Những vết loét tổn thương trên niêm mạc dạ dày thường là do sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và phá hủy, đặc biệt khi có sự hiện diện của vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P) trong dạ dày.
Triệu chứng
•Mệt mỏi, uể oải, khả năng làm việc kém, khả năng tập trung kém. Tính tình hay cáu gắt.
• Ăn không ngon. Ợ hơi, ợ chua.
•Nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai.
•Đặc biệt trong bệnh lý ác tính ở dạ dày, giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng gì rõ ràng nhưng về sau bệnh làm cho người bệnh suy sụp nhanh chóng, giảm cân nhanh, thiếu máu nặng.
•Đau bụng: thường đau vùng giữa bụng trên rốn (vùng thượng vị), đau có thể xuất hiện lúc đói, lúc no, hoặc không liên quan gì tới bữa ăn, đau âm ĩ hoặc đau xuất hiện thành từng cơn.
•Buồn nôn, nôn.
•Cảm giác đầy bụng, khó tiêu, sôi bụng, nóng rát vùng thượng vị…
•Rối loạn tiêu hóa: táo bón hoặc tiêu chảy.
Nguyên nhân
Do chế độ ăn:
•Ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng.
•Ăn nhiều chất béo.
•Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng kéo dài.
•Nghiện rượu, nghiện thuốc lá.
•Ăn vội vàng, nhai không kỹ.
•Rối loạn giờ giấc ăn uống thường xuyên: ăn không đúng bữa, không đúng giờ, ăn quá khuya, lúc ăn thì quá no, lúc thì nhịn đói quá lâu.
Do thuốc & các hóa chất: thường gặp là acid, bụi kim loại, các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, corticoid…
•Do nhiễm trùng: đặc biệt trong thời đại ngày nay tình hình nhiễm H.P rất được các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa quan tâm, đây là một loại vi khuẩn gram âm, có hình xoắn, là nguyên nhân thường gặp gây ra các bệnh lý ở dạ dày tá tràng (DDTT).
•Do nguyên nhân thần kinh: viêm loét DDTT thường hay gặp ở những người hay lo lắng, sợ hãi, làm việc quá căng thẳng, gặp ở người sống ở thành thị nhiều hơn ở nông thôn, gặp ở người làm việc trí óc nhiều hơn ở người làm việc chân tay.
•Do nguyên nhân nội tiết: đái tháo đường, hạ đường huyết, hội chứng cushing, xơ gan…
Cách phòng chống
•Ăn uống điều độ, hạn chế chất chua cay, nhiều mỡ.
•Không dùng rượu, bia, thuốc lá.
•Tránh gây căng thẳng thần kinh.
•Người lớn tuổi khi có triệu chứng của bệnh loét nên thăm dò nội soi hoặc chụp X-quang DDTT để xác minh hoặc loại trừ sớm ung thư dạ dày.
•Để phòng vi khuẩn HP lây truyền trong gia đình, tốt nhất người mang vi khuẩn không nên mớm cơm cho trẻ ăn, cần vệ sinh sạch sẽ đồ dùng sinh hoạt, ăn uống.
Lưu ý
•Bệnh thường hay tái phát, sau khi được chữa lành, có 60-80% tái phát trong vòng 2 năm.
•Các biến chứng có thể gặp là: xuất huyết tiêu hóa (chảy máu đường tiêu hóa); thủng DDTT; hẹp môn vị; hóa ung thư (khi nhiễm H.P gây viêm loét dạ dày lâu dài).
•10% là xác suất trung bình mà một người bình thường có khả năng mắc phải bệnh loét DDTT trong suốt cuộc đời của mình.
•Qua ước tính từ Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), hiện nay có khoảng 10% dân số Việt Nam mắc bệnh loét dạ dày tá tràng. Trong đó, tỉ lệ nam gấp đôi nữ và 8% là loét tá tràng, 2% là loét dạ dày, hơn 90% bệnh nhân có sự hiện diện của vi khuẩn H.P. Có rất nhiều yếu tố làm bệnh trầm trọng hơn như dùng thức ăn cứng, khô, nhai không kỹ, nuốt vội, thức ăn có nhiều vị chua, cay, nóng, lạnh, lạm dụng rượu bia, thuốc lá. Ngoài ra, yếu tố tâm lý như stress cũng làm bệnh nặng thêm. Hầu hết bệnh nhân ít quan tâm khi tình trạng loét DDTT còn ở giai đoạn sớm nên dễ dẫn đến các biến chứng nặng như chảy máu DDTT, hẹp môn vị, ung thư...