Lối đi nào cho rối nước Việt?

03-08-2016 11:35 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nghệ thuật múa rối có ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Múa rối Việt được đánh giá là giàu truyền thống, bản sắc và có nhiều thế mạnh để phát triển...

Nghệ thuật múa rối có ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Múa rối Việt được đánh giá là giàu truyền thống, bản sắc và có nhiều thế mạnh để phát triển, điển hình “đặc sản” múa rối nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều thành tựu đáng kể về việc bảo tồn, phát triển; nghệ thuật rối nước Việt vẫn còn bộc lộ hạn chế, tồn tại...

Rối nước vẫn... rối

Các nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Đan Mạch, Anh, Pháp, Phần Lan, Hà Lan, Hy Lạp, Bỉ... cũng có nghệ thuật múa rối, nhưng các quốc gia này chỉ mạnh về rối cạn (biểu diễn trên sân khấu). Riêng nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam đã tồn tại, phát triển cả trăm năm nay, được xem là “đặc sản” nghệ thuật. Rối nước của Việt Nam từ vùng nông thôn đến thành thị, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc còn nhiều nghệ nhân, câu lạc bộ, phường rối biểu diễn phục vụ người dân. Thậm chí, các đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ múa rối nước nhiều năm trở lại đây đã biểu diễn rối nước ở nhiều quốc gia trên thế giới; qua đó giới thiệu môn nghệ thuật độc đáo, đồng thời quảng bá nền văn hóa Việt đậm đà bản sắc tới bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, người trong cuộc là những nhà quản lý, người làm nghề rối nước vẫn nhận ra bộ môn nghệ thuật này còn nhiều hạn chế.

Vở rối Truyện cổ Andersen đã từng gây xao động sân khấu rối nước.

Trong một hội thảo khoa học về bảo tồn và phát triển nghệ thuật rối nước trong thời kỳ hội nhập gần đây, với sự tham dự của nhiều chuyên gia về nghệ thuật múa rối trên cả nước, đã có không ít ý kiến chỉ ra sự tồn tại của múa rối nước. Theo bà Ngô Thanh Thủy - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, thực tế thời gian qua, nghệ thuật rối nước dân gian đang bị thương mại hóa, phát triển tùy tiện theo khả năng nhận thức và tài chính của mỗi đơn vị nên mờ dần bản sắc. Chúng ta vẫn có nhiều những trò, vở diễn theo điển tích dân gian, song lại không có cách thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới, vì thế những trò, vở diễn rơi vào sự cũ kỹ, khán giả “ăn” mãi một món nên cũng chán. Bên cạnh đó, những đoàn rối, phường rối ở nước ta dù vẫn duy trì hoạt động song lại dập khuôn, thiếu sáng tạo và chuyên nghiệp, bài bản. Trước đây, cả nước có 28 phường hội rối nước dân gian thuộc 11 tỉnh, thành nhưng nay còn 15 phường đang duy trì hoạt động, song các chương trình biểu diễn cũng chỉ gói gọn trong 17 tích trò rối dân gian do Nhà hát Múa rối Việt Nam phục dựng.

Họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao - người làm nghề rối đầy tài năng và tâm huyết cho biết, sự phát triển rối nước đang rơi vào hội chứng ai làm rối nước cũng được. Điều đó khiến rối nước bị mất dần bản sắc. “Các cơ sở ấy như người làm vườn, họ chỉ tìm cách làm ra một dụng cụ để hái quả, chọc quả nhanh nhất, thu hoạch nhiều nhất mà không hề nghĩ đến chăm sóc, bón tưới để có quả ngon ngọt, có nhiều giống cây mới cho trái quý hơn” - ông Ngô Quỳnh Giao ví von. Trong khi đó, NSƯT Lê Chức cho biết, ông khá choáng khi thấy rối nước phát triển theo xu thế hiện đại, đưa chuyện về phòng chống ma túy, xe môtô công an chạy loằng ngoằng trên mặt nước ở Bảo tàng Dân tộc học. Cũng có nhiều chuyên gia lo lắng, chúng ta còn chưa có nơi đào tạo, thiếu thầy và cả người trẻ để phát triển rối nước...

Chọn lối đi nào?

Trước những tồn tại, hạn chế của múa rối nước kể trên, các nhà quản lý và người làm nghề dự hội thảo vừa qua đã đưa ra những hướng đi nhằm bảo tồn và phát triển nghệ thuật rối nước trong thời kỳ hội nhập. Nhiều ý kiến chuyên gia có chung quan điểm, chúng ta cần xây dựng, đào tạo nghề múa rối nước một cách bài bản, công phu, có lộ trình dài hạn chứ không thể làm cho có.

Để múa rối nước của chúng ta có sức lan tỏa, song vẫn giữ được giá trị cốt lõi và đến gần với nhu cầu thưởng thức của công chúng, NSND Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho rằng, không thể để múa rối trong nước lạc hậu với tương quan chung của sân khấu quốc tế. Hơi thở cuộc sống đưa vào sẽ làm cho các tiết mục rối không lỗi nhịp mà còn đem đến sức sống mới, vẫn không mất đi bản sắc văn hóa. NSND Nguyễn Tiến Dũng dẫn chứng, màn rối Truyện cổ Andersen - câu chuyện cổ tích nước ngoài được thể hiện bằng nghệ thuật rối nước truyền thống Việt đã nhận được những đánh giá cao từ khán giả trong và ngoài nước vì “chất” của rối nước Việt vẫn lan tỏa từ câu chuyện của tác giả nước ngoài.

Cũng có ý kiến chia sẻ, muốn rối nước được biết đến nhiều hơn thì chúng ta cần đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền. Thực tế chỉ ra rằng, việc quảng bá chương trình, sự kiện trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như hiện nay cũng rất quan trọng, nhưng múa rối nước lâu nay vấn đề này bị quên lãng. Ở một góc nhìn mới, PGS.TS. Trần Trí Trắc - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật - Hội Sân khấu Hà Nội đưa ra mô hình Liên Nhà hát Múa rối nước Việt Nam, theo đó có nhà hát bảo tàng, nhà hát cách tân và nhà hát thử nghiệm dưới hình thức xã hội hóa. Không những thế, chúng ta cần mở rộng đề tài từ lịch sử, truyền thuyết đến hiện đại. Bên cạnh việc phục hồi vốn cổ cần phải mạnh dạn đổi mới, thử nghiệm nghệ thuật, định kỳ tổ chức các cuộc thi tài năng từ các làng, xã, phường rối và đặc biệt, không thể thiếu việc đào tạo, truyền nghề giữa các thế hệ người làm nghề.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn