Loét dạ dày tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị

21-08-2024 20:12 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Loét dạ dày tá tràng là tình trạng niêm mạc của hai bộ phận này bị tổn thương, xuất hiện các vết loét sâu xuống lớp cơ niêm mạc. Người bệnh thường thấy xuất hiện các cơn đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội tùy vào tình trạng bệnh. Bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng

Loét dạ dày tá tràng là bệnh khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới kể cả nước ta, còn được gọi là bệnh loét Cruveilhier. Tùy theo vị trí của từng ổ loét, có thể có các tên gọi khác nhau như loét bờ cong nhỏ, loét hang vị, loét tiền môn vị, loét hành tá tràng.

Nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng rất đa dạng, thường gặp nhất là các yếu tố sau:

Do nhiễm vi khuẩn HP: Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng. Vi khuẩn HP có tên gọi khoa học là Helicobacter pylori, thường trú ngụ trong đường tiêu hóa của con người. Vi khuẩn HP dễ dàng lây lan từ người sang người do thói quen ăn uống chung bát đũa.

Theo thống kê có đến 70% người Việt Nam có vi khuẩn HP trong người, nhưng không phải ai cũng bị HP tấn công. Vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày tá tràng thường ở những người có lối sống và ăn uống không lành mạnh, căng thẳng, hay uống rượu bia và hút thuốc lá, thuốc lào…

Loét dạ dày tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị- Ảnh 1.

Hình ảnh vết loét dạ dày tá tràng.

  • Do chế độ ăn uống: Viêm loét dạ dày tá tràng thường phát triển ở những người có thói quen ăn nhiều đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ chiên xào; người nhịn bữa sáng, hay ăn đêm, ăn quá no, ăn vội nhai không kỹ, người lạm dụng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cafe,…
  • Chế độ sinh hoạt hằng ngày thiếu khoa học: Ngủ không đủ giấc, thức quá khuya,… cũng có thể gây nên tình trạng loét dạ dày tá tràng.
  • Lạm dụng quá nhiều thuốc Tây và hóa chất: Lạm dụng các thuốc giảm đau, kháng sinh hoặc nhiễm kim loại nặng khiến niêm mạc dạ dày, tá tràng bị tổn thương và dẫn đến tình trạng loét dạ dày tá tràng ở bệnh nhân.
  • Do bệnh lý: Tiểu đường, hạ đường huyết, xơ gan,… là những yếu tố nguy cơ có khả năng gây loét dạ dày tá tràng.
  • Một số nguyên nhân khác: như stress, căng thẳng, sợ hãi kéo dài sẽ gây áp lực cho dạ dày tá tràng và gây nên bệnh lý loét dạ dày và loét tá tràng.

2. Triệu chứng loét dạ dày tá tràng

  • Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn mửa: Là do sự hiện diện của các tổn thương ở bên trong dạ dày, hệ quả là hoạt động tiêu hóa bị chậm lại nên bệnh nhân luôn có cảm giác chướng bụng, đầy hơi. Thức ăn tồn đọng, lên men dễ dẫn tới buồn nôn hoặc thậm chí là nôn mửa.
  • Bị đau ở vùng bụng phía trên rốn: Cơn đau thường "tập kích" vào lúc sau ăn từ 2 - 3 tiếng, có khi là đau vào buổi đêm gần sáng, lan ra sau phía lưng. Đặc điểm của cơn đau: đau tức hoặc đau quặn bụng theo từng cơn, có thể là đau âm ỉ.
  • Mất ngủ, ngủ không ngon: Cũng vì các triệu chứng khó chịu như đầy bụng, khó tiêu, bụng đói về sáng nên bệnh nhân thường bị mất giấc ngủ, ngủ không ngon;
  • Rối loạn tiêu hóa, táo bón: Sự đình trệ của thức ăn do viêm loét khiến quá trình tiêu hóa bị rối loạn, bệnh nhân dễ bị sút cân, suy nhược cơ thể, táo bón.
  • Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, nóng rát vùng thượng vị: Đây là một biểu hiện điển hình ở những người bị viêm loét dạ dày tá tràng, đặc biệt hay xảy ra ở trong thời kỳ đầu của bệnh.

3. Loét dạ dày tá tràng có lây không?

Loét dạ dày tá tràng không kèm theo nhiễm khuẩn HP không có khả năng lây từ người sang người.

Đối với bệnh lý loét dạ dày tá tràng do nhiễm khuẩn HP có khả năng lây từ người mang vi khuẩn sang người lành theo 3 con đường chủ yếu là đường miệng- miệng, đường phân- miệng và dạ dày – dạ dày (do dùng chung các thiết bị y tế như thiết bị nội soi dạ dày tá tràng,...).

4. Phòng ngừa loét dạ dày tá tràng thế nào?

Để phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng, chúng ta cần xây dựng và thực hiện một lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng khoa học.

4.1. Chế độ dinh dưỡng

  • Nên ăn thức ăn nấu mềm, chín, giàu dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho niêm mạc ruột như: Sữa, cháo, súp hay các món hầm mềm, ninh. Tránh ăn thực phẩm thô cứng, nhiều xơ, gân…
  • Hạn chế yếu tố tăng tiết dịch vị như thức ăn giàu béo, cà phê, trà đặc, rượu, đồ uống có gas, thức ăn muối chua, nhiều muối…
  • Hạn chế thức ăn làm thay đổi môi trường PH dạ dày như các thức ăn có vị cay, chua, gia vị tiêu, giấm, ớt, tỏi…;
  • Khi ăn nên nhai kỹ, ăn chậm. Sau khi ăn không nên vận động mạnh, không chạy nhảy, tập thể dục hay làm việc quá sức ngay.
  • Nên ăn nhiều bữa trong ngày. Không ăn no quá hay để đói quá. Ăn nhẹ, bữa cuối cách giờ đi ngủ khoảng 3 giờ.
  • Không ăn khuya quá tránh dạ dày hoạt động quá tải về đêm.

4.2. Điều chỉnh lối sống hợp lý

  • Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
  • Tránh suy nghĩ căng thẳng, stress.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, không hút thuốc lá.
  • Không dùng thuốc tây lâu dài, không lạm dụng thuốc giảm đau và sử dụng thuốc điều trị bệnh đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

5. Điều trị loét dạ dày tá tràng

5.1. Chẩn đoán

Để điều trị loét dạ dày tá tràng, cần làm các thủ thuật thăm dò. Ngày nay khoa học công nghệ ngày càng phát triển, do đó có nhiều phương pháp để chẩn đoán loét dạ dày tá tràng:

Nội soi dạ dày tá tràng: Đây được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loét dạ dày tá tràng vì nó là phương pháp trực tiếp và chính xác nhất. Nó không những nhận biết được ổ loét, vị trí và kích thước ổ loét mà còn phát hiện được những sang chấn khó thấy ở niêm mạc và sinh thiết tổn thương để khảo sát mô học.

Xét nghiệm vi khuẩn H.P: Vi khuẩn này được phát hiện thông qua việc phân tích mẫu phân, mẫu máu hoặc từ một mẫu sinh thiết lấy trong nội soi.

Loét dạ dày tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị- Ảnh 2.

Nội soi được xem là phương pháp trực tiếp và chính xác nhất để chẩn đoán loét dạ dày tá tràng.

5.2. Điều trị

Phương pháp điều trị loét dạ dày tá tràng tập trung vào việc hạn chế yếu tố gây loét, tăng cường yếu tố chống loét, kích thích tiết dịch nhầy ở niêm mạc dạ dày tá tràng. Dựa vào nguyên nhân gây bệnh mà có các biện pháp điều trị phù hợp cho bệnh lý loét dạ dày tá tràng.

Điều trị bằng thuốc

Việc điều trị bằng thuốc có sự khác nhau ở trường hợp bị loét dạ dày tá tràng không kèm nhiễm khuẩn HP và có kèm nhiễm khuẩn HP. Các phác đồ sẽ được chỉ định phù hợp với từng đối tượng, tình trạng bệnh để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Thay đổi lối sống

Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng, người bệnh cần kết hợp điều trị các biện pháp không dùng thuốc bằng cách điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tập luyện, ăn uống hợp lý để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.


BS. Trâm Anh
Ý kiến của bạn