Tỉnh lại sau khi ngất xỉu trong siêu thị BigC The Garden tối 14/3, chị Khánh (21 tuổi), sinh viên một trường đại học ở Hà Nội, còn rất mệt, gục đầu vào vai người bạn. Cô gái mặt tái nhợt, liên tục nôn khan, hít thở gấp. Phải mất một hồi lâu, chị mới có thể nói chuyện được.
Khánh kể, chiều cùng ngày, chị cùng với nhóm bạn tới BigC The Garden theo dõi sự kiện ra mắt sản phẩm của một nam ca sĩ, diễn viên người Hàn Quốc. Hơn 18h cùng ngày, Khánh và bạn tách khỏi nhóm, xuống siêu thị mua đồ ăn tối.
Qua thang máy, tới trước gian hàng bánh mì, nữ sinh và người bạn cảm thấy chóng mặt, buồn nôn. Đi thêm vài bước, cả hai ngã quỵ xuống nền nhà. Cùng lúc nhiều khách hàng và hàng loạt nhân viên thu ngân, nhân viên quầy bánh mì cũng ngã quỵ, thở dốc.
Nhiều hành khách hoảng loạn, hô hoán. Ban quản lý siêu thị huy động nhân viên phát khẩu trang cho nạn nhân, đồng thời họ ra ngoài.
Gần 30 người được dìu ra sảnh tầng 1, được xoa dầu gió khắp người. Lúc này, đang đứng sơ cứu cho đồng nghiệp, 2 nữ nhân viên bất ngờ quỵ gối, thở dốc, nhắm nghiền mắt và liên tục nôn khan. Những nhân viên còn lại đưa 2 người lên ghế, sơ cứu.
Nhân chứng này cho biết, sau khi được đưa ra ngoài chị cùng một số khách hàng khác tự sơ cứu cho bản thân. Một số khác được người thân đưa lên taxi đến bệnh viện.
“Em và một số bạn sinh viên ngồi ở sảnh nghỉ ngơi. Tuy nhiên, dù ra ngoài một lúc lâu, tình trạng khó thở, buồn nôn vẫn không khá hơn. Khi có thể đi được, em cùng bạn dìu nhau về phòng”, Khánh nói.
Hàng chục khách hàng, nhân viên siêu thị BigC bị ngất xỉu tối 14/3. Ảnh: Hoàng Anh.
Cùng thời điểm trên, anh Văn Quang đưa vợ và con trai (3 tuổi) tới siêu thị mua đồ cuối tuần. Khi chọn đủ những mặt hàng cần thiết, con trai anh có biểu hiện mệt mỏi, mặt ửng đỏ. Cùng lúc, anh và vợ cũng cảm thấy khó thở, ngột ngạt.
Ngay sau đó, loa phát thanh siêu thị thông báo có sự cố về khí ở tầng hầm gửi xe và khu vực siêu thị. Lúc này, thêm một người phụ nữ trung niên đang xách đồ ngã xuống, ngất xỉu.
Vội vàng đưa vợ, con trai ra ngoài rồi thanh toán hóa đơn, anh Quang xuống hầm lấy xe máy ra về thì thấy khoảng 10 nhân viên thu ngân đồng loạt gục ngã trước quầy. Anh cùng nhiều người tới kéo nạn nhân ra ngoài.
Một nhân viên bảo vệ tòa nhà cho biết, thời điểm xảy ra sự cố không có xe cấp cứu nào tới hiện trường. Một số gian hàng kinh doanh đồ ăn, thức uống tại tầng 1 vẫn nườm nượp đón khách trong khi nhân viên siêu thị liên tục được đưa ra ngoài với các triệu chứng khó thở, bất tỉnh.
Hơn 1 giờ sau, sức khỏe các nạn nhân không có dấu hiệu khả quan. Lúc này, toàn bộ nhân viên siêu thị mới được đưa tới Bệnh viện 198 bằng taxi. Siêu thị này sau đó tiếp tục mở cửa đón khách. Nhân viên được phát khẩu trang khi làm việc trở lại.
Tối cùng ngày, khoa cấp cứu Bệnh viện 198 liên tục đón 4 - 5 lượt taxi chở nạn nhân từ siêu thị BigC. Các bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu trong trạng thái mê sảng, một số có biểu hiện co rút cơ, khó thở.
Bác sĩ Đỗ Chí Hiếu, khoa Cấp cứu Bệnh viện 198 cho biết, đến sáng 15/3, các bệnh nhân vụ ngạt khí tại siêu thị BigC The Garden đã được xuất viện. Trước đó, vào tối 14/3, sau khi sơ cứu và chẩn đoán, các bác sĩ cho các nạn nhân thở oxy. 9 bệnh nhân hồi phục sớm, xuất viện ngay sau đó; 10 người còn lại bình phục vào sáng nay.
Sáng 15/3, trao đổi với PV, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC số 3 (Cảnh sát PCCC Hà Nội) - phụ trách công tác PCCC tại địa bàn quận Nam Từ Liêm cho biết, đơn vị không nhận được tin báo từ cơ sở, đề nghị cứu hộ vụ hàng chục người ngất xỉu tại BigC tối 14/3.
Theo dõi diễn biến vụ việc trên báo chí, một cán bộ có kinh nghiệm trong công tác cứu hộ cứu nạn thuộc Cảnh sát PCCC Hà Nội đánh giá, nếu sự cố xảy ra do hỏng hệ thống điều hòa, thì việc hướng dẫn thoát nạn của lực lượng bảo vệ siêu thị chậm.
“Họ cần liên hệ với ban quản lý tòa nhà yêu cầu phát loa cảnh báo, khuyến cáo khách hàng không đi xuống tầng hầm xe máy, đồng thời hướng dẫn người dân di chuyển đến khu vực an toàn. Thực tế bảo vệ siêu thị hôm qua đã không làm tốt việc này”, vị cán bộ này nhận định.
Trong sự cố cần cứu nạn như tại BigC The Garden và các trường hợp tương tự, đại diện Cảnh sát PCCC Hà Nội khuyến cáo, cơ sở phải gọi 114 để có trợ giúp của lực lượng cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Cảnh sát PCCC, chứ không nên tự xử lý, tiềm ẩn nguy hiểm.
Giả sử sự cố tại tầng hầm BigC do trục trặc ở điều hòa, không thể khắc phục được nhanh, gây ra hiện tượng nguy cấp - nhiều người bị ngạt thở, ban quản lý tòa nhà có thể kích hoạt hệ thống thông gió, hút khói của PCCC. Tuy nhiên, do hệ thống PCCC hoạt động theo cơ chế liên hoàn, nên muốn kích hoạt thông gió, hút khói PCCC buộc phải kích hoạt hệ thống báo cháy cả tòa nhà.
Khi chuông báo cháy kêu, hệ thống thông gió, hút khói trong tòa nhà sẽ hoạt động, trong đó có khu hầm gửi xe máy và trục buồng thang bộ thoát nạn. Hệ thống thông gió, hút khói của PCCC hoạt động có thể giúp hút, đẩy khói khí độc ra ngoài nhanh, bơm gió, khí tươi vào tầng hầm ngăn ngừa trường việc ngất xỉu hàng loạt.
"Khi hệ thống thông gió, hút khói của PCCC hoạt động, khí tươi sẽ liên tục được bơm vào các buồng thang kín thoát nạn. Lúc này, bảo vệ tòa nhà cần liên tục phát loa trấn an tinh thần người dân, hướng dẫn họ bình tĩnh di chuyển vào các buồng thang bộ thoát nạn để đi lên các tầng trên được an toàn", đại diện Cảnh sát PCCC phân tích.
Cán bộ Cảnh sát PCCC này cũng lưu ý, việc khởi động hệ thống báo cháy tòa nhà để hút khói, bơm khí tươi xuống tầng hầm chỉ giải quyết được tình huống trong một thời gian ngắn. Khi hệ thống báo cháy hoạt động, hệ thống thang máy cả tòa nhà sẽ tự động bị khóa, đòi hỏi việc xử lý, thông báo tình huống, trấn an tinh thần người dân, hướng dẫn thoát nạn của lực lượng cơ sở phải rất chuyên nghiệp.
Nhấn mạnh đến việc cần làm đầu tiên khi xảy ra sự cố, Cảnh sát PCCC Hà Nội khuyến cáo người dân phải gọi đến số 114 để được trợ giúp.