Thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí về vấn đề thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT thuộc bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, qua hơn 2 tháng thực hiện, quy định về thông tuyến đã có những tác động nhất định đến người có thẻ BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh và quỹ BHYT.
Người bệnh đã thuận tiện hơn
Đối với người có thẻ BHYT, đã thuận lợi hơn rất nhiều khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được khám chữa bệnh (KCB) và đảm bảo quyền lợi tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện. Các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được KCB và đảm bảo quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Đồng thời, người bệnh được lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện.
Quy định thông tuyến còn thúc đẩy chất lượng khám, chữa bệnh tăng lên để thu hút người bệnh và như vậy, người có thẻ BHYT được hưởng lợi từ việc này. Quy định thông tuyến buộc các cơ sở KCB phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ tạo và như vậy cơ sở KCB đã tạo nên lợi ích kép từ việc này. Đối với chính sách BHYT, khi quyền lợi người bệnh được mở rộng, thuận lợi trong KCB BHYT là động lực quan trọng để người dân tham gia BHYT.
Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn cũng nhận định, việc thông tuyến KCB BHYT cũng có những tác động không mong muốn, đòi hỏi yêu cầu quản lý ngày càng chặt chẽ hơn như: Hiện nay, phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB chưa hoàn thiện nên chưa có công cụ để quản lý việc người bệnh đi KCB nhiều lần trong ngày, trong tuần tại các cơ sở KCB khác nhau dẫn đến khó quản lý tình trạng lạm dụng quỹ BHYT. Qua theo dõi 2 tháng thực hiện thông tuyến, số lượt KCB tại các cơ sở KCB tuyến huyện chưa tăng đột biến do quy định mới và thời điểm áp dụng trùng với thời gian Tết âm lịch. Tuy nhiên, theo nhận định chung, số lượt khám, chữa bệnh tại tuyến huyện sẽ tăng mạnh. Cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tính cả lương và phụ cấp, đây sẽ là tác động kép làm gia tăng chi phí KCB BHYT.
Cũng theo ông Sơn, bên cạnh những ưu điểm thì việc thông tuyến KCB BHYT cũng có ít nhiều ảnh hưởng tới công tác KCB. Cụ thể, việc người bệnh không qua tuyến xã, phường mà lên thẳng các bệnh viện huyện dẫn đến các trạm y tế xã sẽ ít bệnh nhân đến KCB trừ các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến huyện nhất là ở các bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn tay nghề cao. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế như tăng cung quá mức dịch vụ y tế để tăng chi phí KCB thu được và thu hút người bệnh có thể sẽ diễn ra.
Người có thẻ BHYT được khám thông tuyến tại các BV tuyến huyện trên toàn quốc
Liên quan đến việc thông tuyến KCB BHYT, BHXH Việt Nam cũng vừa có công văn gửi BHXH các tỉnh/thành phố để tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT. Theo đó, hướng dẫn mới nhất của BHXH Việt Nam tại Công văn số 943/BHXH - CSYT cho biết, nếu bệnh nhân đăng ký KCB BHYT ban đầu ở bệnh viện (BV) tuyến huyện thì có thể đi KCB ở các BV quận/huyện trên toàn quốc thay vì trước đây bệnh nhân đăng ký BHYT ở các BV quận/huyện chỉ có thể thông tuyến trong cùng địa bản tỉnh (tức là đi khám ở các BV quận/huyện trong địa bàn một tỉnh, kể cả các phòng khám đa khoa tư nhân, trạm y tế phường/xã mới được BHYT thanh toán).
Công văn này cũng ghi rõ, trong trường hợp người có thẻ BHYT đến KCB không đúng tuyến từ ngày 1/1/2016 -21/3/2016, nếu có xuất trình thẻ BHYT và các giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ nhưng chưa được hưởng BHYT tại các BV, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán, tổ chức giám định để chi trả trực tiếp chi phí KCB cho người bệnh.
Theo BHXH Việt Nam, đến cuối năm 2015, cả nước có 70 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 76% số dân. Trong đó, có 9 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình.