Hà Nội

Lời cảm ơn của bệnh nhân - "Gia tài" quý báu của y bác sĩ

24-01-2023 11:44 | Y tế
google news

SKĐS - Với các y bác sĩ, những lời cảm ơn của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khiến họ được tiếp lửa yêu thương và càng thấy công việc của mình trở nên ý nghĩa hơn...

Lời từ trái tim của bệnh nhân sau bạo bệnh

Đến bây giờ, chị Nguyễn Thị Sỹ (SN 1972, ở Thạch Bình, TP. Hà Tĩnh) vẫn còn nhớ như in ngày chị đi khám và nhận được kết quả dự đoán mắc ung thư tuyến giáp. Chị Sỹ chia sẻ: "Khi đến bệnh viện tỉnh khám, các bác sĩ kết luận, khả năng đến 90% là tôi mắc ung thư tuyến giáp. Lúc đó, tôi cảm giác như đất trời sụp đổ, bởi nghe đến ung thư là có những dự cảm xấu rồi".

Để chắc chắn, chị Sỹ cùng gia đình đã đến Bệnh viện Bạch Mai khám lại và được kết luận chính xác đã mắc ung thư tuyến giáp. Chị kể lại giây phút đặc biệt đó: "Nhận tin chính xác mình đã bị ung thư, mọi hy vọng nhỏ nhoi trong tôi hoàn toàn vụt tắt...". Nước mắt đã lăn dài trên đôi má người phụ nữ từng trải và mạnh mẽ ấy. Chị nói: "Bình thường, kể cả đối chọi với khó khăn, vất vả, tôi cũng chưa bao giờ rơi nước mắt. Vậy mà...".

Lời cảm ơn của bệnh nhân - "Gia tài" quý báu của y bác sĩ - Ảnh 1.

Chị Sỹ rạng ngời sau khi được điều trị với phác đồ chuẩn của các y bác sĩ.

Tuy nhiên, "trong hoàng hôn luôn có bình minh" - câu nói đó đúng tuyệt đối với chị Sỹ. Lúc lo lắng nhất về bệnh tật của mình thì chị đã gặp được TS.BS. Vũ Trung Lương - Phó trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Bạch Mai. Được bác sĩ tận tình tư vấn trực tiếp, mọi rối bời trong chị như được gỡ bỏ. Chị Sỹ nhớ lại: "BS. Lương gặp tôi và cho biết bệnh của tôi hoàn toàn có thể điều trị được. Chỉ cần phẫu thuật thì tiên lượng sức khỏe hồi phục gần như 100%. Đang chán nản đến cùng cực thì những lời tư vấn của BS. Lương như cứu rỗi tâm hồn tôi".

Chị Sỹ được chính TS.BS. Vũ Trung Lương phẫu thuật. Vài tiếng đồng hồ trôi qua, cáng xe đẩy ra, chị hồi tỉnh mà vẫn chưa tin ca mổ đã thành công tốt đẹp. Chị kể: "Khi đó, tôi biết mình đã kết thúc ca mổ nhưng không hiểu đó là thật hay mơ. Vài tiếng sau, tôi nhận được kết quả sinh thiết tức thì cho biết, tế bào ung thư chưa di căn. Tôi thở phào nhẹ nhõm, cơn đau sau mổ cũng như giảm đi". Sau ca mổ, chị lại được BS. Lương và các y bác sĩ thuộc khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc tận tình.

Chị Sỹ tâm sự: "Sau một tuần điều trị ở bệnh viện, tôi gần như đã hồi phục hoàn toàn. Cảm giác lo lắng dần tan biến. Điều tôi muốn làm nhất là nói lời cảm ơn BS. Lương và các y bác sĩ trong Khoa. Đó là những sự trân trọng và biết ơn của tôi dành cho các y bác sĩ, đặc biệt là BS. Lương. Đối với các y bác sĩ, mỗi ngày có thể nghe rất nhiều lời cảm ơn từ bệnh nhân, nhất là các bác sĩ có chuyên môn tốt, nhưng với bản thân tôi, nó trở thành một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời".

"Thần dược" cho sự vất vả

Trò chuyện với BS. Nguyễn Hữu Khánh (Khoa Thần kinh, Bệnh viện đa khoa Thủ Đức, TP.HCM) sau một ca trực cuối ngày, chúng tôi mới hiểu rằng lời cảm ơn của bệnh nhân đôi khi trở thành liều "thần dược" vô giá đối với những y bác sĩ đang cố gắng nỗ lực từng giờ vì sức khỏe của người bệnh.

BS. Hữu Khánh chia sẻ: "Năm vừa qua, chúng tôi đối mặt với lượng bệnh nhân đông và áp lực lớn hơn so với những năm trước. Nhiều bệnh nhân bị di chứng hậu COVID-19 liên quan đến hệ thần kinh, đi kèm với dịch sốt xuất huyết lan rộng, nên có một số khó khăn nhất định cho ngành thần kinh chúng tôi. Tỉ lệ trầm cảm, lo âu cũng tăng hơn, phần vì có nguyên nhân hậu COVID-19. Có khá nhiều ca bệnh chuyển biến nặng, đến mức có ý định tự tử, hoặc lo âu nhiều ảnh hưởng sức khỏe và công việc thì họ mới chịu đi khám".

Lời cảm ơn của bệnh nhân - "Gia tài" quý báu của y bác sĩ - Ảnh 2.

BS. Hữu Khánh thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Thủ Đức, TP.HCM.

Đến bây giờ, BS. Hữu Khánh vẫn nhớ về trường hợp của bệnh nhân T (36 tuổi, làm nghề thợ hồ). Trong vòng 1 tháng, bệnh tình của anh T diễn tiến dần từ động kinh chưa rõ nguyên nhân thành động kinh kháng trị, rồi đến tri giác lú lẫn dần, nói sảng, cử động vô ý.

"Chúng tôi hội chẩn xác định anh bị viêm não tự miễn - một bệnh rất hiếm gặp và chưa có phác đồ điều trị chuẩn theo quốc tế hay Bộ Y tế. Lần mò theo sách vở, điều trị theo các ý kiến chuyên gia nước ngoài đã viết, chúng tôi sử dụng từ corticoid liều cao, đến globulin miễn dịch, nhưng bệnh nhân chưa tỉnh và vẫn co giật nhiều. Chi phí cũng đã đội lên hơn 200 triệu đồng, chúng tôi phải nhờ đến trợ giúp của mạnh thường quân để anh T có thêm chi phí thay huyết tương (tiếp tục khoảng 150 triệu đồng). Sau 2 tuần điều trị nhưng tri giác của anh vẫn chưa cải thiện, chúng tôi mong chờ phép màu. Và một tuần sau đó, anh T dần nói được vài từ, rồi bớt cơn giật, bớt nhai vô cớ, tỉnh táo hơn. Sau gần 3 tháng điều trị, anh ấy đã được xuất viện.

Chúng tôi nghe được lời nói đầu tiên của anh T, đó là: "Cảm ơn các bác sĩ". Lời cảm ơn của một bệnh nhân vừa thoát khỏi tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" khiến chúng tôi vỡ òa xúc cảm. Đối với bệnh nhân vừa thoát khỏi cửa tử, mỗi lời nói đầu tiên đều là những xúc cảm nhất mà họ muốn trao gửi. Bao năm trong nghề, trải qua nhiều tình huống đặc biệt nhưng khi nghe những lời cảm ơn như thế, mệt mỏi bỗng nhiên tan biến. Tôi và các y bác sĩ như vỡ òa trong cảm giác hạnh phúc để thêm một lần nữa hiểu rằng, chúng tôi cùng biết bao y bác sĩ trên khắp cả nước đang cùng mang trong mình một sứ mệnh vô cùng đặc biệt", BS. Hữu Khánh bộc bạch.

Với BS. Hữu Khánh và các y bác sĩ, những lời cảm ơn đã thực sự trở thành "thần dược" cho những khó khăn và căng thẳng mà họ phải trải qua trong quá trình làm việc.

Ân tình bác sĩ - bệnh nhân

Ít ai biết rằng, sau những giây phút nghẹt thở với bệnh án, thuốc thang, sau cả những lời cảm ơn nghẹn ngào thiêng liêng, nhiều y bác sĩ và bệnh nhân đã coi nhau như những người thân thực thụ.

Anh Lương Quốc Thành (SN 1975, ở TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã coi BS. Hữu Khánh như người thân của mình. Từng bị tai biến và đối mặt với hàng loạt vấn đề về thần kinh, nhờ sự giúp đỡ của các y bác sĩ, anh Thành đã có sự hồi phục "thần kỳ" khi quay trở về với cuộc sống bình thường.

Anh Thành bộc bạch: "Cuộc đời tôi được hồi sinh như thế này phần nhiều là nhờ vào sự giúp đỡ của BS. Khánh. Từ ngày còn phải ngồi xe lăn, đi chưa vững tôi đã được sự trợ giúp hết mình của BS. Khánh. Hơn 5 năm qua, BS. Khánh đã đồng hành với tôi bất kể ngày đêm, mưa nắng. Khi những bệnh nhân như chúng tôi quá mệt mỏi với bệnh tật thì chính sự tận tình, tận tâm của các y bác sĩ giúp chúng tôi thêm niềm tin để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng với bệnh tật".

Mỗi cuộc hẹn với các y bác sĩ, với anh Thành không chỉ là giải quyết các vấn đề về bệnh lý mà còn là cơ hội để được gặp gỡ, tâm sự với chính những người mình "mang ơn" trong đời. Bởi, đau lâu ốm dài thì chính những bác sĩ là người thấu hiểu cảnh ngộ của bệnh nhân nhất.

Đôi mắt anh Thành long lanh, khóe miệng rạng ngời nói đến những điều thiêng liêng và chân thành nhất trong cuộc đời mình: "Nếu chỉ nói một lời cảm ơn dành cho bác sĩ sẽ không thể diễn tả hết những nỗi niềm chất chứa. Đôi khi, có nhiều trường hợp người thân của mình, chăm mình khi ốm đau, bệnh tật còn dễ nổi cáu chứ chưa nói đến những người xa lạ đồng hành cùng mình đến nửa thập kỷ. Gọi đó là ân tình bác sĩ - bệnh nhân mới đủ sự chân thành".

Tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Thủ Đức có trường hợp bệnh nhân Trịnh Nhật Quang (SN 1960) mắc bệnh Parkinson đã hơn 20 năm. Ông Quang là lao động chính trong nhà, gia cảnh kinh tế khó khăn, bệnh tật khiến ông hay nổi cáu, không chịu uống thuốc nên nhiều lúc vợ con rất buồn lòng. Lúc này, chính các bác sĩ đã phải điều chỉnh thuốc, tìm cách phối hợp cùng người nhà để cho ông uống thuốc vào những lúc còn tỉnh táo. Với tình trạng đi đứng khó khăn vì đơ cứng nhiều và tình hình thuốc men còn đang "chật vật", bác sĩ đã phải tìm mọi nguồn có thể để giúp mua thuốc điều trị cho ông.

"Với những bệnh nhân như vậy, các y bác sĩ từng điều trị đều gần như trở thành người thân đồng hành với bệnh nhân mọi mặt trong quá trình điều trị. Những bác sĩ điều trị sau lại tiếp bước các bác sĩ trước với những lời dặn dò, lưu ý đặc biệt. Khi đó, chúng tôi không chỉ gán trên mình trách nhiệm nghề nghiệp mà còn là sự giao phó của những người đồng đội, những người đi trước", BS. Hữu Khánh bộc bạch.

Vượt qua những khó khăn, thử thách của nghề Y, các y bác sĩ đang nỗ lực từng giờ để giành lại sự sống cho mỗi bệnh nhân. Những lời cảm ơn cứ thế vang lên trong bệnh viện như một thanh âm tuyệt vời của cuộc sống, như một món quà ý nghĩa và giá trị nhất mà các bệnh nhân muốn dành tặng cho các y bác sĩ. Còn đối với các y bác sĩ, nó trở thành "gia tài" để đời như minh chứng muôn đời cho sứ mệnh của những người mang trên mình màu áo blouse trắng.


Huy Hoàng
Ý kiến của bạn