Hà Nội

Lời dặn giữ gìn, phát huy những điệu hò khoan quê nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

21-03-2022 19:57 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Bên dòng Kiến Giang êm đềm, bao đời nay người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) luôn vang điệu hò khoan mộc mạc, sâu lắng, lay động lòng người. Với lối hát dung dị, gần gũi, hò khoan Lệ Thủy trở thành món ăn tinh thần của người dân quê hương đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo nghệ nhân ưu tú Hải Lý, trú tại xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), hò khoan Lệ Thủy có rất nhiều làn điệu mang nhiều cung bậc khác nhau. Chất liệu làm nên điệu hò khoan được lấy từ đời sống, lao động của nhân dân nên điệu hò mộc mạc, gần gũi. Tùy theo đặc trưng của mỗi vùng có một làn điệu mang bản sắc riêng, như: vùng núi có điệu hò lỉa trâu; vùng sông nước, chiêm trũng có điệu hò mái xắp, hò mái dài, hò mái ruỗi, hò mái nện; vùng biển có hò khơi, hò nậu xăm...
Lời dặn giữ gìn, phát huy những điệu hò khoan quê nhà của Bác Giáp - Ảnh 1.

Nghệ nhân ưu tú Hải Lý tập luyện làn điệu hò khoan Lệ Thủy.

Ngày nay, nhiều bài hò khoan được sáng tạo lồng ghép vào các video clip về quê hương Lệ Thủy, khi đưa lên các nền tảng mạng xã hội rất được công chúng, nhất là những người trẻ, yêu thích và chia sẻ. Hiện nay, nhiều bài hò khoan Lệ Thủy được viết mới để phù hợp với những đổi thay của quê hương.

"Hò khoan Lệ Thủy có 6 mái từ mái dài, mái chẻ, mái nện, mái ba, mái xắp và mái ruỗi. Hò khoan Lệ Thủy chủ yếu xuất phát từ trong cuộc sống lao động và sinh hoạt của người dân Lệ Thủy, cho nên nhạc cụ để hỗ trợ cho hò khoan cũng chính là những dụng cụ xuất phát từ các dụng cụ lao động", nghệ nhân ưu tú Hải Lý cho biết.

Trong hồi ức của nữ nghệ sĩ này thì lần biểu diễn hò khoan mà bà nhớ nhất đó là vinh dự cùng các nghệ nhân khác biểu diễn hò khoan Lệ Thủy khi Đại tướng về thăm quê hương Lệ Thủy. Bà vẫn còn nhớ những lời dặn dò chân tình, mộc mạc của Đại tướng với người dân quê nhà trong việc gìn giữ cái hay, cái đẹp của hò khoan Lệ Thủy.

Lời dặn giữ gìn, phát huy những điệu hò khoan quê nhà của Bác Giáp - Ảnh 2.

Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm bên bờ sông Kiến Giang êm đềm trôi.

"Hò khoan như là món ăn tinh thần của quê hương Lệ Thủy, Đại tướng thích lắm. Lần đầu tiên bác Giáp dặn dò lúc đó tôi đang còn trẻ, bác dặn rằng quê hương Lệ Thủy có điệu hò khoan rất hay, các cháu phải giữ gìn nó. Lời bác Giáp nhắn nhủ căn dặn nên chúng tôi cố gắng níu giữ làn điệu hò khoan", nghệ nhân ưu tú Hải Lý xúc đọng nói.

Tìm về căn nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy nghe cụ Võ Đại Hàm, người trông coi nhà lưu niệm này chia sẻ về tình yêu của Đại tướng với hò khoan Lệ Thủy.

Lời dặn giữ gìn, phát huy những điệu hò khoan quê nhà của Bác Giáp - Ảnh 3.

Cụ Võ Đại Hàm, người trông coi nhà lưu niệm này chia sẻ về tình yêu của Đại tướng với hò khoan Lệ Thủy.

Đại tướng lớn lên, những làn điệu hò khoan đã thấm vào máu thịt của người, để rồi dù đi xa đã lâu, nhưng trong tâm trí của Đại tướng vẫn luôn neo lại hình bóng quê hương và làn điệu hò khoan. Nhiều lần Đại tướng về thăm quê, chính quyền địa phương, bà con làng xóm tổ chức hát hò khoan vào buổi tối ngay tại khoảnh sân trước ngôi nhà nhỏ của gia đình Đại tướng.

"Mỗi lần Đại tướng về quê thì Trung tâm văn hóa huyện về tổ chức hò khoan Lệ Thủy giữa sân nhà, Đại tướng ngồi xem, cũng vỗ tay, hò dô theo. Đại tướng rất thích hò khoan Lệ Thủy và mong muốn bảo tồn làn điệu hò khoan, các thế hệ tiếp nối điệu hò khoan Lệ Thủy", cụ Võ Đại Hàm cho biết.

Mỗi lần về quê và nghe điệu hò khoan, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dặn dò cán bộ lãnh đạo, các nghệ nhân và bà con gìn giữ hò khoan Lệ Thủy cho thế hệ mai sau. Những lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn về gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của hò khoan Lệ Thủy đã được chính quyền địa phương, các nghệ nhân và người dân nỗ lực thực hiện.

Lời dặn giữ gìn, phát huy những điệu hò khoan quê nhà của Bác Giáp - Ảnh 4.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dặn dò cán bộ lãnh đạo, các nghệ nhân và bà con gìn giữ hò khoan Lệ Thủy cho thế hệ mai sau.

Năm 2017, hò khoan Lệ Thủy vinh dự trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, mở ra nhiều cơ hội để đưa các giá trị của hò khoan vươn xa. Năm 2019, Câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy được thành lập do nghệ nhân Hải Lý làm chủ nhiệm. Sau đó, bà Lý đi mời các nghệ nhân hò khoan cùng tham gia câu lạc bộ với mong muốn xây dựng và bảo tồn hò khoan Lệ Thủy, truyền lại cho thế hệ mai sau. Theo nghệ nhân Hải Lý, lúc sinh thời, Đại tướng mong muốn "Gìn giữ hò khoan như máu, thịt của mình…".

Lời dặn giữ gìn, phát huy những điệu hò khoan quê nhà của Bác Giáp - Ảnh 5.

Năm 2017, hò khoan Lệ Thủy vinh dự trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ông Dương Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, trong những sự kiện lớn, lễ kỷ niệm, những tiết mục hò khoan Lệ Thủy luôn xuất hiện trên sân khấu, góp phần giới thiệu những làn điệu hò khoan Lệ Thủy dung dị, mộc mạc đến với công chúng.

"Sau khi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các nội dung liên quan đã triển khai trong trường học như 'Chúng em với làn điệu hò khoan', các hình thức sân khấu hóa, các cuộc thi được ngành giáo dục tổ chức qua hàng năm mang tính giáo dục truyền thống, không để hò khoan Lệ Thủy mai một. Ở huyện có Câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy bao gồm các nghệ nhân rất tâm huyết. Huyện xác định đây là nội dung để gắn kết, thúc đẩy sự phát triển du lịch Lệ Thủy", ông Dương Văn Bình cho biết.

Xăng dầu dự trữ trong nước còn đủ cung cấp đến khi nào? I SKĐS


Hùng Trần
Ý kiến của bạn