng thuốc khoảng 30 phút ông D. đã có thể tự nói được, cơ lực cải thiện rõ rệt, tay và chân bên phải có thể vận động nâng lên khỏi giường, ý thức tỉnh táo. 

Được cấp cứu thành công, ông D. tiếp tục nằm theo dõi tại Khoa Cấp cứu và điều trị nguyên nhân dự phòng tái phát lâu dài. Hiện tại, sức khỏe ông D đã phục hồi tốt, và  sinh hoạt gần như bình thường.

Trường hợp bệnh nhân thứ 2 là ông N.Đ.T, ở Gia Lâm (Hà Nội), 63 tuổi. Chiều ngày 30/6, nhập viện trong tình trạng nói khó, liệt nửa người trái. Cách nhập viện khoảng 2 giờ, bệnh nhân đột ngột xuất hiện tê bì nửa mặt trái, kèm theo yếu liệt nửa người trái, nói khó. Ông T. có tiền sử cao huyết áp nhiều năm.

Sau đó ông N.Đ.T tự đo huyết áp được 140/90mmHg, ông liền uống 1 viên thuốc huyết áp nhưng triệu chứng không cải thiện. Sau khoảng 2,5 giờ, bệnh nhân được người nhà đưa tới Khoa Cấp cứu, BVĐK Đức Giang. 

Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ khám đánh giá, chụp CT, làm các xét nghiệm liên quan đến đột quỵ cấp. Ngay khi có kết quả chụp CT, bệnh nhân đc chẩn đoán, nhồi máu não cấp với thang điểm quy đổi đột quỵ NIHSS 10 điểm.

Bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, sau khoảng 10 phút sử dụng thuốc, cơ lực tay của bệnh nhân đc cải thiện. Sau khoảng 30 phút dùng thuốc gần như các triệu chứng đã được cải thiện, bệnh nhân tự đứng dậy đi lại tốt, điểm NIHSS từ 10 điểm giảm xuống còn 5 điểm. Hiện tại, sức khỏe ông T. đã phục hồi và đã được ra viện. 

BS Nguyễn Văn Hùng, Khoa Cấp cứu, BVĐK Đức Giang (Hà Nội) cho hay: Đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn phế ở người trưởng thành. 

Trong số các biện pháp hiện có, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rt-PA) đang là một trong những phương pháp tối ưu nhất trong điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp để giảm thiểu di chứng do đột quỵ gây ra. 

Tuy nhiên, thời gian là yếu tố quan trọng quyết định thành công và mang lại cơ hội sống cho người bệnh, vì thuốc tiêu sợi huyết khối đường tĩnh mạch chỉ có tác dụng tối ưu với những người bệnh nhồi máu cấp tính trong vòng 4,5 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ đầu tiên.

Trong khi đó, theo tâm lý phổ biến ở người Việt Nam người dân thường tự ý dùng thuốc hay dùng các biện pháp dân gian như: cạo gió, chích máu ngón tay,… thay vì đến các cơ sở y tế, họ vô tình đã bỏ lỡ khung giờ vàng quý giá để điều trị đột quỵ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phục hồi của người bệnh. 

"Qua 2 trường hợp bệnh nhân kể trên, rất may bệnh nhân đều được đưa đến viện sớm và cấp cứu kịp thời, tránh được những di chứng đáng tiếc khi quá giờ vàng" - BS Hùng nói.


Thế Anh
Ý kiến của bạn