Trong bối cảnh điều trị HIV/AIDS đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, việc lồng ghép quản lý các bệnh không lây nhiễm vào điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV đang trở thành xu hướng mới, hứa hẹn mang lại lợi ích to lớn cho cả người bệnh và hệ thống y tế.
Nhiều người nhiễm HIV mắc thêm các bệnh không lây nhiễm
TS. Đỗ Thị Nhàn - Trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, việc điều trị bằng thuốc ARV ngày càng hiệu quả, giúp giảm tử vong và nâng cao tuổi thọ cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên, cùng với tuổi thọ kéo dài, người nhiễm HIV phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Họ không chỉ phải đối phó với tình trạng nhiễm HIV mạn tính mà còn phải đối mặt với các tình trạng liên quan đến lão hóa.
Tính đến tháng 6/2024, trên toàn quốc có 181.558 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV), trong đó có 2.466 trẻ em dưới 15 tuổi, tại hơn 500 cơ sở y tế ở 63 tỉnh, thành phố. Số người được cấp thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 119.055 người, chiếm trên 66%.
Đáng chú ý, tỷ lệ người bệnh HIV có kết quả xét nghiệm tải lượng HIV (TLHIV) dưới ngưỡng ức chế (< 1000 cp/ml) đạt trên 97%. Tỷ lệ người bệnh duy trì điều trị ARV đạt trên 95%. Con số này cho thấy hiệu quả đáng kể của việc điều trị ARV tại Việt Nam. Song, để bảo đảm chất lượng cuộc sống lâu dài cho người nhiễm HIV, việc lồng ghép quản lý các bệnh không lây nhiễm vào chăm sóc HIV trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo TS.BS Đoàn Thu Trà - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, việc người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị tốt, đưa những tiến bộ vào điều trị đã làm giảm tỉ lệ tử vong cũng như tăng cường chất lượng cuộc sống của họ. Nhưng cùng với điều đó thì họ phải đối mặt với nguy cơ các bệnh không lây nhiễm.
Điều này là hoàn toàn bình thường vì với sự phát triển của cuộc sống hiện đại kèm theo lối sống có thể chưa được tư vấn tốt về chăm sóc sức khỏe, rồi lạm dụng bia rượu, tiêm chích ma túy, thừa cân béo phì… thì những người nhiễm HIV cũng có nhiều nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như người bình thường. Đây là điều mà ngành y tế và các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm để hỗ trợ, giúp kiểm soát được các bệnh không lây nhiễm ở những người nhiễm HIV.
TS. Trà cho biết thêm, hàng năm, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh nhân HIV của các tuyến đưa lên. Ngoài ra phòng khám ngoại trú của bệnh viện cũng quản lý hơn 2.000 bệnh nhân HIV. Với việc tiếp cập điều trị ARV sớm và các phác đồ điều trị tối ưu thì bệnh nhân HIV được điều trị HIV ổn định nhưng các bệnh lý không lây nhiễm thường gặp như: rối loạn chuyển hóa lipid máu, các bệnh về tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn sức khỏe tâm tần, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư… cũng là vấn đề đặt ra. Ngoài ra, hút thuốc lá, uống rượu bia càng làm tăng thêm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm ở người bình thường, và với người HIV thì tình trạng bệnh sẽ nặng nề hơn.
"Bệnh nhân thường vào các chuyên khoa nội, vì bệnh HIV của họ khá ổn định rồi. Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân có H trên nền bệnh rối loạn chuyển hóa lipid, bệnh nhân có tăng huyết áp, bệnh lý về mạch vành, bệnh cơ tim… Có bệnh nhân vào viện đã viêm tụy cấp, viêm tụy cấp hoại tử khi choresterol, glycerid tăng quá cao trong máu" - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới nói.
Lồng ghép điều trị HIV và các bệnh không lây nhiễm đem lại lợi ích cho cả người bệnh và hệ thống y tế
Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, gần đây, các cơ sở điều trị đã bắt đầu triển khai sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường, sức khỏe tâm thần… Điều này cũng cho thấy sự cần thiết của việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người nhiễm HIV trong bối cảnh mới.
Việc lồng ghép điều trị HIV và các bệnh không lây nhiễm mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Đối với người bệnh, mô hình này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời cải thiện sự tuân thủ điều trị. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng lồng ghép dịch vụ bệnh không lây nhiễm vào dịch vụ cơ sở điều trị HIV sẽ giúp giảm tử vong, cải thiện chất lượng cuộc sống ở người nhiễm HIV.
Đối với hệ thống y tế, mô hình này giúp tối ưu hóa nguồn lực, giảm chi phí vận hành và cải thiện hiệu quả quản lý. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nguồn lực y tế hạn chế tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự quyết tâm của ngành y tế và sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, Việt Nam có thể triển khai thành công mô hình này, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV và tối ưu hóa nguồn lực y tế quốc gia.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã nhanh chóng cập nhật Hướng dẫn Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS, trong đó bao gồm hướng dẫn về việc cung cấp các dịch vụ sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai thí điểm lồng ghép các dịch vụ điều trị bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV/AIDS tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Long An. Đây là bước đi quan trọng để đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng rãi trên toàn quốc.
Để nâng cao hiệu quả, mở rộng mô hình, đạt được các mục tiêu đề ra trong lồng ghép điều trị HIV và các bệnh không lây nhiễm, chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ cơ quan hoạch định chính sách đến các cơ sở y tế tuyến cơ sở, cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng người nhiễm HIV.
Trong tương lai, cần mở rộng mô hình lồng ghép trên toàn quốc, bắt đầu từ các tỉnh thành có tỷ lệ nhiễm HIV cao. Về mặt chính sách, cần có sự điều chỉnh trong hướng dẫn điều trị quốc gia, đồng thời xem xét việc tích hợp chỉ số đánh giá chất lượng cuộc sống vào quy trình chăm sóc và điều trị. Việc cung cấp các dịch vụ điều trị bệnh không lây nhiễm cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua quỹ Bảo hiểm y tế cũng là một hướng đi quan trọng cần được xem xét và triển khai...