Hà Nội

Lời khuyên cho bệnh nhân chuẩn bị mổ nội soi đại trực tràng

17-01-2015 08:43 | Y học 360
google news

SKĐS - TS. Vũ Trường Khanh, Phó trưởng khoa Tiêu Hóa, BV Bạch Mai đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho bệnh nhân trước và sau nội soi đại tràng.

TS. Khanh cho rằng, phần lớn ung thư đại trực tràng xuất hiện ở những người trên 50 tuổi. Chính vì vậy cần tiến hành soi đại tràng cho tất cả mọi người ở lứa tuổi > 50, kể cả những người không có triệu chứng. Nếu soi đại tràng hoàn toàn bình thường và không có polyp thì sau mười năm mới phải soi lại.

- Những người có nguy cơ cao ung thư đại trực tràng: khi soi đại tràng phát hiện có từ 3-10 polyp loại tuyến ống (tubular adenomas) trở lên hoặc có loạn sản mức độ cao hoặc polyp loại nhung mao hoặc loại ống tuyến nhung mao hoặc polyp có kích thước ³ 1 cm bệnh nhân cần được soi lại tại thời điểm 3 năm sau đó. Nếu có > 10 polyp tuyến cần soi lại trong vòng trước 3 năm. Đối polyp răng cưa (serrated polyp) ³ 1cm soi lại tại thời điểm 3 năm sau đó.

- Những người ít có nguy cơ ung thư đại trực tràng: khi soi đại tràng phát hiện có 1-2 polyp loại tuyến ống, hoặc polyp kích thước nhỏ <1 cm và không có loạn sản mức độ cao, những bệnh nhân này soi đại tràng lại sau 5-10 năm. Đối polyp răng cưa < 1 cm và không có loạn sản soi lại tại thời điểm 5 năm sau đó. Đối với trường hợp polyp tăng sản (hyperplastic polyp) bệnh nhân cần soi lại tại thời điểm 10 năm sau đó.

- Những người có tiền sử gia đình: bố mẹ, anh em ruột và con bị ung thư đại trực tràng cần soi đại tràng để sàng lọc ở tuổi 40 hoặc trước 10 năm so với tuổi của người thân bị ung thư đại trực tràng.

- Những người bị viêm loét đại tràng chảy máu hoặc bị bệnh Crohn: cần soi đại tràng hàng năm kể từ năm thứ 8 khi phát hiện bị tổn thương toàn bộ đại tràng hoặc từ năm thứ 12 đối với tổn thương toàn bộ đại tràng trái. Để phát hiện những tổn thương loạn sản.

- Những người bị hội chứng polyp có tính chất gia đình (Familial adenomatous polyposis -FAP) cần soi đại tràng hàng năm.

- Đối với bệnh nhân ung thư đại trực tràng mà trước khi mổ chưa được nội soi đại tràng toàn bộ vì các lý do khác nhau như: phải mổ cấp cứu do có tắc ruột hoặc chưa soi hết đại tràng vì bán tắc ruột…, thì sau khi mổ 3 - 6 tháng phải được soi đại tràng toàn bộ để phát hiện những vị trí ung thư khác tại đại tràng. Nếu hình ảnh nội bình thường, bệnh nhân cần nội soi lại ở thời điểm 1 năm, 3 năm và 5 năm sau khi được phẫu thuật. Nếu khi soi phát hiện thấy có polyp thì việc theo dõi sẽ theo hướng dẫn về polyp phần trên.

- Đối với bệnh nhân ung thư đại trực tràng mà trước khi mổ đã được nội soi đại tràng toàn bộ: bệnh nhân cần nội soi lại ở thời điểm 1 năm, 3 năm và 5 năm sau khi được phẫu thuật.

- Đối với bệnh nhân ung thư trực tràng: bệnh nhân cần được soi đại tràng sigma cứ 3- 6 tháng 1 lần trong 2 năm đầu.

Nếu nội soi đại tràng toàn bộ không có thuốc giảm đau, tiền mê và gây mê thì bệnh nhân rất đau và khó chịu. Phần lớn bệnh nhân đã soi đại tràng mà không có tiền mê và gây mê thì không muốn nội soi đại tràng lại lần 2. Để phòng tránh được ung thư đại tràng thì phương pháp tốt nhất là phải nội soi đại tràng toàn bộ.

Ngày nay, phần lớn bệnh nhân soi đại tràng tại khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai được nội soi tiền mê bằng fentanyl phối hợp cùng midazolam hoặc gây mê bằng propofol. Đây là phương pháp nội soi đại tràng rất an toàn và không có hại cho sức khỏe của bệnh nhân, điều này đã được Hội nội soi Tiêu hóa Hoa Kỳ chấp nhận, đồng thời, người bệnh cảm thấy không khó chịu khi nội soi. Vì vậy, khi cần phải nội soi đại tràng lại theo định kỳ người bệnh dễ dàng chấp nhận.

Chuẩn bị trước và sau nội soi đại tràng như thế nào?

Bữa tối trước ngày soi đại tràng bệnh nhân ăn bình thường, nhưng không ăn rau và chất xơ

- Đối với người đại tiện hành ngày bình thường: bệnh nhân uống thuốc rửa ruột trong khoảng 3 giờ.

- Đối với người bị táo bón: cần uống thuốc nhuận tràng làm mềm phân trong 3-4 ngày để giúp bệnh nhân đi ngoài bình thường trước khi soi.

- Đối với bệnh nhân nghi bán tắc ruột: như đau bụng thành cơn, không đại tiện được không được cho dùng thuốc rửa ruột mà phải thụt tháo làm sạch đại tràng trước khi soi.

- Đối với những người trên 50 tuổi nên xét nghiệm công thức máu và đông máu trước khi nội soi, vì nếu phát hiện có polyp sẽ tiến hành cắt luôn trong quá trình nội soi, tránh cho bệnh nhân phải nội soi lần sau.

- Đối với nội soi đại tràng có tiền mê và gây mê, sau khi soi bệnh nhân không tự điều khiển các phương tiện giao thông.

Cũng theo TS. Khanh, cho tới nay không có xét nghiệm nào có khả năng dự báo là một người bị ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm, ngay cả với xét nghiệm CEA (Carcinoembryonic antigen). CEA có thể tăng trong máu ở người ung thư tụy, ung thư dạ dày, ung thư tuyến giáp, ung thư vú và tăng cả trong những bệnh không bị bệnh ung thư như: viêm loét đại tràng chảy máu, xơ gan, bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh crohn và suy tuyến giáp. Chính vì vậy, CEA cũng được khuyến cáo không nên sử dụng như một xét nghiệm để sàng lọc phát hiện ung thư đại tràng. PET- CT được coi phương tiện hiện đại phát hiện di căn ung thư, nhưng cũng không phải phương tiện được áp dụng để sàng lọc phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm.

Như vậy, để phát hiện sớm và chữa khỏi ung thư đại tràng thì cách tốt nhất là nội soi đại tràng toàn bộ, đặc biệt là đối với người có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng.

D.Hải

 

 

 


Ý kiến của bạn