Trong sinh thường, bé “chui” qua ống sinh một cách giản đơn và khỏe mạnh. Thế nhưng hiện nay, tỷ lệ chị em ngại sinh thường và muốn mổ chủ động ngày càng gia tăng. Các kiến thức về lợi và hại khi sinh mổ là rất cần thiết để những ai sắp làm mẹ tham khảo.
Những trường hợp chỉ định sinh mổ
Thông thường, chỉ định sinh mổ lấy thai chủ động trong trường hợp người mẹ bị khung chậu bất thường, đường ra của thai bị cản trở như nhau tiền đạo, u tiền đạo, bé không quay đầu xuống khi gần đến ngày sinh. Mẹ có bệnh lý về tim mạch mà tình trạng có thể trở nên tệ hơn do quá trình chuyển dạ. Mẹ bị bệnh nhiễm khuẩn có thể gây lây nhiễm cho bé trong khi sinh thường. Mang nhiều thai cùng một lúc. Mẹ sinh mổ nhiều lần trước đây. Mẹ bị phẫu thuật tử cung trước đó. Sức khỏe người mẹ không bảo đảm, suy thai cấp...
Sinh mổ không định trước
Đôi khi vấn đề nảy sinh trong quá trình chuyển dạ dẫn tới quyết định mổ lấy thai, thường liên quan tới: Quá trình chuyển dạ chậm và khó khăn hoặc bị ngừng hoàn toàn. Bé có các dấu hiệu suy thai như nhịp tim thai quá nhanh hoặc chậm. Bé có kích thước quá to, mẹ không thể sinh thường. Các vấn đề liên quan tới nhau thai có thể là nguyên nhân gây băng huyết cho sản phụ nếu sinh thường.
Lợi và hại khi sinh mổ
Ưu điểm của sinh mổ là sản phụ không mất sức vì không phải chịu đựng cơn đau đẻ có thể lên đến 2-3 ngày và hoàn toàn tỉnh táo. Sinh mổ giúp em bé an toàn hơn khi chào đời vì phương pháp này rất dễ khắc phục khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, thai nhi đang trong tình trạng nguy hiểm, có thể lấy bé ra khỏi cơ thể người mẹ rất nhanh.
Tuy nhiên, sinh mổ có nhiều nhược điểm cần phải cân nhắc như nguy cơ tai biến khi gây tê, gây mê cho mẹ và bé. Sản phụ bị sẹo ngoài da, đặc biệt, cơ địa sẹo lồi càng mất thẩm mỹ. Hậu phẫu kéo dài, sinh mổ gây mất máu nhiều hơn, ảnh hưởng đến sự hồi phục của tử cung, sản phụ lâu hồi phục sức khoẻ hơn.
Với ca sinh mổ, mẹ không thể cho con bú trong những giờ đầu sau sinh. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phân tiết bình thường của tuyến sữa. Sinh mổ có thể để lại biến chứng cho người mẹ như tử cung bị mẩn đỏ dễ dẫn đến dính ruột, viêm bàng quang, nhiễm trùng vết mổ...
Trẻ sinh mổ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn và dị ứng hơn trẻ sinh thường do không được tiếp xúc với vi khuẩn ở đường sinh thường. Các vi khuẩn có lợi đường ruột phát triển không vượt trội và phải tới 6 tháng sau tỷ lệ khu trú của vi khuẩn này mới bắt kịp các trẻ sinh thường. Đó có thể là lý do trẻ sinh mổ thường bị các bệnh nhiễm khuẩn và dị ứng hơn trẻ sinh thường.