Theo TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Chủ tịch hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TPHCM: “Cho đến nay không có chống chỉ định nào là trẻ bị tim bẩm sinh không được chích ngừa hoặc dạng tim bẩm sinh nào được chích hay không được chích ngừa. Dĩ nhiên với những trường hợp bệnh tim bẩm sinh quá nặng, khả năng sống của trẻ không cao thì việc chích ngừa ít đặt ra. Còn những trường hợp tim bẩm sinh khác, ngày nào tim của trẻ còn khả năng hoạt động tốt, ngày đó trẻ cần được đối xử như bao trẻ bình thường khác”.
Mỗi năm cả nước có khoảng 8.000-10.000 trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh (tỉ lệ 8/1.000 trẻ sinh sống). Đi kèm với tim bẩm sinh, trẻ thường có nhiều biến chứng nặng như: suy dinh dưỡng, suy tim, nhiễm trùng hô hấp… Chăm sóc trẻ tốt, trong đó chủng ngừa, có thể giúp giảm thiểu các nguy cơ này.
Trước khi tiêm chủng các bé được khám sàng lọc, tư vấn và chỉ định tiêm.
Ngoại trừ với những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh kèm theo suy giảm miễn dịch, cần lưu ý một số vắc-xin không thể tiêm ngừa được. Ví dụ tim bẩm sinh có kèm theo hội chứng Di George, trường hợp này là chống chỉ định vắc-xin sống giảm độc lực như lao, thủy đậu, …. Vì vậy, khi đưa con đi tiêm, cha mẹ cần thông báo với cán bộ tiêm chủng về tình trạng bệnh và mang theo bệnh án của con mình để các bác sĩ tư vấn loại vắc-xin phù hợp với tình trạng của cháu bé.
Dị tật tim bẩm sinh là những bất thường về cấu trúc của tim và mạch máu như thông liên thất, thông liên nhĩ, thiểu sản tim trái, tim một thất, teo tịt van động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ... có ngay từ khi trẻ sinh ra”.
Trẻ mới sinh bị dị tật tim bẩm sinh thường có dấu hiệu phổ biến là thở nhanh, tím tái, lên cân chậm, bú kém, vã mồ hôi. Với trẻ lớn hơn (thường sau 5 tuổi), các dấu hiệu phổ biến của tim bẩm sinh là khó thở, dễ mệt khi nô đùa khiến trẻ không theo kịp bạn, viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần, đau ngực, tức ngực, đánh trống ngực, gầy gò, ăn kém.
Các bác sĩ khuyến cáo:
– Chích ngừa chỉ có thể được thực hiện an toàn tại các cơ sở y tế đủ điều kiện: Trạm y tế xã, Bệnh viện huyện, Bệnh viện tỉnh…
– Theo dõi sau chích ngừa tương tự như những trẻ bình thường khác.
Nguyên nhân gây bệnh:
Bệnh tim bẩm sinh là các dị tật của buồng tim, van tim, vách tim và các mạch máu lớn, xảy ra từ khi còn là bào thai. Tần suất bệnh tim bẩm sinh chung trên thế giới là 8/1000 trẻ ra đời còn sống.
Bệnh tim bẩm sinh có thể do nhiều nguyên nhân và đôi khi không thể xác định cụ thể.
- Do bất thường của các nhiễm sắc thể số 13,18, 21 (hội chứng Down), 22 hoặc của các nhiễm sắc thể giới tính như XO (hội chứng Turner), XXY (hội chứng Klinefelter). Những bất thường này không di truyền vì sự sai lệch của các nhiễm sắc thể chỉ là tai nạn đột xuất, xảy ra ở một thế hệ nào thôi chứ không truyền từ đời này sang đời khác.
- Do di truyền trong gia đình khiến tim bẩm sinh xảy ra trong nhiều thế hệ của gia tộc. Nguyên nhân này chiếm khoảng 3% các trường hợp tim bẩm sinh.
- Do các yếu tố từ môi trường sống tác động lên cơ thể bà mẹ lúc mang thai như tia phóng xạ, tia quang tuyến X, hóa chất, rượu, thuốc (đặc biệt là các thuốc an thần, thuốc nội tiết tố); hoặc mẹ mắc một số bệnh do siêu vi trùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ như quai bị, rubéole, herpès...
- Do mẹ mắc một số bệnh như tiểu đường, lupus đỏ...
Trẻ bị tim bẩm sinh nên tái khám định kỳ mỗi tháng, 2 tháng, 3 tháng hay 6 tháng tùy theo chỉ định của bác sĩ. Dù trẻ có bình thường cũng nên đi tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ đánh giá diễn tiến của bệnh, phát hiện các biến chứng cũng như điều chỉnh lại liều lượng thuốc cho phù hợp với cân nặng tăng dần của trẻ. Các trẻ đã được can thiệp phẫu thuật hay thông tim vẫn cần được tiếp tục theo dõi ở phòng khám của chuyên khoa tim mạch. Phụ huynh nên cho trẻ khám lại ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác thường như: sốt, ho, tiêu chảy, nôn mửa, phù, tiểu ít, bỏ bú, quấy khóc, thở mệt, rên rỉ, lừ đừ hay bứt rứt lên cơn tím tái, co giật, hôn mê.