Loét giác mạc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

29-09-2024 14:27 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Loét giác mạc là tình trạng giác mạc bị nhiễm trùng khiến các mô giác mạc bị phá hủy, các tổ chức khác tại đây bị tổn thương dẫn tới một hoặc nhiều ổ loét. Bệnh để lại hậu quả rất nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các di chứng, thậm chí có thể dẫn tới mù lòa.

1. Nguyên nhân gây viêm loét giác mạc

Có rất nhiều nguyên nhân gây loét giác mạc:

- Do vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, phế cầu, lậu cầu, trực khuẩn mủ xanh, Moraxella...);

- Do nấm (Aspergillus Fumigatus, Fusarium Solant, Candida Albicans, Histoblasma...);

- Do virus (Herpes Simplex, Herpes Zoster);

- Do ký sinh trùng (Acanthamoeba).

- Do bệnh toàn thân và bệnh tự miễn:

- Viêm loét giác mạc cũng có thể gặp trong các bệnh toàn thân như lao, giang mai... và các bệnh tự miễn: viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, sau dị ứng thuốc (hội chứng Steven Johnson)...

Loét giác mạc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Virus herpes là một nguyên nhân gây viêm loét giác mạc.

- Do một số bệnh khác tại mắt: làm cho giác mạc dễ bị viêm loét như: bệnh khô mắt, bệnh glôcôm, bệnh viêm màng bồ đào, bệnh đái tháo đường...

- Do chấn thương: Viêm loét giác mạc thường xuất hiện sau một chấn thương gây tổn hại lớp tế bào bề mặt của giác mạc. Chấn thương giác mạc có thể từ bên ngoài: chấn thương sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp, đặc biệt là chấn thương nông nghiệp (do hạt thóc bắn vào mắt hoặc lá lúa quệt vào mắt).

- Do bệnh tại mắt: Các nguyên nhân do bệnh tại mắt như: do lông quặm, lông xiêu cọ vào mắt). Hoặc do những phương pháp điều trị phản khoa học: đánh mộng mắt bằng búp tre để điều trị...

- Do thiếu dinh dưỡng: Dinh dưỡng cũng rất cần thiết để có một đôi mắt khỏe mạnh. Khi cơ thể bị suy dinh dưỡng, đặt biệt thiếu vitamin A cũng dễ gây viêm loét giác mạc.

Loét giác mạc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Vệ sinh mắt hàng ngày với nước muối sinh lý có thể giúp phòng ngừa viêm loét giác mạc.

2. Triệu chứng viêm loét giác mạc

Khi bị viêm loét giác mạc, người bệnh sẽ có những triệu chứng sau:

  • Đỏ mắt.
  • Cộm, chói mắt.
  • Sưng nề.
  • Đau nhức mắt âm ỉ.
  • Chảy nhiều nước mắt
  • Mắt đổ nhiều ghèn, ghỉ mắt màu trắng vàng hoặc vàng
  • Nhìn mờ, giảm thị lực.
  • Sợ ánh sáng khiến người bệnh chỉ muốn nhắm chặt mắt lại.
  • Cộm xốn, cảm giác khó chịu như có gì ở trong mắt
  • Khó mở mắt vì mí mắt bị sưng, đau
  • Xuất hiện những đốm trắng ở trên giác mạc, thường ở vùng trung tâm giác mạc.

3. Các cách điều trị viêm loét giác mạc

Điều trị viêm loét giác mạc sẽ dựa trên nguyên nhân và mức độ bệnh, cụ thể là:

3.1. Điều trị nội khoa viêm loét giác mạc

3.1.1. Viêm loét giác mạc do vi khuẩn:

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, trường hợp nhẹ sẽ dùng thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh, hoặc kết hợp thêm kháng sinh đường uống khi bệnh nặng.

3.1.2. Viêm loét giác mạc do virus:

Để điều trị viêm giác mạc mắt do virus cần tiêu diệt virus và điều trị các dấu hiệu viêm, loét bằng cách:

  • Dùng các thuốc bôi;
  • Thuốc uống;
  • Thuốc chống bội nhiễm vi khuẩn bằng các kháng sinh;
  • Thuốc giãn đồng tử;
  • Thuốc chống viêm steroid;
  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng.

3.1.3. Viêm giác mạc do nấm:

Sử dụng thuốc kháng nấm dạng nhỏ/tra mắt hoặc uống.

3.1.4. Do khô mắt:

Sử dụng nước mắt nhân tạo để bổ sung ẩm cho mắt và làm dịu các triệu chứng, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp điều trị tạm thời.

Đôi khi bác sĩ có thể kê thêm thuốc nhỏ mắt chứa corticoid (trừ trường hợp bị viêm giác mạc do nấm) để giảm nhanh các triệu chứng sưng phù do viêm.

Tuy nhiên, corticoid sẽ làm suy giảm miễn dịch khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn, đo dó, cần theo dõi chặt chẽ và không tự ý sử dụng nhóm thuốc này.

3.2. Điều trị ngoại khoa

3.2.1. Phẫu thuật ghép giác mạc

Trong trường hợp viêm loét giác mạc nặng không đáp ứng với thuốc hoặc giác mạc bị tổn thương nặng không thể hồi phục như sẹo giác mạc làm giảm thị lực nghiêm trọng. Phẫu thuật ghép giác mạc sẽ được chỉ định để thay thế giác mạc tổn thương bằng giác mạc khỏe mạnh của người hiến tặng.

3.2.2. Phẫu thuật múc nội nhãn

Phẫu thuật múc bỏ nội nhãn là phương pháp phẫu thuật nhằm loại bỏ toàn bộ các cấu trúc bên trong mắt, chỉ chừa lại phần vỏ củng mạc bên ngoài, sau đó bác sĩ sẽ khâu đóng lớp vỏ củng mạc và phủ lớp kết mạc bên ngoài.

Phương pháp phẫu thuật này là lựa chọn cuối cùng khi tình trạng loét giác mạc diễn tiến nặng, không đáp ứng với các phương pháp điều trị, dẫn đến mất thị lực hoàn toàn kèm theo đau nhức mắt (do biến chứng viêm mủ toàn nhãn hoặc tăng nhãn áp), hoặc biến chứng thủng giác mạc rộng gây phòi tổ chức nội nhãn không thể ghép màng ối hoặc ghép giác củng mạc bảo tồn, hoặc những trường hợp cần lắp mắt giả.

Loét giác mạc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Cần khám mắt định kỳ để kịp thời phát hiện loét giác mạc. (Ảnh minh họa)

4. Cách phòng ngừa viêm loét giác mạc

Khi bị viêm loét giác mạc, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt, ngay khi xuất hiện các triệu chứng bị nhiễm trùng mắt hoặc ngay sau khi mắt bị chấn thương. Bệnh nặng sẽ để lại di chứng dù có được điều trị tốt. Do đó, quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh đúng cách.

- Sử dụng phương tiện bảo hộ lao động để bảo vệ mắt khi làm việc, đeo kính bảo hộ khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi, khi tiện, hàn...

- Mang kính râm khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi cát, bụi và hạn chế sự tiếp xúc của mắt với tia cực tím. Khi bị các bệnh về mắt cần điều trị dứt điểm để tránh bị viêm nhiễm vi khuẩn, virus, nấm.

- Khi có vật lạ xâm nhập vào mắt, không dùng tay dụi mắt mà nên đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa mắt để kiểm tra và lấy dị vật.

- Điều trị tốt và dứt điểm các bệnh mắt và bệnh toàn thân có nguy cơ gây viêm loét giác mạc.

- Cung cấp đủ vitamin A và chớp mắt thường xuyên để tránh khô mắt.

- Đeo kính áp tròng đúng cách và vệ sinh kính sạch sẽ cả trước và sau khi đeo.

- Khi có tình trạng cộm, đau nhức cần đi kiểm tra ngay.

- Không nên trang điểm mắt quá đậm, tẩy trang đúng cách và sử các sản phẩm an toàn cho mắt và cho sức khoẻ.

Chế độ ăn cho người bệnh loét giác mạcChế độ ăn cho người bệnh loét giác mạc

SKĐS - Viêm loét giác mạc nếu không điều trị đúng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tổn thương giác mạc hay mù loà vĩnh viễn. Bên cạnh việc điều trị thì dinh dưỡng cũng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh mau khỏi.


BS. Nguyễn Thị Hằng
Ý kiến của bạn