Lợi ích từ việc quản lý thuốc bằng công nghệ
Kê đơn điện tử tại hầu hết các bệnh viện đã giúp làm giảm nhiều sai sót trong kê đơn thuốc cho bệnh nhân ngoại trú. Tuy nhiên, tình hình kê đơn và sử dụng thuốc ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số khó khăn chung với các nước trên thế giới: Tình trạng lạm dụng kháng sinh, kê nhiều thuốc chưa hợp lý cho một đơn thuốc... Việc xây dựng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thuốc quốc gia sẽ đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền lợi cho người bệnh được sử dụng thuốc hợp lý - an toàn - hiệu quả và làm minh bạch thị trường cung ứng thuốc. Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến nay đã có 25 tỉnh, thành phố đã tham gia vào hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, gần 4.200 cơ sở bán lẻ thuốc được kết nối công nghệ thông tin, quản lý 22 nghìn đơn thuốc. Có thể nói đây là một nỗ lực lớn của ngành y tế khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối với cơ sở cung ứng thuốc.
Kê đơn thuốc điện tử mang lại nhiều lợi ích.
Để có được kết quả này, Bộ Y tế đã ban hành chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra phần mềm ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc phiên bản 1.0 bao gồm 23 tiêu chí chuẩn yêu cầu đầu ra phần mềm kết nối từ cơ sở bán lẻ thuốc với Sở Y tế, Bộ Y tế. Các tiêu chí này nhằm bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.
Nhờ đó, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng. Người dân cũng có thể so sánh giá để mua thuốc với chi phí hợp lý qua việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại hoặc tra cứu thông tin trên website... như mọi loại hàng hóa thông thường khác trong nền tảng thương mại điện tử hiện nay.Ngoài giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc, thì cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc.
Đến năm 2020, 100% thuốc kháng sinh mua bán phải có đơn
Tuy nhiên hiện nay, hoạt động cung ứng và sử dụng thuốc vẫn còn gặp nhiều thách thức. Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh ngày càng hiện hữu. Bên cạnh đó, vẫn còn có tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường. Hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc.
Do đó, việc quy định các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra là quy định bắt buộc. Vì vậy, các nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý.
Được biết, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng được cơ sở dữ liệu dược quốc gia và tiếp tục hoàn thiện cổng tra cứu thuốc. Toàn bộ dữ liệu thuốc được chuẩn hóa đầy đủ thông tin về sản phẩm như số đăng ký, nhà sản xuất, quy cách đóng gói, công dụng, liều dùng, cách dùng, giá thuốc... sẽ được đăng tại cổng tra cứu thuốc. Dự kiến đến năm 2020, 100% việc mua thuốc kháng sinh phải có đơn tại quầy, nhà thuốc.