Tôm cua là động vật giáp xác trong bộ Deapoda, những sinh vật rất gần gũi với đời sống con người, ngoài chức năng thực phẩm, các sản phẩm phụ, đặc biệt là vỏ của chúng mang lại nhiều lợi ích cho con người, nhất là lợi ích về y học và môi trường.
Vỏ tôm cua cứu tinh cho nhân loại
Giải thưởng sáng tạo doanh nghiệp nhỏ, gọi tắt là Giải SBIR, trị giá 500.000USD đã được Quỹ Nghiên cứu khoa học Quốc gia Mỹ trao cho Tập đoàn công nghệ Remedium Technology Inc. (Remedium) về thành tích phát minh ra loại bọt cầm máu nhanh các vết thương mở, có tên Hemogrip Foam. Hiện nay Remedium đang cùng với Bệnh viện đa khoa Massachusetts và ĐH Maryland thử nghiệm tiền lâm sàng nhằm đánh giá mức độ an toàn về hiệu quả cầm máu của bọt Hemogrip Foam không cần áp lực trực tiếp.
Hemogrip Foam là bọt dạng phun, áp lực cao có thể trùm kín miệng vết thương, gắn kết và nở ra, có tác dụng cầm máu nhanh trong vòng vài phút. Đây là phương pháp cầm máu nhanh mà hiện tại chưa có phương pháp cầm máu cho các ca chảy máu không cần áp lực, chiếm tỷ lệ tới 85% số ca gây tử vong liên quan đến mất máu.
Công nghệ sản xuất bọt Hemogrip Foam đi từ chitosan, một loại polymer sinh học có trong vỏ tôm, cua và các loại vật liệu giáp xác sống nhiều ở biển mà lâu nay bị bỏ phí. Chitosan là vật liệu duy nhất có trong tự nhiên mang tính tương thích sinh học có khả năng kháng khuẩn, độ bền cao trong các điều kiện ứng dụng và không gây hại cho con người. Khi dùng cho mục đích y học, băng bó cầm máu, bọt Hemogrip Foam tạo ra một loại bông băng 3 chiều, kích thước nano và có khả năng cầm máu nhanh, giúp bệnh nhân phục hồi, qua cơn nguy kịch, nhất là trong chiến trường khắc nghiệt hoặc trong những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, người bệnh chưa kịp đến bệnh viện để cấp cứu.
Bọt Hemogrip Foam được đựng trong chai lọ, hoặc thiết bị cầm tay, vừa gọn nhẹ lại dễ sử dụng. Người ta có thể dùng nó phun trực tiếp lên vết thương, khi muốn tháo ra cũng dễ dàng, không gây ảnh hưởng đến mô vết thương và gây đau. Tóm lại, rất tiện lợi và do đi từ chitosan nên có sẵn, giá cả rẻ, phù hợp với túi tiền của đông đảo người tiêu dùng.
Bọt cầm máu Hemogrip Foam được xem là sản phẩm cứu tinh mang lại sự sống cho nhiều người, nhất là cho binh lính tham gia trực tiếp chiến đấu và những người bị chấn thương, cũng như những mục đích ứng dụng tương tự khác.
Sản phẩm nhựa sinh học đi từ vỏ tôm, cua
Hàng năm trên thế giới có khoảng 300 triệu tấn plastic được sản xuất, nhưng chỉ có khoảng 3% được tái sử dụng nên lượng thải bỏ rất lớn, phải mất hàng thế kỷ mới phân hủy hoàn toàn và một lượng không nhỏ được động vật ăn và gây nên tình trạng nhiễm độc nghiêm trọng. Ví dụ, riêng tại vùng biển Bắc Đại Tây Dương, mỗi năm có khoảng 24.000 tấn nhựa được sinh vật biển ăn nên phát sinh tình trạng nhiễm độc.
Nhựa sinh học (Bioplastics) được xem là vật liệu “xanh” mang tính môi trường, thay cho các loại nhựa truyền thống. Một số sản phẩm nhựa được sản xuất từ cây trồng, nhưng có loại khó phân hủy hoặc phân hủy không hết. Để khắc phục tình trạng này các chuyên gia ở Viện Kỹ thuật sinh học Wyss (HYI) thuộc ĐH y khoa Harvard, Mỹ mới đây đã tìm ra được công nghệ sản xuất nhựa sinh học từ vỏ tôm, cua. Cụ thể hơn là từ chitosan, một dạng chitin, thành phần chính có trong vỏ động vật giáp xác, côn trùng có cánh... nhưng chủ yếu từ vỏ tôm cua, một sản phẩm phụ lâu nay bị bỏ quên hoặc mới chỉ được dùng cho sản xuất phân bón, mỹ phẩm hoặc sản phẩm dưỡng sinh.
Theo TS. Don Ingber, người chủ trì nghiên cứu, chỉ riêng nhóm động vật giáp xác nhỏ thuộc họ phù du cũng có thể cung cấp hàng tỷ tấn chitosan mỗi năm nên có thể đủ cung cấp nhựa cho tiêu dùng của nhân loại. So sánh các loại nhựa sản xuất từ dầu thì vật liệu chitosan tuy không chịu được nước nhưng lại có nhiều lợi thế khác, nhất là khả năng tự phân hủy, không gây hại cho sức khỏe con người lẫn môi trường, còn nhược điểm không chịu nước lại rất dễ khắc phục.
Sản phẩm đầu tiên của HYI có tên Shrilk có chứa chitosan từ vỏ tôm, cộng với sữa, đây là loại tơ dùng để dệt thành nhựa sinh học với chi phí rẻ. Ưu điểm của vật liệu dùng từ vỏ tôm là có sẵn, dồi dào và dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên. Tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, giúp cho ngành nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững.
(Theo CBS/FC, 5/2014)
Khắc Nam