Lời chúc quyền năng

19-02-2018 10:13 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tết cổ truyền của các quốc gia, châu lục là một trong những di sản quý báu của mỗi nền văn hóa, có đặc thù và bản sắc riêng, nhưng đều kết giao bằng tín điệp quốc tế: Lời chúc.

Ý nghĩa văn hóa, xã hội của việc chúc có thể phân tích, lý giải bàn luận bằng nhiều luận án, công trình văn hóa, bởi nó mật thiết với những cách thức, nghi thức và nghi lễ mang dấu ấn chuyển động của tinh thần, sự phát triển của nhân loại.

Nếu như lời chào phổ diện quốc tế ngữ bằng phát âm “chào” kèm điệu bộ, ánh mắt, là hiểu được, chưa cần câu: “Hello/Good Morning” tiếng Anh phổ biến nhất, thì chúc không thể dùng cử chỉ, phải hiển ngôn. Nhưng, vẫn có lời chúc thành tiếng reo toàn cầu “Happy New Year!” - Chúc mừng năm mới. Mọi sinh vật trên trái đất đều tự động được cộng tuổi khi mùa Xuân đến. Xuân tăng, tặng tuổi cho mỗi chúng ta, đúng hẹn, đúng quy luật, vô điều kiện và không thể khác.

Sức khỏe là quý nhất với mỗi con người, nó chi phối, quyết định đời sống, chất lượng sống nên manchette báo Sức khỏe&Đời sống rất thiết thực và có thể đọc- viết- gắn bó với nhiều mảng để quan tâm.

Sức khỏe là quý nhất với mỗi con người, nó chi phối, quyết định đời sống, chất lượng sống nên manchette báo Sức khỏe&Đời sống rất thiết thực và có thể đọc- viết- gắn bó với nhiều mảng để quan tâm.

Chúc Tết là biểu đạt của ngôn ngữ, văn hóa, tinh thần. Cả tháng đầu tiên của mùa đầu, khi hơi Xuân đang nồng, thì không âm thanh nào rộn ràng, lan tỏa, trùng điệp khắp nơi như những lời chúc. Chưa cần cụ thể chúc gì, chỉ cần vang lên Happy New Year bằng lời hay bằng âm nhạc, đủ để con người thấy phấn chấn, kẻ lạnh lùng nhất cũng không thể không có chút xốn xang. Câu chúc mừng năm mới bằng nhiều thứ tiếng rộn rã muôn nơi là tiếng reo, là lời của lạc quan, hy vọng. Tết là dịp/cơ hội để trở về. Trong cuộc trở về lớn, ý nghĩa nhất năm, người ta được về nhà, về sum họp, về với ký ức, nỗi nhớ. Và đây là cái hẹn lớn của nhiều cái hẹn định kỳ mà dường như chẳng khi nào hết bất ngờ, cảm hứng: chơi Tết, du Xuân, thăm nhau và chúc Tết. Tết ngắn, khí Xuân thì tỏa vài tuần, nên chúc Tết thành một hạng mục mà dù ai đề cao “hiện đại”, cổ xúy sự “giản lược”, đơn giản, cũng không thể xem thường, bỏ qua chúc Tết. Tết, lời chúc thành lời mở, lời đầu, thay lời chào. Ngày Tết, người ta xởi lởi, hồ hởi, thư thái, vui vẻ hơn, từ ngày thường có thể vội vã, căng thẳng công việc mà không muốn hoặc quên chào nhau. Ngày Tết, người ta mở lòng, chào chúc cả người không quen. Đi chùa, đi chơi, nơi công cộng, người lạ gặp nhau niềm nở hơn ngày thường, cười tươi, chúc một câu chung, quen: “Chúc mừng năm mới”, sự ngạc nhiên, niềm vui của hai người lạ, khiến chính họ, người đi cùng họ và những không khí chung quanh trở nên thân thiện, ấm áp.

Những lời chúc quen miệng kiểu “diễn ngôn lười biếng” gây đơn điệu thường được đáp lại tương đương, ít tạo cảm xúc, dù nghe hay đọc qua email, tin nhắn. Một lời chúc trúng ý biểu lộ sự tâm lý, quan tâm, chia sẻ, có cả động viên, khích lệ. Lời chúc vốn đa dạng như vô số ngành nghề, công việc, số phận ở trần gian. Người buôn bán thì thích chúc “buôn may bán đắt”, “một vốn bốn lời”, “đi tốt về tươi, buôn một bán mười”, “ho ra bạc khạc ra vàng”, “tiền vào như nước” lời chúc này đã thành “thành ngữ kinh điển” cho những ai đề cao căn cốt “có thực mới vực được đạo”, “mạnh vì gạo bạo vì tiền”, “phi thương bất phú”. Với ca sĩ: chúc hát hay lâu dài, ra album ấn tượng. Với diễn viên: chúc thêm nhiều vai diễn hay, được chú ý. Với đạo diễn sân khấu: chúc sáng tạo vở diễn hấp dẫn. Với đạo diễn phim: chúc làm được phim gây sốt. Với biên kịch: chúc có những kịch bản cuốn hút. Với nhà văn nhà thơ: chúc tác phẩm hay. Với nhạc sĩ, chúc người ca khúc bản nhạc lan tỏa rộng rãi. Với các ngành nghệ thuật, chúc đều liên quan đến công chúng, thêm giải thưởng, khán giả. Với ai có nhà hàng, cửa hàng, cửa hiệu, thì chúc khách đông nườm nượp. Với các doanh nhân, chúc thắng lợi nhiều hợp đồng, dự án. Với mọi ngành nghề, chúc lao động tốt, hiệu quả cao, bận rộn là tốt. Riêng với những người làm ngành y, không thể chúc bận rộn, vì như thế là... tăng thêm bệnh nhân.

Công việc nào cũng cần vốn: vốn còn được hiểu rộng là kinh nghiệm, tri thức, quan hệ. Và thứ vốn quý giá nhất mà lại ít được nghĩ đến đầu tiên với số đông bị nhiễu loạn bởi tham, sân, si: Sức khỏe.

Chúc sức khỏe/mạnh khỏe/dồi dào sức khỏe là lời chúc căn bản, đáng để cao đầu tiên. Người đời vẫn nói: Có sức khỏe là có tất cả. Không có sức khỏe thì chỉ muốn một thứ: sức khỏe. Về điểm này, có phát sinh, tranh cãi; tựu trung, không chỉ con người, mà vạn vật, mọi lĩnh vực đều cần khỏe mạnh mới phát triển được. Cơ thể xã hội càng cần thế, từ vẻ ngoại vào “nội tạng” một quốc gia hùng mạnh, không chỉ do kinh tế, quân sự, văn hóa, mà nhất thiết phải có đa số công dân khỏe mạnh. Với mọi thời đại, nghề giáo và nghề thầy thuốc luôn được xem trọng và đề cao bác sĩ, điều dưỡng - những người chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng luôn xứng đáng nhận được lời chúc đặc biệt bởi giúp cho mọi người khỏe mạnh bằng công việc cứu chữa 24/24 giờ, bận rộn, vất vả, áp lực quanh năm mà lại là một trong các ngành hiếm hoi không được quyền nghỉ Tết. Sức khỏe là quý nhất với mỗi con người, nó chi phối, quyết định đời sống, chất lượng sống nên manchette báo Sức khỏe&Đời sống rất thiết thực và có thể đọc -  viết - gắn bó với nhiều mảng để quan tâm.

Sức khỏe - mong mỏi của tất cả chúng ta, chúc cho người khác khỏe, thanh xuân, trường thọ, cũng là ý nguyện cho mình.

Dâng mâm cỗ Tất niên lên tổ tiên, ông bà, trong nghi ngút hương trầm âm dương giao cảm, lời khấn xin sức khỏe, bình an cho cả nhà, đại gia đình luôn là niềm mong mỏi thành thực mà người sống trông chờ, tin tưởng người thân đã khuất sẽ linh thiêng phù hộ độ trì cho con cháu.

Đi lễ chùa đề tối 30 hay hay sáng mùng 1 để cầu an, là mỹ tục đẹp của dân ta, nhất là thành tục tập quán truyền thống của người Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Cầu an cầu sức khỏe, bình an cho đại gia đình. Đầu năm, lòng hào sáng thánh thiện trong lành cầu cho cả bạn bè, anh em khắp chốn, cho quốc thái dân an. Cũng như châu Âu, Mỹ coi trọng lễ Giáng sinh và đón năm mới, lời chúc căn bản quan yếu nhất là “chúc an lành”. Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng rất xem trọng bình an (yên); sức khỏe tốt thì mới an lành, bình yên được. Không đòi hỏi cao siêu to tát gì, chỉ cần “Mùa bình thường mùa vui nay đã về” (Văn Cao). Những người yêu mến, trân trọng nhau, đôi khi không cần tỏ bày bằng lời qua điện thoại, hay trực tiếp, chỉ im lặng quan tâm nhớ đến nhau, là biết “bình thường”. Mùa bình thường, được an nhiên, còn ham gì hơn nữa! Khi mùa mới đến, vẫn là Xuân nhưng mỗi Xuân một khác, không thể không cũ bao giờ.

Mỗi năm, nghe Happy New Year - ca khúc bất hủ do ban nhạc ABBA Thụy Điển sáng tác và biểu diễn, vẫn thấy xúc động nhất là lúc giao thừa. Từng năm qua đi, từng năm mới đến. Những chai champagne bật nút nổ vang trào bọt, tiếng cụng ly giòn lan tiếng cười, ánh cười dưới chân tháp Eiffel hay đại lộ Champ Élysées đẹp nhất thế giới bao giờ cũng đồng thanh lời chúc: “Bon Année Bon Santé”. Chúc mừng năm mới, năm mới tốt lành/Chúc sức khỏe/Sức khỏe tốt.

Chữ S sức khỏe, sum vầy, sum họp quý báu dịp đoàn viên Tết Nguyên đán lại tương hợp với hai từ quý báu với không chỉ với nền văn hóa Pháp: La Santé (sức khỏe) và Le Sang (máu).

Đâu ngẫu nhiên mà tác phẩm để đời Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng đã dành chương cuối, viết về Tết Nguyên đán từ Sài Gòn “trời nắng tan vàng nứt đá”. Hơn nửa thế kỷ trước, Vũ Bằng đã thấy người Sài Gòn Tết là đi du lịch, chỉ Tết miền Bắc coi trọng sự sum họp, cúng lễ, dâng cơm thờ cúng lên bàn thờ suốt dịp Tết khi cuối năm đã mời tổ tiên ông bà về ăn Tết.

Đoạn trích từ tác phẩm viết về Tết Nguyên đán của cựu Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam dân chủ cộng hòa - GS.TS. Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) là TS Tây học (ông du học Paris từ 1926 - 1935) và luận văn, luận án của ông được bảo vệ xuất sắc tại Đại học Sorbonne là những công trình nghiên cứu có giá trị được người Pháp xuất bản thành sách. Cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt vừa được tái bản, từ những bài viết tiếng Pháp của ông trên tuần báo L’Indochine (Đông Dương) năm 1941 - 1942 khi ông là thành viên khoa học tại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp - Viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về Đông phương học:

“Trong những giờ đầu tiên, sự nhộn nhịp biến mất, và phố phường vẫn gần như hoang vắng. Người nước ngoài nào liều đi ở đấy đều có cảm tưởng ở trong một thành phố cách đây mấy giờ vừa được một ông thần nào đó khoác cho tấm áo diệu kỳ. Đường sá chỉ bắt đầu đông người vào quãng mười giờ. Mọi người mặc những áo quần đẹp nhất, con gái thì đeo những đồ trang sức lộng lẫy, mặc hết áo dài nọ chồng lên áo dài kia. Tất cả đều đến nhà họ hàng, bè bạn chúc mừng năm mới.

Ngay vào buổi sáng đầu tiên năm mới, học trò đến nhà thầy, chúc thầy sống lâu. Thầy cho học trò những mảnh giấy hoa tiên màu hồng và bút lông đẹp để họ viết những điềm báo trước cho cả năm”.

Chữ S quyền năng, tỏa vào lời xin đấng siêu nhiên, tổ tiên tha thiết, lan vang bao lời chúc khắp nhân gian. Sức khỏe quý hơn thứ kim loại quý nhất trên đời! Những lời đẹp và giấy hoa tiên như Tết xưa đang bay trong mưa Xuân tình Xuân vô tận...


Nhà thơ Vi Thùy Linh
Ý kiến của bạn