Lợi ích của hoạt động thể chất với người bệnh tim mạch

29-01-2021 11:40 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo thống kê của Hội Tim Mạch Việt Nam, đến 2017 có khoảng 25% dân số Việt Nam có nguy cơ bệnh tim mạch.

Bệnh tim mạch và các tai biến tim mạch càng ngày được phát hiện ở lứa tuổi 25-40. Những lý do phổ biến gồm lạm dụng rượu bia; hút thuốc (cả chủ động lẫn thụ động); ít vận động; thừa cân, có tiền sử mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp; stress, thức khuya, căng thẳng trong cuộc sống, bị áp lực về tâm lý...

Rất nhiều người có suy nghĩ rằng những người bị bệnh tim thì phải nghỉ ngơi và tránh vận động nhiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những bệnh nhân bị bệnh tim thường xuyên tập luyện sẽ có tâm lý thoải mái hơn và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. Họ ít gặp phải các triệu chứng, ít phải đến bệnh viện và làm việc tốt hơn. Rõ ràng là việc vận động thể chất hợp lý đã đóng góp rất nhiều lợi ích cho quá trình hồi phục chức năng tim mạch của người bệnh.

Nên tăng cường tập luyện để phòng ngừa bệnh tim mạch.

Nên tăng cường tập luyện để phòng ngừa bệnh tim mạch.

Theo kết quả của các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, những người tham gia luyện tập thể chất ở mức độ trung bình 150 phút/tuần đã giảm được 14% nguy cơ mắc bệnh tim, những người tập luyện 300 phút/tuần giảm được 20% so với những người không tập luyện. Và các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng thực hiện bất kỳ loại hoạt động thể chất nào như làm việc nhà, đi bộ, chạy bộ hay bơi lội, tập aerobic...  đều rất hữu ích trong việc tăng cường sức khỏe tim mạch và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim. Đặc biệt, những người có tuổi tác càng cao thì càng cần phải chú trọng việc tập thể dục đều đặn và thường xuyên hơn để cải thiện tình trạng sức khỏe, nên cố gắng luyện tập ít nhất 150 phút/tuần.

Lười vận động là 1 trong 5 nguy cơ chính làm nặng thêm bệnh tim mạch. Hoạt động thể chất không chỉ giúp tăng cường vận động, cơ thể trở nên hoạt bát hơn mà còn giúp ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh tim mạch như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...

Việc tập luyện thường xuyên sẽ giúp làm giảm huyết áp động mạch, làm giảm các thành phần mỡ có hại trong máu (LDL hoặc cholesterol toàn phần), làm tăng các thành phần mỡ có lợi (HDL), nhờ đó làm giảm tiến triển của xơ vữa động mạch.

Sự gia tăng các hoạt động thể chất cũng giúp làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành. Chúng ta tập luyện thể dục thường xuyên, trái tim sẽ đập chậm hơn khi phải vận động mạnh. Hơn thế nữa, một người siêng năng tập luyện sẽ có cơ bắp chắc khỏe, dẻo dai và ít mệt mỏi hơn những người không tập luyện.

Ngoài ra, tập luyện còn giúp hạn chế được quá trình tích tụ mỡ của cơ thể - một trong những nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đồng thời động mạch vành cũng giãn nở dễ dàng hơn, giúp tim hoạt động hiệu quả hơn.

Người bệnh tim mạch nên luyện tập thế nào?

Người bệnh tim mạch cần đặc biệt chú ý vấn đề thời tiết khi tập luyện. Vận động ở thời tiết có độ ẩm cao làm mau mệt. Vận động trong thời tiết quá nóng hay quá lạnh đều có thể ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, gây khó thở, đau ngực, có thể khiến huyết áp không ổn định và là yếu tố khởi phát cho những vấn đề khác. Người bệnh nên uống đủ nước, không để bị khát, tập luyện ở môi trường thoáng mát, tránh ra ngoài trời lạnh giá để giữ thân nhiệt ổn định.

Bệnh nhân cần đến bác sĩ tư vấn về chế độ tập luyện với cường độ phù hợp. Trước mỗi lần luyện tập, cần khởi động kỹ để các hệ cơ - xương - khớp, hệ tuần hoàn và hô hấp có thể thích nghi với nhịp độ vận động. Bệnh nhân tim mạch cần tránh tập gắng sức quá sẽ có thể gây nguy hiểm. Điều quan trọng trong tập luyện không phải là tập nhiều, hết sức mà là duy trì đều đặn, thường xuyên và phù hợp với thể lực của mình.

Đối với những người thể trạng yếu, phương thức luyện tập phù hợp là vài phút thì tạm nghỉ bằng thời gian tập hoặc nghỉ gấp đôi thời gian tập, tiếp tục lặp đi lặp lại như thế trong tổng thời gian khoảng 30-40 phút cho 1 lần tập luyện. Tiến hành tập luyện như thế đến khi thể lực được tăng cường mới lại kéo dài thời gian tập.

Cần lưu ý đến những dấu hiệu của việc vận động quá sức. Nếu cảm thấy chế độ tập luyện quá nặng nên giảm cường độ tập luyện. Trong khi tập, nếu có những triệu chứng như đau ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, ngất, đau nhức cơ xương hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì cần ngưng tập. Nếu triệu chứng không giảm thì cần đến bác sĩ kiểm tra.


BS. Hồng Hạnh
Ý kiến của bạn