Thiếu kẽm có thể gây rụng tóc; móng tay - móng chân giòn, có đốm trắng, dễ gãy; loét miệng; mụn trứng cá và các bệnh về da khác... Nguyên nhân gây thiếu kẽm có thể do chế độ ăn nghèo nàn hoặc liên quan đến vấn đề hấp thu của đường ruột.
1. Lợi ích từ việc bổ sung kẽm
- Giúp điều trị mụn trứng cá
Mụn trứng cá xảy ra khi nang lông bị tắc nghẽn bởi bã nhờn, tế bào da chết và vi khuẩn... Nếu cơ thể sản xuất nhiều bã nhờn, lỗ chân lông sẽ bị tắc nghẽn, dẫn đến mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn mủ hoặc u nang trên mặt, cổ, ngực và lưng.
Kẽm làm giảm tình trạng viêm, giúp giảm sưng và mẩn đỏ ở những bệnh nhân bị mụn trứng cá, đồng thời bảo vệ chống lại sự phát triển của vi khuẩn, làm giảm hoạt động của tuyến dầu. Các nghiên cứu cho thấy, tình trạng mụn trứng cá ở những bệnh nhân được điều trị bằng kẽm giảm nhiều so với những bệnh nhân không được điều trị. Kẽm còn giúp chữa lành vết thương nên có thể giúp giảm sẹo mụn.
- Cải thiện sức khỏe tình dục ở nam giới
Nghiên cứu cho thấy, nồng độ kẽm ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục của nam giới. Kẽm giúp duy trì mức testosterone tối ưu, có lợi trong việc ức chế viêm và bảo tồn chức năng nội mô dương vật. Nhờ đó, thúc đẩy chức năng cương dương và hoạt động tình dục ở nam giới.
Kẽm đặc biệt quan trọng trong quá trình sản xuất tinh trùng. Thiếu kẽm làm giảm lượng tinh trùng và giảm ham muốn.
- Ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do tuổi tác
Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác là một bệnh về mắt dẫn đến mất thị lực. Nghiên cứu cho thấy, kẽm rất cần thiết cho sức khỏe của mắt, giúp ngăn ngừa tổn thương võng mạc. Thiếu kẽm có thể là một trong những nguyên nhân của căn bệnh thoái hóa điểm vàng ở người già.
Đối với người mắc bệnh thoái hóa điểm vàng, việc bổ sung kẽm có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
- Hỗ trợ điều trị tiêu chảy
Tiêu chảy góp phần gây thiếu hụt dinh dưỡng, giảm sức đề kháng với các bệnh nhiễm trùng và suy giảm sự tăng trưởng, phát triển ở trẻ. Tiêu chảy nặng dẫn đến mất nước, có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, những người bị suy dinh dưỡng hoặc suy giảm khả năng miễn dịch.
Bổ sung kẽm có thể rút ngắn thời gian và giảm mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy ở trẻ, đồng thời ngăn ngừa các đợt tiêu chảy tiếp theo,
- Thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương
Quá trình lành vết thương có liên quan chặt chẽ đến phản ứng viêm và miễn dịch. Kẽm đóng vai trò quan trọng trong quá trình lành vết thương thông qua chức năng điều hòa miễn dịch. Thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân gây chậm quá trình lành vết thương.
Nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung kẽm giúp làm lành vết thương ở những bệnh nhân bỏng nặng, áp xe dưới da, phẫu thuật nhỏ và loét do tì đè. Bổ sung 50 mg kẽm mỗi ngày có thể giúp giảm loét chân ở những người mắc bệnh đái tháo đường.
- Giảm viêm
Kẽm được biết là có tác động đến cách cơ thể phản ứng với tình trạng viêm. Nồng độ kẽm thấp làm tăng phản ứng viêm của cơ thể. Tình trạng thiếu hụt kẽm có thể kích hoạt các tế bào miễn dịch và gây ra chức năng bất thường của cytokine IL-6, gây viêm.
2. Nên bổ sung kẽm như thế nào?
Tốt nhất nên bổ sung kẽm thông qua chế độ ăn uống. Kẽm có nhiều trong các thực phẩm bao gồm: Thịt bò, thịt lợn, ức gà, hàu, cá mòi, tôm, súp lơ xanh, trứng, sữa chua và sữa Hy Lạp, đậu lăng, hạt bí ngô, bánh mì nguyên cám…
Trong trường hợp chế độ ăn nghèo nàn, có thể dùng thực phẩm bổ sung hoặc thuốc theo chỉ định của chuyên gia y tế.
Nhu cầu kẽm với từng độ tuổi:
- Trẻ từ 0 - 6 tháng: 2mg/ngày.
- Trẻ 7 tháng - 3 tuổi: 3mg/ngày.
- Trẻ 4-8 tuổi: 5mg/ngày.
- Trẻ 9-13 tuổi: 8mg/ngày.
- Trẻ 14-18 tuổi: 9 mg (nữ), 11mg (nam).
- Trên 19 tuổi: 8 mg (nữ), 11mg (nam).
Với một số trường hợp đặc biệt như phụ nữ mang thai, cần trao đổi với bác sĩ để biết được hàm lượng kẽm cần thiết phải bổ sung mỗi ngày.
Dùng quá liều kẽm có thể gây ra các tác dụng phụ: Đau bụng quặn thắt, tiêu chảy, đau đầu, mất cảm giác thèm ăn, giảm hấp thụ đồng, cholesterol HDL thấp, buồn nôn, nôn, miễn dịch suy yếu…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Các thực phẩm giàu kẽm giúp cải thiện làn da.