Hà Nội

Loét giác mạc, hoại tử mũi, cằm vì “tân trang” đón Tết

04-02-2019 07:43 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Ai cũng muốn mình trở nên xinh đẹp, nhất là trong những ngày đầu xuân năm mới. Thế nhưng, vào dịp cuối năm là thời điểm nhu cầu làm đẹp tăng cao nhất trong năm, các bác sĩ cho biết họ thường xuyên phải “sửa sai” cho rất nhiều ca tai biến sau khi làm đẹp tại các cơ sở không đảm bảo.

Nhấn mí, để lại luôn mảnh kim gãy trong mắt

TS.BS. Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, những ngày gần đây, các bác sĩ liên tục tiếp nhận những trường hợp bị tai biến do phẫu thuật tạo hình mí cũng như cấy chỉ tạo hình mí, cá biệt có ngày điều trị gần 10 ca, chủ yếu là các bạn trẻ từ 20 - 30 tuổi.

Đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng 2 mắt sưng do viêm áp-xe mi mắt, bị biến chứng thải loại chỉ thẩm mỹ hoặc bị hở chỉ khâu, đầu chỉ cọ xát vào giác mạc gây viêm loét, thủng nhãn cầu, hai mắt lệch “bên cụp, bên xòe”, đứt cân cơ nâng mi... Với bệnh nhân có những biến chứng trầm trọng như vậy, nếu không được điều trị kịp thời dễ đứng trước nguy cơ mù lòa.

Hình ảnh kim gãy trong mắt bệnh nhân sau phẫu thuật tạo mí mắt.

 

“Mỗi ngày mắt chúng ta chớp khoảng 1.000 lần. Người bình thường chỉ cần 1 sợi mi rụng vào mắt đã thấy khó chịu, huống hồ đầu chỉ cọ xát liên tục vào giác mạc thì chắc chắn sẽ gây viêm nhiễm khiến mắt giảm thị lực”, BS. Hồng Vân nói.

Đáng sợ, theo BS. Nguyễn Thị Thu Hiền - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, có trường hợp bị gãy đầu kim trong quá trình nhấn mí mắt nhưng cơ sở làm đẹp không thông báo cho khách hàng, đến khi biến chứng nặng, bệnh nhân đến Bệnh viện Mắt Trung ương, được chỉ định chụp CT mới phát hiện ra.

“Các bác sĩ phải rất vất vả mổ cấp cứu để lấy phần kim gãy trong mi mắt của bệnh nhân ra. Quá trình lấy đầu kim trong mi mắt tương đối phức tạp và khó khăn vì khi bị gãy kim thì đầu kim lẩn trong các tổ chức của mắt rất khó tìm, nhiều khi chúng tôi phải dùng nam châm để hút ra. Những biến chứng như thế rất nguy hiểm, có thể gây những biến chứng nhãn cầu gây nguy cơ mù lòa cho bệnh nhân”, BS. Hiền cảnh báo.

Theo các bác sĩ, hầu hết những trường hợp gặp tai biến nhập viện đều làm đẹp tại những cơ sở không được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí là nhấn mí tại những quán gội đầu, spa, làm móng... Việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lây lan bệnh qua truyền máu khi dùng chung dụng cụ thẩm mỹ.

Mặt nổi u, cục vì tiêm tan mỡ tạo cằm V-line

Tại Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Trung ương, TS.BS. Phạm Cao Kiêm - Phó trưởng khoa cho biết, mới đây, bệnh viện tiếp nhận trường hợp cô gái trẻ (23 tuổi) nhập viện sau khi tiêm thuốc để giảm mỡ ở trên mặt nhằm thu gọn phần cằm, mặt, tạo cằm V-line theo xu hướng khá thịnh hành hiện nay. Tuy nhiên, đẹp đâu chưa thấy, sau vài ngày tiêm thuốc được quảng cáo là giảm mỡ tại một cơ sở làm đẹp, mặt cô gái nổi các nốt u cục, chảy mủ, lúc đó mới vội vã đến Bệnh viện Da liễu Trung ương để điều trị.

Mũi “bọc” mủ sau tiêm chất làm đầy filler nâng mũi.

TS.BS. Kiêm thăm khám cho bệnh nhân biến chứng sau làm đẹp tại cơ sở không đảm bảo.

TS.BS. Kiêm thăm khám cho bệnh nhân biến chứng sau làm đẹp tại cơ sở không đảm bảo.

 

TS. Kiêm cảnh báo thực trạng đáng báo động hiện nay là các loại thuốc giảm mỡ được bán tràn lan trên mạng, mua rất dễ dàng nên nhiều người bất chấp rủi ro sức khỏe mua về tiêm rất nhiều. Tại các tiệm cắt tóc, gội đầu, nhân viên không hề được đào tạo và không có bằng cấp nhưng lại ngang nhiên thực hiện các thủ thuật xâm lấn làm đẹp như xăm mày, tiêm chất làm đầy filler... Chỉ đến khi gây biến chứng nặng chảy dịch, tắc mạch, hoại tử người dân mới đến bệnh viện cầu cứu bác sĩ.

Các ca biến chứng do tiêm filler không phải là hiếm. Trước đó, bệnh nhân Đoàn Thị M. (quê ở Phú Thọ) sau khi tiêm filler (chất VINCI - crosslinked hyaluronic acid) nâng mũi tại một cơ sở spa ở Hà Nội phải nhập viện vì mũi bị biến chứng, sưng nề tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ trên mũi. Theo BS. Kiêm, với trường hợp bệnh nhân này rất khó tiên lượng bởi chất làm đầy này đã xâm nhập mạch máu, gây phá hủy tế bào nên việc điều trị rất khó khăn.

“Nhiều người nghĩ tiêm filler chỉ đơn giản là một mũi tiêm nhưng cách tiêm ra sao, tay nghề bác sĩ thế nào thì cần lưu ý. Người thực hiện tiêm phải được đào tạo về thẩm mỹ, da liễu và phải được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Bộ Y tế. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt dễ dẫn đến hậu quả khó lường”, TS. Kiêm nhấn mạnh.

PGS.TS. Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, trong năm vừa qua, các bác sĩ của bệnh viện đã phải “sửa sai” cho rất nhiều ca tai biến sau khi đi làm đẹp tại các cơ sở “thẩm mỹ vườn”.

Do ham rẻ hoặc chưa có đầy đủ thông tin nên nhiều người đã đến làm đẹp tại các cơ sở không được cấp phép, điều này không chỉ gây ra các biến chứng mà còn tốn kém tiền của. Vì thế, các chuyên gia làm đẹp cảnh báo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi thực hiện bất kỳ phương pháp làm đẹp nào, tìm hiểu xem cơ sở mình có ý định đến làm đẹp đã được cấp phép hay chưa, người thực hiện có phải là bác sĩ hay không, có được đào tạo bài bản không, có bằng cấp, chứng chỉ không?... Người dân nên đến các cơ sở làm đẹp uy tín, không nên tin theo quảng cáo, tránh tiền mất tật mang; nên chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, được kiểm chứng an toàn tuyệt đối hạn chế những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xử lý những cơ sở không có giấy phép, không đăng ký nhưng vẫn tiến hành những thủ thuật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Dương Hải
Ý kiến của bạn