Hà Nội

Lợi khuẩn liên quan đến phản ứng viêm và béo phì

07-08-2019 07:16 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Có 30 nghìn tỷ tế bào để tạo nên cơ thể con người nhưng có ít nhất 40 nghìn tỷ con vi khuẩn chung sống trong người chúng ta.

Lợi khuẩn và hệ vi sinh vật trong cơ thể người

Có 30 nghìn tỷ tế bào để tạo nên cơ thể con người nhưng có ít nhất 40 nghìn tỷ con vi khuẩn chung sống trong người chúng ta. Những con vi khuẩn này giữ vai trò rất quan trọng cho các chức năng của cơ thể như tiêu hóa thức ăn, kiểm soát sự thèm ăn, điều hòa chuyển hóa, ảnh hưởng đến tâm trạng và hệ miễn dịch. Có những vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi. Vi khuẩn có lợi thường được gọi là lợi khuẩn.

Hệ vi sinh nội tại và các bệnh viêm

Những con vi khuẩn trong cơ thể có chức năng hỗ trợ hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường, giúp kiểm soát đáp ứng viêm và các bệnh viêm. Số vi khuẩn đường ruột này là một phần không thể thiếu trong quá trình tiêu hoá và có thể giải phóng chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm không tiêu hóa được bởi con người. Ví dụ như các axit béo chuỗi ngắn trong các loại chất xơ đặc biệt. Những chất này là một nguồn năng lượng quan trọng cho niêm mạc ruột và rất cần thiết trong việc điều biến đáp ứng miễn dịch và các tác nhân gây ung thư ruột.

Có mối liên hệ sâu sắc giữa các vi sinh vật và hệ thống miễn dịch của con người: hệ thống miễn dịch phải học cách phù hợp với vi sinh vật và vi sinh vật dạy hệ thống miễn dịch làm thế nào để hoạt động đúng cách. Chúng ta càng nghiên cứu và hiểu được nhiều về điều này, thì sẽ càng giải quyết các rối loạn và bệnh viêm mà vi khuẩn đường ruột có tác động trực tiếp. Các bệnh rối loạn và viêm này bao gồm bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, hội chứng ruột kích thích, một số bệnh ung thư, bệnh dạ dày và... cả bệnh béo phì.

Lợi khuẩn liên quan đến phản ứng viêm và béo phìCác vi khuẩn và nấm men tự nhiên tìm thấy trong Kefir kết hợp cộng sinh cung cấp nhiều lợi ích to lớn cho sức khỏe khi được dùng thường xuyên.

Phản ứng viêm và bệnh béo phì

Béo phì cũng là một tình trạng viêm. Tại sao lại như vậy? Vì 2 lý do:

Các tế bào mỡ tạo ra các tín hiệu hóa học được gọi là các cytokine, một số trong đó làm gia tăng phản ứng viêm trong cơ thể. Sự gia tăng các cytokine, như là một phản ứng đối với các tế bào mỡ thừa, tác động tiêu cực đến phản ứng của cơ thể với các kích thích tố thèm ăn như leptin và insulin.

Hệ vi sinh vật trong cơ thể bạn là hàng rào đầu tiên tiếp xúc với thức ăn. Khi ăn các loại thức ăn không lành mạnh, có khả năng gây viêm, chúng ta có thể tạo ra sự mất cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột và làm cho ruột bị rò rỉ. Ruột rò rỉ có nghĩa là thành ruột cho phép các phân tử không bị tiêu hóa hoàn toàn cùng với các hóa chất độc hại xâm nhập vào máu. Các thành phần độc hại này được cơ thể xác định là các mầm bệnh và cơ thể chúng ta lên cơ chế tấn công chúng. Điều này dẫn đến tình trạng viêm, và ảnh hưởng đến hormon thèm ăn cũng như hormon trong nhiều hệ thống cơ thể khác.

Nếu một người bị thừa cân trong một thời gian, rất nhiều khả năng họ bị ruột rò rỉ, hệ vi khuẩn trong ruột thì bị mất cân bằng và bị viêm trong dòng máu.

Làm gì để cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, quá trình viêm và bệnh béo phì?

Thực phẩm cần cắt giảm: đường, thức ăn chiên rán, phụ gia nhân tạo, chất béo bão hòa, gluten, thịt đã chế biến, rượu.

Thực phẩm cần ăn thêm: Cải lên men, kim chi; các chất xơ có thể lên men bởi vi khuẩn đường ruột: sắn, khoai lang; các sản phẩm sữa lên men như sữa chua và kefir; nước hầm xương; cải xanh; cá hồi; quả việt quất hay các trái cây nhiều chất chống ôxy hoá, chống viêm; quả hạnh nhân, óc chó; hành và tỏi; rau chân vịt (cải bó xôi); gừng, quế và ổi.

Stress: Có một mối quan hệ hai chiều giữa hệ vi sinh trong ruột và stress. Một đằng, bằng việc cải thiện hệ vi sinh, chúng ta có thể cải thiện khả năng chịu đựng stress trong cuộc sống. Mặt khác, bằng cách giảm stress trong cuộc sống, các con lợi khuẩn duy trì một tỷ lệ lấn át các vi khuẩn có hại. Vì vậy, cần giải quyết vấn đề từ cả hai hướng.

Kháng sinh: Kháng sinh thực chất là để tiêu diệt những vi khuẩn xấu gây bệnh, nhưng nó cũng đồng thời diệt vi khuẩn tốt. Tránh lạm dụng kháng sinh cũng là điều nên làm để bảo vệ hệ lợi khuẩn của chúng ta.


TS. Lê Đoàn Thanh Lâm
Ý kiến của bạn
Tags: