Lợi - hại hội họa kỹ thuật số

09-07-2016 18:01 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ở một số nước tiên tiến, việc họa sĩ thể hiện tác phẩm của bằng hình thức hội họa kỹ thuật số (KTS) đã có từ lâu...

Ở một số nước tiên tiến, việc họa sĩ thể hiện tác phẩm của bằng hình thức hội họa kỹ thuật số (KTS) đã có từ lâu, trong khi đó ở Việt Nam lại là lĩnh vực tương đối mới mẻ và xa lạ. Kể từ khi xuất hiện với tư cách là những công cụ hỗ trợ vẽ, thiết kế và thể hiện tác phẩm, những phần mềm ứng dụng mỹ thuật đã trở thành “vật bất ly thân” với các họa sĩ sáng tác. Tuy nhiên, công nghệ hội họa mới này đang vấp phải ý kiến trái chiều.

Khi công nghệ xâm lấn

Thực tế, các nghệ sĩ trên thế giới bắt đầu sử dụng công nghệ để tạo ra hội họa KTS từ năm 1960. Nói một cách dễ hiểu, hội họa KTS (digital painting) là hình thức nghệ thuật dùng kỹ thuật vẽ giống như trong hội họa truyền thống.

Hội họa KTS đang vấp phải ý kiến trái chiều, đặc biệt là những ai tôn thờ hội họa truyền thống.

Tất cả các chương trình vẽ KTS đều cung cấp cho người sử dụng nhiều kiểu cọ vẽ cũng như vô vàn hiệu ứng vẽ khác nhau. Trong những phần mềm hỗ trợ vẽ đã được tích hợp sẵn những kiểu cọ vẽ KTS, hiệu ứng chất liệu giả lập tương tự trong hội họa truyền thống như: sơn dầu, phấn màu... Ngoài ra, trong hầu hết các chương trình hỗ trợ vẽ KTS, họa sĩ có thể tự tạo ra những kiểu cọ vẽ của mình bằng cách kết hợp các kiểu kết cấu và hình dạng cọ KTS. Tính năng quan trọng này góp phần thu hẹp khoảng cách về sự khác biệt giữa hội họa truyền thống và hội họa KTS.

Ngày nay, hội họa KTS phát triển rất mạnh. Những phần mềm hỗ trợ vẽ KTS như Corel Painter, Adobe Photoshop, ArtRage, GIMP, Opecanvas... đã cung cấp cho nghệ sĩ một môi trường sáng tác rất “thân thiện” tương tự như hội họa truyền thống: không gian tác phẩm, công cụ vẽ, bảng màu với mười sáu triệu màu sắc và có thể pha trộn màu để tạo ra những màu khác, giống như họa sĩ vẽ tranh hội họa truyền thống.

Vì lẽ đó mà tranh sơn dầu KTS được ra đời. Thực chất, loại hình tranh sơn dầu KTS giống với hình thức tô tượng của thiếu nhi, nhưng tranh sơn dầu KTS hoàn toàn vượt trội bởi tính nghệ thuật về chất lượng màu dầu, độ bóng và màu nguyên chất không pha trộn. Vẽ tranh sơn dầu KTS không khó, với một bộ kít tranh sơn dầu KTS gồm miếng vải được căng sẵn, chia vùng màu bằng số thứ tự rất chính xác và rõ ràng, bên cạnh đó là bộ màu dầu được chia màu tương ứng với các vùng màu trên miếng vải, nhiệm vụ của “người chơi” hết sức đơn giản, đó là dùng cọ lấy màu vùng nào tô lên vùng đó là được. Trong quá trình tô, không cần thêm nước làm loãng màu, chỉ cần tô đều tay thì “tác phẩm” sẽ chẳng khác gì được thực hiện bởi một họa sĩ đại tài.

Lợi hại như nhau?!

Ai đó từng nói, con người tạo ra máy vi tính không phải là một công cụ vô tri vô giác mà nó là một “đối tác” giúp tăng cường hoạt động trí tuệ và sáng tạo của con người. Khi được khai thác tốt, nó có thể được sử dụng để “sản xuất” các loại hình nghệ thuật hoàn toàn mới và có thể đem tới những kinh nghiệm thẩm mỹ mới.

Ở Việt Nam, họa sĩ KTS cũng được đào tạo một cách bài bản. Thực tế, họa sĩ KTS sáng tác tranh không giống như một đứa trẻ biết sử dụng máy tính chỉ cần mở Photoshop và “chơi” với các phần mềm trong một đêm sẽ “sản xuất” được một tác phẩm KTS. Các họa sĩ KTS phải hiểu biết về nghệ thuật, lịch sử nghệ thuật, những nguyên lý sáng tác nghệ thuật và tầm quan trọng của ý tưởng cũng như nội dung trong một tác phẩm... Họ phải có khả năng truyền đạt ý tưởng của mình trong không gian KTS nhằm vẽ được tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao. Nếu nhận thức sai về hội họa KTS sẽ khiến cho sự ngộ nhận trên càng trở nên trầm trọng. Kết quả là sự ngộ nhận ấy sẽ trói buộc óc sáng tạo của các họa sĩ tương lai.

Siêu việt là thế nhưng hội họa KTS đang vấp phải những ý kiến trái chiều. Một số người “sùng mộ” quá đáng, một số khác thì mang tâm lý e sợ, thậm chí có người “dị ứng” đối với hội họa KTS. Họ cho rằng, những bức tranh sơn dầu KTS ấn tượng và giống như thật của các họa sĩ lừng danh như Leonardo da Vinci, Picasso, Vincent van Gogh... hay bất cứ một tác phẩm nào bạn thích giờ đây hoàn toàn nằm trong tầm tay của bạn với giá cả rẻ hơn rất nhiều nhưng chắc chắn những bức tranh này chỉ có thể dùng để trang trí trong phòng chứ không thể mang ra triển lãm.

Dẫu sao, với sự trợ giúp của công nghệ KTS, với những khả năng biên tập, điều chỉnh, ghép nối tinh vi, những hiệu ứng đặc biệt khó thực hiện hoặc không thể thực hiện bằng tay theo cách vẽ truyền thống, cũng đã góp phần nâng cao chất lượng kỹ thuật cũng như nghệ thuật của hình ảnh. Bởi vậy, hội họa KTS vẫn mang giá trị nghệ thuật nhất định trong không gian riêng của nó.


Tùng Lâm
Ý kiến của bạn