Lời cầu hôn chốn đại ngàn

08-02-2014 18:24 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mùa xuân là mùa của các chàng trai, thiếu nữ người dân tộc Jarai Mơ Thur (huyện Krông Pa - Gia Lai) hẹn hò, gửi gắm tình yêu đôi lứa của mình. Khi ấy, tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang rộn ràng như ngàn vạn sợi dây âm thanh gắn kết con người với trời đất, với cỏ cây, gắn kết cộng đồng bền chặt

Mỗi dân tộc, mỗi buôn làng trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ đều có những nét văn hóa độc đáo và đời sống, phong tục riêng của mình. Mùa xuân là mùa của các chàng trai, thiếu nữ người dân tộc Jarai Mơ Thur (huyện Krông Pa - Gia Lai) hẹn hò, gửi gắm tình yêu đôi lứa của mình trong mùa xuân, cũng là mùa của tình yêu nơi đây. Khi ấy, tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang rộn ràng như ngàn vạn sợi dây âm thanh gắn kết con người với trời đất, với cỏ cây, gắn kết cộng đồng bền chặt.

 

Các cô gái Jrai chuẩn bị cho lễ hội cầu hôn.
Các cô gái Jrai chuẩn bị cho lễ hội cầu hôn.

 

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Jarai Mơ Thur nơi đây thì 1 năm chỉ có 10 tháng. Tháng được đếm từng ngón tay, khi đếm đủ 10 ngón thì gọi là blan kom (nghĩa là tháng chẵn). Tháng thu hoạch xong mùa màng, tháng thảnh thơi cho những thiếu nữ đang độ tuổi cặp kè, mong muốn được lọt vào mắt của các chàng trai trong buôn... Và quan trọng nhất là làm sao được lọt vào mắt của những bà mẹ, bà mối. Để thể hiện được điều này, đầu tiên, các cô gái đi vào rừng chặt củi (củi khô đun nấu được), gùi về nhà xếp ngay ngắn thành từng hàng, từng lớp một, mỗi thanh củi dài khoảng 50cm và cứ thế thời gian trôi qua, lớp củi sẽ xếp cao chật kín dưới gầm sàn nhà để các chàng trai có thể đứng xa quan sát thấy những ngôi nhà sàn nào có những hàng củi nhiều và xếp đều đặn, củi tốt... thì càng thể hiện chủ nhân của đống củi khéo léo, chăm chỉ, kiên trì và đảm đang. Đây cũng là đức tính của người thiếu nữ Jrai. Những thanh củi này mang một sức mạnh huyền bí, vừa mang ý nghĩa kết nối lại vừa mang một quy ước, một lời thề ngầm về hạnh phúc gia đình khi người con gái đã hoàn thành thủ tục để bắt chồng.

Khi chàng trai đã ưng cái bụng với người thiếu nữ đó, cứ mỗi buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, chàng trai đứng trước cổng làng để ngóng, mong được gặp và trò chuyện cùng cô gái khi cô gái lên rừng gùi củi về. Một phần là muốn để chia sẻ những công việc mà người yêu mình gánh vác cho gia đình, một phần là muốn báo cho cô gái biết những tình cảm của mình, để cầu mong cô gái đáp trả lại. Để chứng tỏ điều đó, chàng trai cũng thường xuyên đến nhà mỗi khi rảnh rỗi để giúp bên gia đình cô gái bất kể công việc gì... chỉ để thể hiện sự khéo léo, sức khỏe và tình yêu của chàng với cô gái. Nếu như cô gái đã đồng ý hay ưng cái bụng thì chàng trai về gợi ý với mẹ và gia đình mình. Mẹ chàng trai phải nhờ bà mối đến nhà cô gái hỏi thăm dò bên gia đình, đặt ý để gia đình cô gái đó chuẩn bị vật lễ cầu hôn. Theo phong tục của đồng bào dân tộc Jrai, lễ vật cầu hôn gồm: bộ trang phục truyền thống, đặc biệt là một chiếc vòng làm bằng bạc. Chàng trai thường đặt một chiếc vòng trắng chưa được làm nhẵn, chưa có hoa văn rồi về tự mài dũa cho thật nhẵn, bóng và tạo hoa văn chìm hay nổi tùy ý riêng mình để chứng tỏ tình yêu nồng nàn, đích thực thì con gái thích hơn. Khi mài giũa xong, người con trai sẽ chọn ngày tốt và thông báo cho người yêu biết để cô gái thưa chuyện với gia đình chuẩn bị đón tiếp, cùng với đó là hàng chục ghè rượu, ngoài ra còn có tiền, bò, heo...

Tuy người con gái chủ động trong việc “bắt chồng” về ở nhà mình nhưng trước đó, người con trai phải chủ động trong việc làm quen, ngỏ lời yêu thương và tiến tới đặt vòng cầu hôn. Với người Jrai thì chiếc vòng cầu hôn quan trọng không kém chiếc nhẫn cưới hay “tờ giấy đăng ký kết hôn” bởi hành động đó được coi như đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng từ đây và chờ ngày lành tháng tốt sẽ tổ chức cưới. Thời gian tổ chức thường là buổi tối có trăng sáng hoặc ban ngày trời nắng đẹp không có mưa. Phía nhà gái chuẩn bị rượu cần, thịt nướng mời già làng và một số người già trong buôn cùng bác, chú, cậu, dì trong dòng họ nội ngoại. Nếu nhà khá giả thì làm cỗ thịnh soạn mời càng đông người đến chứng kiến thì lễ càng thêm long trọng bởi ngày này cũng là ngày dạm ngõ. Chú rể sẽ đưa cha mẹ, chú bác, anh em ruột thịt đến, khi ấy, cô dâu đứng ở cửa mời mỗi người một ly rượu được rót từ ché rượu cần ra. Sau khi cạn ly thì bước vào nhà đứng thành hàng đối diện với đằng gái chờ đợi người uống sau bước vào. Sau đó, cô gái cùng chàng trai quỳ xuống đầu chiếu, chàng trai mới lấy vòng ra đặt xuống chiếu, cô gái sẽ nhặt lên và đưa lại cho chàng trai đeo vào cổ tay mình cùng lời cổ vũ, chúc tụng và tiếng vỗ tay của hai họ. Khi hai người lùi ra thì hai họ ngồi xuống, rượu, thức ăn được dọn lên, mọi người cùng ăn uống và bàn tính chuyện cưới cho đôi trẻ. Việc tổ chức cưới sớm hay muộn không quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là từ đó hai người đã là của nhau, không ai được tơ màng tới người nào khác.

Theo quan niệm từ ngàn xưa, mùa xuân là mùa của lễ cầu hôn. Vì vậy, việc cưới không được diễn ra trong mùa này. Đối với người dân tộc Jrai thì mùa xuân là mùa đẹp nhất, mùa nghỉ ngơi cả một năm vất vả, mùa sum vầy các thành viên trong gia đình, mùa tình yêu đôi lứa, mùa hạnh phúc của những gia đình khi cô con gái chuẩn bị bắt chồng. Mùa xuân này, chắc hẳn sẽ có nhiều lời cầu hôn, nhiều chiếc vòng cầu hôn được trao để gìn giữ một nét văn hóa độc đáo, để làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam này. 

Bài, ảnh: Gia Ly - Ksor H’yên

 

 

 


Ý kiến của bạn