Lối đi nào cho thị trường mỹ thuật Việt?

05-08-2015 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhìn rõ thực trạng đáng buồn và đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm nâng tầm mỹ thuật Việt Nam là những gì các nhà quản lý...

Nhìn rõ thực trạng đáng buồn và đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm nâng tầm mỹ thuật Việt Nam là những gì các nhà quản lý, chuyên gia đã làm tại hội thảo “Giải pháp phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh kinh tế, xã hội đương đại” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Thấy rõ những bộn bề

Theo ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm), mặc dù thời gian qua đã có các hoạt động trao đổi, buôn bán các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam ở trong và ngoài nước thông qua đầu mối là các nhà sưu tập, các gallery (phòng tranh) nhưng thực chất ở nước ta chưa có thị trường mỹ thuật đúng nghĩa. Ông Thành chỉ ra một thực tế, trong những văn bản pháp luật hiện nay còn thiếu những chính sách khuyến khích sự phát triển mỹ thuật nói chung cũng như sự phát triển của thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự phát triển manh mún của thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Việc sao chép tranh diễn ra tràn lan, công khai là một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường mỹ thuật Việt Nam kém phát triển.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho biết, thị trường mỹ thuật Việt Nam sở dĩ vẫn trầm lắng và “tụt lùi” so với các nước trên thế giới bởi việc mua bán các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao thường rơi vào tay người nước ngoài. Hầu như chúng ta không có thị trường mỹ thuật nội địa, có chăng chỉ là người Việt Nam mua các tranh trang trí tư gia có chất lượng nghệ thuật trung bình hoặc thấp. Chính yếu tố này dẫn đến việc “chảy máu nghệ thuật” ra nước ngoài.

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh - bà Mã Thanh Cao chỉ ra sự bất cập, đó là các tác phẩm mỹ thuật giá trị thuộc dạng hiếm do nghệ sĩ trong nước sáng tác rất khó mua lại để trưng bày phục vụ nhân dân bởi kinh phí chi trả cho tác phẩm quá ít so với tác phẩm và các thủ tục lằng nhằng. Cùng với đó, việc sao chép tác phẩm mỹ thuật tại nước ta diễn ra tràn lan. Thêm nữa, không ít nghệ sĩ hiện nay chủ yếu sáng tác theo xu hướng “mì ăn liền”, vẽ theo nhu cầu của khách mà bỏ qua các hệ giá trị của tác phẩm.

Bên cạnh những yếu tố trên, các chuyên gia về mỹ thuật cũng cho rằng, ở nước ta còn thiếu các bảo tàng chuyên đề hoặc nghệ thuật đương đại, việc đào tạo nguồn nhân lực trong các trường đại học, cao đẳng về mỹ thuật còn chưa được hiện đại hóa. Cũng rất đáng chú ý, đó là ở ta có quá ít những ấn phẩm báo chí chuyên về mỹ thuật nhằm quảng bá, giới thiệu các tác phẩm đặc sắc trong khi đó đây là kênh rất quan trọng, là cầu nối đưa tác phẩm mỹ thuật đến với bạn bè thế giới...

Những giải pháp để nâng tầm

Khi đã tìm ra được những nguyên nhân cơ bản cả về chủ quan và khách quan khiến nền mỹ thuật nước nhà vẫn chỉ ở mức “thường thường bậc trung” chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển không ngừng của thế giới, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp để nâng tầm cho ngành này. Theo bà Giáng Vân - Giám đốc điều hành Heritage Space, ngay từ bây giờ nhà nước và các đơn vị, tổ chức làm mỹ thuật cần có những chương trình cụ thể cho việc đào tạo những nghệ sĩ chuyên nghiệp, các nhà phê bình mỹ thuật, các chuyên viên tư vấn, môi giới chuyên nghiệp, đào tạo lớp công chúng yêu mỹ thuật... tạo ra một thị trường mỹ thuật nội địa đúng nghĩa.

Cũng có người cho rằng, giới truyền thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cùng với cơ quan, tổ chức chuyên môn thay đổi nhận thức của xã hội về mỹ thuật. Bởi theo ông Vi Kiến Thành, hiện nay ngành mỹ thuật chỉ có thể nâng cao chất lượng các sản phẩm mỹ thuật. Còn việc để xã hội, người dân hiểu, yêu thích, sử dụng các sản phẩm mỹ thuật thì lại là việc mà ngành mỹ thuật không thể tự làm được, cần sự hỗ trợ đắc lực của truyền thông. Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Đỗ Bảo - Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình mỹ thuật (Hội Mỹ thuật Việt Nam) bày tỏ quan điểm, Nhà nước không nên bảo trợ nghệ thuật bằng ngân sách mà nên kích thích thị trường bằng việc ưu đãi về thuế và các thủ tục khác đối với hoạt động đầu tư, bảo trợ nghệ thuật của các doanh nghiệp lớn.

Đại diện cơ quan quản lý cấp nhà nước, TS.Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) nêu quan điểm, chúng ta cần bắt đầu từ việc xây dựng Luật Mỹ thuật, trong đó quy định đầy đủ về bản quyền, thành lập hội đồng - cơ quan thẩm định, cơ quan đấu giá, phiên đấu giá. Đi kèm với đó là chính sách đầu tư cho mỹ thuật của Nhà nước...

Trước nhiều ý kiến bổ ích của các chuyên gia, đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp tới cấp cao hơn nhằm thay đổi chính sách phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam trong tương lai.

“Chúng ta có lực lượng hàng nghìn nghệ sĩ cùng nhiều tác phẩm có giá trị, nhưng hầu hết đều do người nước ngoài định giá và mua. Thế nên không thể tránh được tình trạng “chảy máu” nghệ thuật” – ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật,  Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết.

Phạm Quỳnh

 

 


Ý kiến của bạn