Đầu năm mới, mọi người chúc nhau những điều tốt lành, phổ biến nhất là chúc sức khỏe. Lời chúc cho thấy sức khỏe là một tài sản quý giá đối với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với trẻ em, lứa tuổi còn đang phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.
Sức khỏe từ chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ
Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để giữ cho trẻ em khỏe mạnh là một chế độ ăn uống cân bằng. Thói quen ăn uống không đủ chất đồng nghĩa với dinh dưỡng kém. Trẻ không nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự khỏe mạnh và phát triển có thể dẫn đến thiếu cân, thừa cân hoặc thậm chí béo phì. Hệ thống miễn dịch của trẻ có khuynh hướng suy yếu, làm trẻ thường xuyên mắc bệnh cấp tính và nguy cơ bệnh mãn tính sau này (tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp).
Thói quen ăn uống thiếu chất thường xảy ra khi trẻ ăn nhiều loại thực phẩm cần hạn chế, không chịu ăn nhóm thực phẩm có chất xơ như rau củ, nhưng lại ăn quá nhiều thực phẩm thiếu chất dinh dưỡng như nước giải khát hoặc ăn nhiều thức ăn vặt.Các chất dinh dưỡng cần thiết bao gồm protein, carbohydrates, chất béo, nước, vitamin và khoáng chất. Ăn uống lành mạnh có nghĩa là ăn nhiều loại thức ăn để trẻ nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng bình thường. Ở những trẻ không muốn thay đổi món ăn uống hoặc không chịu ăn rau củ có thể thêm rau cắt nhuyễn vào món ăn ưa thích của trẻ, hoặc bánh có rau củ, nước trái cây để có thể bổ sung đủ chất dinh dưỡng mà không cần phải ép buộc.
Tránh sử dụng đồ ăn vặt để thưởng hay làm quà cho trẻ. Thay vào đó bằng phần thưởng khác hữu ích hơn như cho trẻ vui chơi tại công viên, khu vui chơi mỗi buổi chiều vừa giúp trẻ vui vẻ vừa có lợi cho sức khỏe.
Sức khỏe từ vận động thường xuyên
Thói quen vận động, tập thể dục mỗi ngày giúp tăng sức để kháng, ngăn ngừa bệnh béo phì ở trẻ em và các bệnh mãn tính sau này.
Ngày nay, truyền hình, trò chơi vi tính làm thay đổi nhanh chóng cách trẻ chơi, giảm thời gian chơi ngoài trời và khiến trẻ thích ở trong nhà. Giới hạn thời gian xem tivi hoặc sử dụng máy vi tính của trẻ và tạo cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động sáng tạo. Vận động thường xuyên có nghĩa là chơi và hoạt động thể chất. Thay vì ép buộc, các bậc phụ huynh nên cố gắng vận động cùng với trẻ. Đi bộ, đạp xe đạp thường xuyên như một hoạt động gia đình, hoặc khuyến khích trẻ đi ra ngoài và chơi với bạn bè những trò chơi đơn giản như đuổi bắt, đá banh hoặc trốn tìm.
Sức khỏe từ nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc
Giấc ngủ cần thiết cho sức khỏe trẻ em tương tự như là dinh dưỡng thích hợp và vận động. Giấc ngủ cho cơ thể cơ hội nghỉ ngơi, não bộ sắp xếp các thông tin trong ngày, bổ sung hóa chất và giải quyết các vấn đề để có thể hoạt động vào ngày hôm sau. Thiếu ngủ dẫn đến giảm khả năng tập trung, các vấn đề về trí nhớ và hiệu suất kém ở trường và dễ bị bệnh và các vấn đề sức khỏe hơn. Cố gắng thiết lập một giờ đi ngủ cho trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 3. Thời gian ngủ khác nhau tùy từng trẻ, có trẻ cần ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn so với những trẻ khác. Trung bình trẻ từ 5 - 12 tuổi cần 10 - 11 giờ cho giấc ngủ mỗi đêm. Phụ huynh có thể đoán biết ngủ đủ hay không qua hành vi của trẻ, mệt mỏi hoặc cáu kỉnh có thể do trẻ không được ngủ đủ giấc.
Sức khỏe từ thói quen vệ sinh
Sức khỏe được cấu thành từ cơ thể con người hay còn gọi yếu tố nội sinh, và yếu tố ngoại sinh là môi trường sống. Do vậy, chăm sóc sức khỏe con người không chỉ chú ý cơ thể mà còn phải chú ý đến môi trường sống bao gồm môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội nữa. Trẻ em thích tìm tòi, sờ chạm vào mọi thứ lại hay có thói quen ngậm mút tay, và kết quả là nhận và lây lan rất nhiều vi trùng. Tiếp xúc ở mức độ nhất định với vi trùng tạo sự khỏe mạnh cho hệ thống miễn dịch của cơ thể, nhưng ở trẻ vệ sinh kém thì thường xuyên mắc bệnh là điều khó tránh. Hầu hết các dịch bệnh hiện nay được gây ra do nguyên nhân thiếu vệ sinh. Do vậy, dạy cho trẻ thói quen vệ sinh để ngăn ngừa bệnh và nhiễm trùng là điều bắt buộc, chú ý bắt đầu trước khi trẻ được 2 - 3 tuổi, thời gian tối hảo cho những thói quen lành mạnh sẽ gắn bó với trẻ vào tuổi trưởng thành. Vệ sinh cá nhân hay vệ sinh công cộng đều quan trọng, phải được thực hiện hàng ngày và cách tốt nhất để các bậc cha mẹ dạy cho trẻ tốt là làm gương bằng thực tế hàng ngày.
Và một gia đình hạnh phúc
Đây là yếu tố có vai trò rất quan trọng trong sức khỏe tinh thần cho trẻ em. Dành thời gian cho trẻ, cha mẹ chơi với trẻ, quan tâm đến những nhu cầu từ vật chất đến tinh thần, sở thích và thói quen của trẻ, giúp trẻ giải tỏa lo lắng không rơi vào sự sợ hãi. Lắng nghe khi trẻ nói, vui vẻ và sẵn sàng giải quyết khi có vấn đề, không áp đặt, tạo cho trẻ sự thoải mái và cân bằng về cảm xúc trong cuộc sống. Sức khỏe tinh thần không chỉ là nguồn lực giúp trẻ sống khỏe mạnh mà còn là động lực phát triển trí tuệ của trẻ nữa.