Lợi ích của kẽm với cơ thể

11-07-2020 15:59 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Kẽm là một nguyên tố vi lượng quan trọng, là thành phần không thể thiếu trong cơ thể con người. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu về kẽm và vai trò của kẽm đã khẳng định tầm quan trọng của kẽm trong hầu hết các cơ quan chức năng của cơ thể. Thiếu kẽm trở thành một nguy cơ sức khỏe cộng đồng cần tích cực phòng tránh.

Phòng ngừa, hỗ trợ điều trị bệnh

Phòng ngừa tiêu chảy và viêm phổi: Nhiều nghiên cứu tại các nước đang phát triển chỉ ra rằng việc bổ sung thường quy kẽm đường uống làm giảm được tần suất mắc bệnh tiêu chảy và tử vong liên quan đến tiêu chảy và viêm phổi. Trong một phân tích tổng hợp, việc bổ sung kẽm trong vòng 3 tháng hoặc hơn cho trẻ em từ 2-5 tuổi, làm giảm được số đợt tiêu chảy, viêm hô hấp, tiêu chảy nặng hoặc lỵ, tiêu chảy kéo dài, nhiễm trùng hô hấp dưới và viêm phổi.

Nhiều thử nghiệm khác cũng thấy rằng bổ sung kẽm cho trẻ từ 2-5 tuổi ở các nước đang phát triển làm giảm được tần suất viêm phổi khoảng 20% và tiêu chảy 13%.

Bổ sung kẽm bằng thực phẩm là tốt nhất.

Bổ sung kẽm bằng thực phẩm là tốt nhất.

Những thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát ở trẻ em bị tiêu chảy kéo dài đều chỉ ra rằng, việc bổ sung kẽm sẽ làm giảm được độ nặng và thời gian của cả tiêu chảy kéo dài và tiêu chảy cấp. Dựa trên các dữ liệu đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị bổ sung kẽm cho trẻ em bị tiêu chảy ở các nước đang phát triển với liều 10mg/ngày cho trẻ dưới 6 tháng và 20mg/ngày với trẻ trên 6 tháng.

Hỗ trợ điều trị các nhiễm trùng do vi khuẩn: Bổ sung kẽm cùng với liệu pháp kháng sinh trong điều trị các nhiễm trùng nặng ở trẻ nhỏ sẽ mang lại hiệu quả cao. Điều này được chỉ ra trong một thử nghiệm ngẫu nhiên lớn trên 700 trẻ em từ 7 ngày tuổi - 120 ngày tuổi tại Ấn Độ với các bệnh nhiễm trùng nặng như: viêm phổi, nhiễm trùng huyết và tiêu chảy. Tất cả những đối tượng này đều được điều trị bằng kháng sinh theo phác đồ chuẩn. Nhưng với những trẻ được cho dùng thêm kẽm thì giảm tỷ lệ thất bại điều trị so với nhóm dùng giả dược (10% so với 17%).

Ngăn ngừa bệnh cúm: Kẽm đóng vai trò rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch và tăng trưởng phù hợp. Kẽm có khả năng chống lại bệnh cúm và cảm lạnh do kẽm có khả năng kháng virus và các đặc tính thúc đẩy miễn dịch. Kẽm tham gia trong hơn 300 quy trình enzyme, do đó chỉ cần thiếu hụt rất nhỏ kẽm, có thể gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đối với sức khỏe con người tại hệ miễn dịch. Vai trò tích cực của kẽm trong chức năng tế bào bao gồm việc kích hoạt tế bào T để tạo ra một khoáng chất quan trọng nhằm làm tăng cường khả năng của cơ thể nhằm tránh các tác nhân gây bệnh tiêu cực.

Tác dụng trên tuyến nội tiết và mắt: Kẽm rất quan trọng cho thị lực, nó biểu hiện ở việc tập trung cao kẽm được tìm thấy trong các mô mắt, đặc biệt là võng mạc. Nếu mức độ kẽm thích hợp có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, là nguyên nhân hàng đầu khiến mất thị lực.

Lượng kẽm tập trung cao nhất trong cơ xương và xương, mắt, lông, da, tuyến tiền liệt, tuyến tụy, gan và thận. Do đó, những bệnh có thể phát sinh do dấu hiệu thiếu kẽm, như: Mụn trứng cá, thiếu máu, ăn kém ngon, suy giảm nhận thức, còi xương, chậm lành vết thương, cảm cúm và cảm lạnh thường xuyên, rụng tóc, da thô ráp, móng tay chân mỏng, hoặc móng tay chân có các bợt trắng nhỏ, nếm ngửi mùi vị yếu, trí nhớ chệch choạc, các vấn đề tuyến tiền liệt...

Trong sức khỏe nam giới, kẽm là một khoáng chất quan trọng cho sự phát triển và tăng trưởng thích hợp của nam giới. Nếu thiếu hụt kẽm, có thể dẫn đến trục trặc sinh sản nam giới, chức năng tình dục suy giảm và các vấn đề tuyến tiền liệt.

Bổ sung kẽm như thế nào?

Cũng như các khoáng chất và vitamin khác, việc bổ sung kẽm tốt nhất vẫn là qua đường thực phẩm. Các loại thực phẩm giàu kẽm như: sò, hàu, đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu Lima, đậu ván và đậu tây, thịt bò, cừu, gia cầm, cá, trứng cá. Các loại quả hạt (hạnh nhân, hạt điều, óc chó, quả hồ đào; hạt bí, hạt mè và hạt hướng dương)...

Nếu một cơ thể khỏe mạnh, chỉ cần có chế độ ăn cân đối và bổ sung các thực phẩm giàu kẽm là cơ thể đã đủ khoáng chất này. Đối với một số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, bệnh đường ruột hoặc một số bệnh làm giảm hấp thu kẽm mới cần bổ sung kẽm dưới dạng thuốc.

Việc bổ sung các loại vitamin và khoáng chất dựa trên giới tính, độ tuổi và các nhân tố khác như mang thai, bệnh tật hoặc tình trạng sức khỏe tổng quát. Trên hết, bạn phải kiểm tra kỹ nguồn dinh dưỡng được hấp thụ; tự tìm hiểu để lắng nghe cơ thể mình. Khi cảm thấy thiếu hụt dinh dưỡng, hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn và bổ sung thích hợp.


DS. Nguyễn Minh Thành
Ý kiến của bạn