Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.
Bốn câu thơ bất hủ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lời dạy, sự thôi thúc đối với lớp lớp các thế hệ trẻ, mà cũng là cho mọi người, đủ các lứa tuổi trên con đường tu thân lập nghiệp hoặc dự tính làm bất cứ công việc gì dù lớn hay nhỏ. Lịch sử ra đời của bài thơ và chuyện phổ nhạc thành bài ca chính thức của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thật thú vị.
Ngày ấy nơi Bác tặng thơ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lần kể, trong khoảng từ 21/8 đến 3/9/1950, trên đường từ Thái Nguyên đi Cao Bằng thị sát chiến dịch Biên giới, khi đi qua những con đường mới mở để chuẩn bị cho các chiến dịch lớn sắp tới, Bác rất vui thấy thanh niên xung phong (TNXP) và dân công ngày đêm hăng hái bạt núi san đồi, liền đặt ra bốn câu thơ nôm na dựa theo ý của người xưa rời non lấp biển để tặng các cháu TNXP.
Sau đó 7 tháng, tối ngày 20/3/1951, Cục trưởng Cục Hậu cần Trần Đăng Ninh đưa Bác tới thăm Phân đội TNXP 312 đang làm nhiệm vụ bảo vệ cầu ngầm nay thuộc bản Nà Cù, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn. Tối đó, cả đơn vị gần 40 anh em hết sức bất ngờ được Bác đến thăm, nghe Người hỏi chuyện, chuyện các cháu ăn có đủ no không, áo quần, chăn màn có đủ mặc, đủ ấm, sinh hoạt tập thể thế nào, có nhớ nhà không... Toàn chuyện trong nhà như cha hỏi con, bác hỏi cháu. Rồi Người bảo cháu Vũ Viết Thân - chỉ huy đơn vị kể cho Bác nghe về công việc được giao làm có tốt không? Bác lại khoát tay ra hiệu hỏi cả hàng quân: việc bảo vệ cầu thông đường cũng như làm đường, xẻ núi, ngăn sông có khó không? Cả đơn vị như chững lại giây lát để đoán ý Bác và trả lời không thống nhất: Có - không, không, có... Bác cười hiền từ: - Cháu nào trả lời không khó là không đúng rồi! Nhưng, khó, có làm được không? Các cháu có làm được không?
- Có ạ! Thưa Bác có ạ! Làm được ạ!
Thì ra, Bác “vào đề” như vậy để tặng các cháu mấy câu thơ mộc mạc... Cả đơn vị ngồi nghe im phăng phắc, ai cũng như căng óc, nuốt từng lời, từng câu của Bác. Bác bảo cháu nào nhớ thì nhắc lại cho cả phân đội nghe. Phân đội trưởng Thân đứng ra trước hàng quân xin phép Bác đọc lại từng câu như hô khẩu hiệu để cả đơn vị đồng thanh nhắc lại: Không có việc gì khó... Đồng chí Trần Đăng Ninh ghé tai nói nhỏ với một cán bộ bảo Thân nhắc lại bài thơ 3 lần. Ba lần “hô” xong, tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay như sấm dậy. Người người bình tâm, nhìn quanh thì... Bác đã đi khỏi...
Di tích Nà Cù nơi lưu lại bài thơ Bác Hồ tặng TNXP. |
Nơi đoàn ca phát tích
Sau đêm Nà Cù lịch sử, các đơn vị TNXP, tổ chức Đoàn và Liên hiệp Hội Thanh niên Việt Nam quyết định phổ biến rộng rãi “Bài thơ tâm niệm” tới mọi miền đất nước. Nhưng tới được khu căn cứ da báo Đông Hồ - Kim Anh thuộc huyện Thụy, tỉnh Thái Bình thì phải đến đầu năm 1953. Tờ báo Cứu quốc giấy dó in bài tường thuật buổi Bác tặng thơ đến tay người phổ nhạc thành Đoàn ca thì đã cũ, nát, may mà các vế thơ không nằm trên các nếp gấp. Ông là Hoàng Hòa sinh năm 1930. Người viết bài này thường tới số 3 tập thể Trung ương Đoàn Hồ Xuân Hương - Hà Nội thăm ông vào mỗi dịp 26/3.
Ông không phải nhạc sĩ. Với chiếc armonica mua ở hàng xén thổi chơi, rồi học mót nhạc lý, nhạc sĩ Phạm Ngữ hướng dẫn thêm. Tới khi được đọc thơ Bác Hồ, lời dạy ân tình, chí lý, có sức thôi thúc ghê gớm đối với người cán bộ Đoàn - khi ấy ông đang là Thường vụ Tỉnh đoàn Thái Bình.
Dạo đó ngoài vùng mới giải phóng rất bí về các hình thức sinh hoạt tập thể để thu hút nhân tâm, trước hết là thanh niên... Hội họp hát tập thể quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài bài Kết đoàn, Đời sống mới, Du kích ca... Hoàng Hòa cầm tờ báo về, đêm không ngủ được. Lời Bác đúng rồi, trúng rồi, làm sao tuyên truyền, phổ biến, nhờ “uy” của Bác mà nhân lên cho hay, cho nhanh đây?
Thêm nhạc, lấy nhạc chắp cánh cho lời bay bổng! Phải rồi. Thật lạ: Không có việc gì khó... là khẩu hiệu hành động mà cũng cứ như những nốt nhạc cứ bật ra “nhảy múa” trong đầu ông. Ông bật dậy, nhẹ nhàng lấy chiếc kèn, rón rén đi ra cánh đồng sau nhà... Ý đã có, lời đã sẵn, từng nốt nhạc bám theo, bật ra. Ông rút armonica, lau qua, hai tay vum kín chỉ đủ nghe. Các tứ nhạc liên tiếp xuất hiện, ông “giã” một mạch...
Hồi ức tuôn trào, ông Hòa vừa hát vừa vỗ tay một lèo, tiếng hát sục sôi một thời trong tôi liền bật ra, vỗ nhịp hát theo...
Lời Bác với thanh niên thế giới
Sơ khai bài hát Làm theo lời Bác như chim én mùa xuân nhanh chóng bay bổng vút trời xanh tung cánh sóng tỏa khắp nơi nơi. Tháng 7/1954, tại Hội nghị tập huấn của Trung ương Đoàn ở Đại Từ - Thái Nguyên chuẩn bị tiếp quản Thủ đô, bài hát được Bác Hồ khen, tặng kẹo cho tác giả và được chọn cùng bài Tiến về Hà Nội của Văn Cao để tập dượt hát vang khi Năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về...
Năm 1961, ngày Truyền thống tháng ba, Đài tiếng nói Việt Nam lấy nhạc hiệu Thanh niên làm theo lời Bác cho Chương trình phát thanh thanh niên. Và, vinh dự thay, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI (15 - 18/10/1992), bài hát của Hoàng Hòa được chọn làm Đoàn ca chính thức.
Thế nhưng, niềm vui, ấn tượng mạnh mẽ nhất của ông là khi Đoàn đại biểu thanh niên và sinh viên ta đi dự Liên hoan thế giới ở Varsava - Ba Lan tháng 7/1955 về nước, kể lại bạn bè quốc tế háo hức ghi chép, tập luyện, hát vang như thế nào bằng đủ các thứ tiếng. Bởi trước đó, thế giới mới biết đến Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ. Tại Festival Varsava, các đại biểu khắp năm châu bốn biển càng cảm phục Hồ Chí Minh - nhà thơ, nhà tư tưởng của thanh niên mọi nước thì lời dạy của Người cũng dành cho họ; cho bất cứ ai: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền...
Anh Ủy viên Thường vụ Trung ương Đoàn ngày nào mới 13 tuổi khai tăng lên 15 để được đi đánh giặc, được kết nạp vào Đoàn, rồi lời dạy của Bác thấm sâu vào trái tim mà bật ra bài hát để đời. Chính ông cũng trăn trở lắm: con cháu chúng ta hôm nay hiểu Bác, học Bác, làm theo Bác còn ít lắm.
Trịnh Tố Long