Nghiêm Thị Tuyết (nghiemtuyet@gmail.com)
Lòi dom là hiện tượng sa một hay toàn bộ trực tràng (phần cuối của ruột già) để lộ niêm mạc trực tràng ra ngoài qua lỗ hậu môn. Bệnh hay gặp ở lứa tuổi 2-5 tuổi. Như chúng ta đã biết, trực tràng là bộ phận thấp nhất so với các phủ tạng khác trong ổ bụng, nó thường xuyên chịu áp lực của các tạng này đẩy từ trên xuống dưới cho nên bất cứ một nguyên nhân nào làm tăng áp lực trong ổ bụng đều có thể làm cho trực tràng bị đẩy ra ngoài.
Đặc biệt những trẻ suy dinh dưỡng, gầy còm, tổ chức mỡ xung quanh trực tràng bị tiêu đi, không còn gì để nâng đỡ nó nên dễ bị sa ra ngoài. Những nguyên nhân khác có thể làm cho trẻ dễ bị lòi dom là trẻ phải rặn nhiều khi đi đại tiện như khi bị lỵ, trẻ bị táo bón, bị bệnh giun... Một lần đại tiện có thể thấy máu và ra chất nhầy. Ta nhìn thấy một khúc ruột đỏ tươi hoặc đỏ sẫm sa ra ngoài.
Trường hợp nhẹ thì sau đó tự co lên nhưng nếu nặng có thể đoạn ruột sa ra như đoạn dồi. Trong một số trường hợp, có thể phải tiêm thuốc giúp niêm mạc đại tràng co lại thì ruột không sa xuống được nữa. Nếu bệnh kéo dài lòi dom không thể đẩy lên được, phải phẫu thuật để treo hẳn đoạn ruột lên. Trường hợp con bạn nên đi khám tại chuyên khoa nhi để tìm nguyên nhân, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể.