Lợi ích vô giá của giấc ngủ

13-11-2014 08:12 | Y học 360
google news

SKĐS - Giấc ngủ vô cùng quan trọng, đặc biệt với người cao tuổi (NCT). Cần làm gì để có giấc ngủ tốt?

Những lợi ích

Chu kỳ ngủ - thức của con người được quy định bởi một đồng hồ sinh học trong bộ não, nó luôn cân bằng thời gian ngủ và thức của cơ thể con người. Vì vậy, giấc ngủ luôn được điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể, giúp cho bộ não được nghỉ ngơi, loại trừ sự căng thẳng thần kinh (stress), giúp tăng cường khả năng tập trung trí nhớ. Giấc ngủ sẽ tạo nên sự hồ hởi, phấn chấn làm quên đi sự mệt mỏi hoặc sự đau đớn của bệnh tật.

Lúc ngủ, trái tim được giảm cường độ hoạt động, nhịp độ của hệ tuần hoàn sẽ ổn định hơn, nhịp thở nhẹ nhàng hơn và huyết áp giảm hơn lúc thức (lúc đang ngủ vào khoảng nửa đêm gần sáng huyết áp đỉnh thấp hơn bình thường khoảng 20mmHg).

Giấc ngủ tốt (ngủ sâu, không thức giấc, không có ác mộng…) là một phần cơ bản của cuộc sống khỏe mạnh, giúp cho mọi hoạt động của cơ thể và trạng thái tinh thần được cải thiện. Bởi vì, giấc ngủ sẽ làm tiêu hao sự mệt mỏi, khôi phục sức lực đã mất, giữ cho thần kinh được cân bằng, bảo vệ đại não, vì thế làm cho tinh thần ôn hòa, cởi mở, có tác dụng khôi phục và tăng cường trí nhớ, nâng cao hiệu suất trong công việc; đặc biệt, thể hiện rõ ở những người tuy tuổi đã cao nhưng vẫn thường xuyên phải lao động trí óc, căng thẳng (những nhà nghiên cứu, nhà khoa học).

 

Để có giấc ngủ tốt, người cao tuổi nên vận động cơ thể một cách thường xuyên

Để có giấc ngủ tốt, người cao tuổi nên vận động cơ thể một cách thường xuyên

Khi ngủ, các hoóc-môn sinh trưởng trong cơ thể được tiết ra nhiều hơn, các hoóc-môn này có tác dụng chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bất lợi cho cơ thể (vi khuẩn, virút gây bệnh và các yếu tố xấu khác). Bên cạnh đó, giấc ngủ cũng góp phần làm chậm sự già yếu và kéo dài tuổi thọ của mỗi một người. Nếu thiếu ngủ hoặc bị rối loạn giấc ngủ kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tuổi thọ và công việc hàng ngày (bao gồm những công việc đơn giản nhất).

Nếu thiếu ngủ kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn, suy nhược thần kinh (dễ cau có, nổi nóng, khó kiềm chế bản thân) và có thể tạo điều kiện cho bệnh tật xuất hiện hoặc tái xuất hiện. Thiếu ngủ còn ảnh hưởng đến nồng độ các hoóc-môn trong cơ thể làm xuất hiện bệnh tật (rối loạn nồng độ hoóc-môn tuyến giáp trong máu, có thể dẫn đến bệnh tăng huyết áp).

Làm gì để có giấc ngủ tốt?

Muốn có giấc ngủ tốt, NCT nên có tập luyện để thành thói quen tốt, đặc biệt ở người luôn có rối loạn giấc ngủ với nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, NCT trong mỗi một ngày nên ngủ đủ thời gian (khoảng từ 7 - 8 tiếng đồng hồ là tốt nhất, bao gồm cả giấc ngủ trưa ngắn). Nên có thói quen đi ngủ đúng giờ (cả ngủ trưa và ngủ buổi tôi) và thức dậy đúng theo một thời gian cố định (những lúc đầu nên đặt chuông báo thức, về sau đã thành thói quen, có thể không cần động tác này). Việc làm này sẽ làm tăng cường thêm chức năng sinh học và có thể giúp NCT dễ ngủ hơn vào ban đêm (ngay cả người trẻ tuổi). Để có giấc ngủ tốt, bên cạnh đó cần quan tâm đến các yếu tố liên quan như: phòng ngủ thoáng, mát, hạn chế ánh sáng đến mức tối đa (dùng đèn ngủ có độ chiếu sáng thấp nhất có thể), giường ngủ sạch sẽ, chăn, ga, gối đệm thích hợp (ga mềm mại, đệm có độ cứng thích hợp với từng người). Phòng ngủ của NCT nên bố trí ở nơi yên tĩnh, ít người qua lại, thoáng nhưng tránh gió lùa. Mùa lạnh, rét cần có chăn, đệm đủ ấm để tránh lạnh ảnh hưởng đến giấc ngủ và còn liên quan đến sức khỏe của những người mang trong mình bệnh tật, bưởi vì, nếu cảm lạnh thì rất nguy hiểm (bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa…).

Nếu ăn, uống không hợp lý sẽ ảnh hưởng không tốt cho giấc ngủ. Vì vậy, không nên đi ngủ khi bụng đói (không được bỏ bữa, nhất là bữa tối) và càng không nên ăn quá no trước khi đi ngủ tối. Với NCT thì nên ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu để tránh rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, ậm ạch) gây mất ngủ. Không nên uống nhiều nước trước khi đi ngủ sẽ gây đi tiểu đêm ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ. NCT cũng cần hạn chế đến mức tối đa hoặc tốt nhất là kiêng hẳn rượu, bia, cà phê, trà đặc, thuốc lá trước khi đi ngủ tối. Cần tích cực điều trị các bệnh mãn tính, đặc biệt là các bệnh hay gây sự về đêm (bệnh dạ dày, đại tràng, bệnh hen suyễn, khí phế thũng, giãn phế quản, dị dứng…).

Ngoài ra để có giấc ngủ tốt, NCT nên vận động cơ thể một cách thường xuyên bằng các hình thức thuận lợi nhất cho mỗi một người (đi bộ, chơi cầu lông, thể dục dưỡng sinh…).

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

 


Ý kiến của bạn