![]() |
Một tàu ngầm lớp Akula của Nga tại cảng Vladivostok. Ảnh: Reuters. |
Biến cố xảy ra khi trên tàu quá đông người. Các cửa cabin đều khóa. Một số thành viên thủy thủ đoàn quá choáng và không đeo kịp mặt nạ phòng độc.
Kỹ sư Rifk và một số người khác được đưa vào bệnh viện quân đội gần Vladivostok, căn cứ hải quân chính của Nga ở Thái Bình Dương.
“Sau khi khí hóa lỏng tràn xuống, tiếng còi báo động rú lên rồi đến tiếng thét của một sĩ quan: 'Bật máy trợ thở lên!'. Một số người quá bối rối và không thể chụp mặt nạ phòng độc lên được”, một kỹ sư khác tên là Sergei Anshakov cho hay.
Chuẩn úy Denis Koshevarov cho rằng số người chết có thể còn cao hơn nhiều nếu hệ thống báo cháy phun khí vào trong tàu và biến cố xảy ra vào ban đêm. "Chúng tôi thật may mắn, rất rất may mắn. Nó xảy ra vào buổi tối chứ chưa đến giữa đêm, chắc chắn có thêm người chết nếu nó xảy ra ban đêm", Koshevarov nói.
Ông cũng nói thêm rằng khí Freon chỉ tràn ra ở hai khoang chứ không phải toàn bộ 6 khoang. "Tại sao nhiều người chết như vậy ư? Một số người lúc đó đang ngủ và không dậy kịp", Koshevarov cho hay.
Sĩ quan Alexei Shanin nhớ lại sự cố gắng điên cuồng của thủy thủ đoàn nhằm cứu sống những người nhiễm độc khí do đang ngủ. "Hệ thống chống cháy bỗng nhiên bị kích hoạt và nó như vòi nước trên đường ống, bỗng nhiên nước phun trào", Shanin kể lại. "Chúng tôi phải phá những cửa cabin khóa và đưa họ ra ngoài. Chỉ hít phải khí làm lạnh có hai lần thôi mà một số người đã tắt thở trên đường về cảng".
Shanin cho biết con tàu ngầm này đã có vấn đề trong hai lần thử nghiệm trước và số người có mặt trên tàu lúc biến cố xảy ra vượt quá mức cho phép. "Khi đó có tới 224 người trong tàu, mà mức thông thường chỉ là 80 đến 90 người. Đông đến mức chúng tôi còn phải xếp lượt lấy chỗ ngủ", ông nói.
Vụ tai nạn xảy ra khi con tàu ngầm mang tên Nerpa, thuộc lớp Akula II đang được đưa ra thử nghiệm trên biển Nhật Bản. Bản thân con tàu nói trên không hề hấn gì và đã trở về căn cứ an toàn hôm chủ nhật. Các quan chức Nga cho biết tai nạn không gây ra hiện tượng rò rỉ phóng xạ. Sự cố xảy ra tại phần mũi của con tàu, trong khi lò phản ứng hạt nhân nằm ở phía đuôi tàu.
Thảm kịch tồi tệ nhất liên quan đến tàu ngầm tại Nga xảy ra vào tháng 8/2000, khi chiếc tàu ngầm hạt nhân Kursk bị chìm trên biển Barents làm toàn bộ 118 người trong khoang thiệt mạng.