Lợi bất cập hại

24-11-2013 19:31 | Xã hội
google news

Không ai chê lợi ích của thủy điện, nhất là nước ta có rất nhiều sông suối “trời cho” để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng nhận của “trời” một cách tham lam, ích kỷ ắt sẽ bị “trời phạt”.

Không ai chê lợi ích của thủy điện, nhất là nước ta có rất nhiều sông suối “trời cho” để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng nhận của “trời” một cách tham lam, ích kỷ ắt sẽ bị “trời phạt”.

Oái ăm thay, hình phạt của thiên nhiên không giáng vào những kẻ tham lam, ích kỷ đang ngồi trong những ngôi nhà kiên cố mà những người dân vô tội phải gánh chịu thay tất cả. Những cơn lũ lớn tại miền Trung - Tây Nguyên vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, tàn phá cầu, đường, hoa màu, của cải của dân. Đau xót hơn, gần 50 mạng người đã chìm trong dòng nước, không bao giờ trở về được với gia đình, chưa kể số người mất tích.

Lượng mưa vừa qua không thể bằng lượng mưa gây nên cơn lũ lịch sử năm 1999 nhưng thiệt hại sao nặng nề vậy.

Gần 15 năm qua, đã có bao nhiêu công trình thủy điện lớn nhỏ trên dải đất miền Trung - Tây Nguyên mọc ra để hôm nay - theo Bộ trưởng Cao Đức Phát - cả nước hiện có khoảng 6.800 hồ, trong đó có tới 1.200 “có vấn đề” và cần phải được tu bổ, sửa chữa. Trước hết, 6.800 hồ đó là 6.800 diện tích rừng bị chặt phá cùng với diện tích rừng  không nhỏ nhường cho những con đường đến hồ chứa nước, những công trình quanh hồ chứa nước. Chưa nói đến lâm tặc tàn phá rừng, chỉ chuyện rừng mất cho những công trình thủy điện cũng có thể làm nên cơn lũ đổ về phía hạ du.

Kinh hoàng hơn là chuyện xả lũ vì lũ này là “nhân tai” chứ chẳng phải thiên tai. Không ít lần các địa phương, chuyên gia, người dân nhắc đến tác động của việc xả lũ như là nguyên nhân gây thêm tình trạng ngập lụt cho vùng hạ du. Thực tế diễn biến lũ tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... đã cho thấy những quan ngại về việc thủy điện góp phần gây nên lũ lớn không phải không có lý.

Liệu có công trình thủy điện nào trong quá trình vận hành, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến sản xuất điện, chưa thật sự chú trọng đúng mức đến điều tiết nước, tích nước cho đủ để “bảo đảm sản xuất” và khi mưa xuống vội xả gấp khiến người dân không kịp trở tay?

Liệu có sự tùy tiện, dễ dãi trong quy hoạch, xây dựng nhà máy thủy điện mà báo cáo của Chính phủ lẫn giám sát từ Quốc hội đã nêu. Trong báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án, vận hành khai thác các công trình thủy điện đã thẳng thắn chỉ ra, có đến gần 55% các công trình thủy điện nhỏ số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.

Giật mình hơn khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải cảnh báo tại nghị trường: “1.200 đập có vấn đề thì Bộ trưởng suy nghĩ xem liệu có vỡ không? Chúng ta bảo đảm tuy chưa đủ tiền hiện đại hóa nhưng cũng không được vỡ chứ? Nếu vỡ thì gay đấy”.

Có lẽ nhờ hồng phúc tổ tiên, siêu bão Haiyan vừa qua tưởng đổ vào miền Trung nhưng lại không vào. Nếu đúng như dự đoán, liệu sẽ có thêm thảm họa như xảy ra tại Philippines?

Xin hãy tính cho đủ cái lợi của hệ thống thủy điện miền Trung - Tây Nguyên để so với tất cả thiệt hại về nhân mạng, của cải của dân và nhà nước sau những cơn lũ lớn vừa qua cùng với sức người, sức của bỏ ra khắc phục hậu quả. Nếu được, mong các nhà điều hành thủy điện, các vị chủ đầu tư, các nhà quy hoạch thiết tha với thủy điện hãy sống cùng bà con vùng hạ du miền Trung, chắc sẽ có cái nhìn, cách nghĩ, cách làm khác.

Lưu Thủy

Ý kiến của bạn