Lợi ích và nguy cơ đối với sức khỏe từ thịt đỏ

11-07-2021 09:30 | Y học 360
google news

SKĐS - Những năm gần đây, nhiều người cho rằng, ăn thịt đỏ có thể gây bất lợi cho sức khỏe. Vậy thịt đỏ có phải hoàn toàn không tốt cho sức khỏe?

Một số loại thịt đỏ.

Thế nào được gọi là thịt đỏ?

Thịt đỏ theo cách hiểu truyền thống là các loại thịt mang sắc đỏ khi còn tươi và không đổi thành màu trắng khi nấu chín. Đây là thịt từ các loại  động vật, như: Bò, thịt cừu, thịt lợn, thịt bê, thịt ngựa, thịt trâu...

Thịt ở các loại động vật này có màu đỏ chính là do các chất ôxy hóa chứa trong các Heme (nhóm thay thế chứa các nguyên tố sắt màu đỏ) tạo nên.

Những lợi ích của thịt đỏ

Nhiều người cho rằng thịt đỏ là một thực phẩm không tốt cho sức khỏe nên cần phải tránh. Nhưng trong thịt đỏ có rất nhiều chất dinh dưỡng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu chế biến đúng cách và tiêu thụ với số lượng hợp lý.

Trong thịt đỏ chứa nhiều vitamin B12 (giúp sản sinh DNA, nuôi dưỡng các tế bào thần kinh và hồng cầu), niacin và vitamin B6. Vitamin nhóm B rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Nếu cơ thể người mẹ thiếu hụt vitamin B, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì thế các thai phụ cần ăn thịt để bổ sung đủ lượng vitamin B trong giai đoạn mang thai.

Trong thịt đỏ cũng chứa nhiều hàm lượng protein, sắt và kẽm. Ví dụ cùng một trọng lượng, thịt bò chứa hàm lượng kẽm gấp 11 lần so với cá ngừ và gấp 3 lần lượng sắt so với cải bó xôi.

Thịt đỏ còn chứa những axit béo có lợi cho sức khỏe như omega- 3, omega- 6. Hàm lượng sắt cao trong thịt đỏ là lợi ích đối với thiếu nữ tuổi dậy thì và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Thịt đỏ cũng là nguồn cung cấp protein dồi dào và tăng cường năng lượng. Nếu thiếu protein sẽ khiến nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể bị mất cân bằng, cơ thể thiếu năng lượng để thực hiện các hoạt động hằng ngày.

Hàm lượng kẽm cao trong thịt đỏ còn giúp tăng cường hệ miễn dịch và làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể.

Protein có trong nhiều loại thực phẩm, có thể thay thế cho thịt đỏ.

Nguy cơ khi ăn nhiều thịt đỏ

Mặc dù thịt đỏ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, nhưng việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ lại không tốt cho cơ thể.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh ăn thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư (ung thư đại trực tràng). Một nghiên cứu thực hiện trên hơn 120.000 người cho thấy việc ăn một phần thịt đỏ qua chế biến hàng ngày có thể làm tăng 20% nguy cơ chết trẻ (do làm tăng nguy cơ bị bệnh tim và ung thư). Một nghiên cứu theo dõi 37.698 đàn ông trong 22 năm và 83.644 phụ nữ trong 28 năm cho thấy: Những người thường xuyên ăn một miếng thịt đỏ (khoảng 100gg mỗi ngày) có nguy cơ tử vong cao hơn 13% so với những người không ăn thịt đỏ thường xuyên. Ăn quá nhiều thịt đỏ cũng làm tăng nguy cơ bị trầm cảm, lo âu.

Ăn thịt đỏ thường xuyên có thể gây hại cho tim bởi vì loại thịt này chứa nhiều mỡ bão hòa. Một nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở tiến hành một cuộc khảo sát trên hơn 1,2 triệu người tại 10 quốc gia và cho kết quả rằng những người ăn 85g thịt đỏ mỗi ngày khiến nguy cơ mắc bệnh tim mạch đến 42%.

Ăn nhiều thịt đỏ liên quan đến nguy cơ mắc ung thư là do hàm lượng protein cao. Những người tiêu thụ nhiều protein động vật có nguy cơ gây ung thư cao gấp 4 lần những người ăn ít thịt đỏ, đặc biệt là ung thư ruột, ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến. Nguy cơ cao nhất khi ăn thịt đỏ rán, nướn... vì khi thịt đỏ được nấu chín ở nhiệt độ cao, các hóa chất gây ung thư được hình thành, nên rủi ro càng cao.

Những người ăn trên 100g thịt đỏ mỗi ngày có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn người ăn ít. Do quá trình nấu hay chế biến thịt đỏ gây ra những chất hóa học và việc sử dụng hormone tăng trưởng trong chăn nuôi cũng có nguy cơ gây ung thư vú.

Ngoài ra, việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ còn liên quan đến nguy cơ mắc đái tháo đường ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là thịt chế biến sẵn.

Nên ăn như thế nào cho đúng?

Mặc dù chúng ta có thể thay thế hàm lượng dinh dưỡng trong thịt đỏ bằng các loại thực phẩm khác. Nhưng thịt đỏ là một món ăn mà nhiều người ưa thích và cũng rất khó để từ bỏ thói quen ăn uống. Do đó, điều cần làm là ăn thịt đỏ ở mức vừa đủ. Nên sử dụng phần thịt nạc. Nên ăn thịt bò từ con bò chỉ ăn cỏ, bởi thịt bò ăn cỏ sẽ nạc hơn so với thịt bò từ con bò được nuôi ăn bằng ngũ cốc.

Các nhà dinh dưỡng khuyến cáo, người trưởng thành có sức khỏe bình thường không nên ăn quá 300-500g thịt đỏ mỗi tuần. Tốt nhất 1 tuần nên ăn 2 lần, mỗi lần ăn tương đương từ 100-150g, tùy vào cân nặng và mức độ béo của mỗi người để tăng hoặc giảm một cách phù hợp. Cách chế biến tốt nhất là luộc hoặc hầm, hạn chế rán, nướng, xào…

Với bất kỳ loại thịt nào kể cả thịt đỏ, thịt trắng từ động vật đến thịt gia cầm, cá... nếu quá trình chế biến ở nhiệt độ cao đều có thể sinh ra các loại hợp chất làm tăng nguy cơ ung thư. Do đó không nên nấu các loại thịt ở nhiệt độ quá cao, không nên để thịt bị cháy. Nếu muốn nướng thịt thì nên loại bỏ mỡ trước khi nướng, trong quá trình nướng nên lật đều miếng thịt và kèm thêm các nguyên liệu thực vật để không sử dụng quá nhiều thịt nướng trong một bữa ăn...

Trích dẫn: Thịt đỏ theo cách hiểu truyền thống là các loại thịt mang sắc đỏ khi còn tươi và không đổi thành màu trắng khi nấu chín. Đây là thịt từ các loại  động vật, như: Bò, thịt cừu, thịt lợn, thịt bê, thịt ngựa, thịt trâu...

Thịt đỏ là một món ăn mà nhiều người ưa thích và cũng rất khó để từ bỏ thói quen ăn uống. Do đó, điều cần làm là ăn thịt đỏ ở mức vừa đủ. Nên sử dụng phần thịt nạc và nên ăn thịt bò từ con bò chỉ ăn cỏ.

TS. Phan Hướng Dương


Ý kiến của bạn