Hà Nội

Loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường - Biến chứng nguy hiểm đã có cách phòng ngừa

14-11-2022 08:22 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Loét bàn chân là biến chứng nặng nề và khá phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường. Hậu quả của biến chứng này là đoạn chi, nguy cơ tử vong của người bệnh cũng tăng dần theo năm tháng.

Loét bàn chân – Nỗi ám ảnh đáng sợ

Ở các bệnh nhân đái tháo đường, mức đường huyết cao thường xuyên do kiểm soát đường huyết chưa tốt, ngoài các biến chứng ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, tim, mạch… còn có thể hay gặp gây các tổn thương dây thần kinh, dẫn đến tình trạng giảm hay mất cảm giác, đặc biệt là ở ngón và bàn chân.

Khi đó, bệnh nhân có thể không biết bàn chân của mình bị chấn thương, dẫm phải dị vật hay bị bỏng… Do vậy dẫn đến các vết thương không được xử trí, chăm sóc, lâu dài khiến các vết thương hay vết loét lan rộng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm phải cắt cụt chi thậm chí dẫn tới tử vong.

Theo thống kê tại Việt Nam, có 50% - 60% bệnh nhân đái tháo đường phải nhập viện do bệnh bị biến chứng gây tổn thương bàn chân, trong đó có đến 25% trường hợp phải cưa chân. Đây là hậu quả rất đáng tiếc do việc điều trị bệnh muộn và sử dụng giầy dép không phù hợp.

ThS.BS. Nguyễn Ngọc Thiện – Phó trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, loét và cắt cụt chi dưới không những làm giảm đáng kể chất lượng sống của người bệnh còn gia tăng nguy cơ tử vong sớm. Các nghiên cứu đã chỉ ra, nguy cơ mất chân ở người bệnh đái tháo đường cao gấp 10 - 30 lần so với người không mắc bệnh đái tháo đường. Nếu bị cắt chi, tử vong sẽ tăng dần theo năm tháng: 10% quanh thời điểm đoạn chi, 30% sau 1 năm và 70% sau 5 năm.

photo-1668387192308

Một trường hợp bệnh nhân đái tháo đường hoại tử bàn chân phải cắt bỏ.

Trong khi đó, thực tế ở các nước phát triển cho thấy, nếu như bệnh nhân kịp thời kiểm soát lượng đường huyết tốt, đi giầy dép phù hợp và áp dụng các biện pháp phòng tránh loét sẽ tránh được nguy cơ phải phẫu thuật cắt bỏ chân.

"Giầy dép không đúng quy cách như: rộng hoặc quá chật, chất liệu cứng, gót quá cao… là một trong những nguyên nhân phổ biến gây loét chân của bệnh nhân đái tháo đường. Sử dụng giầy dép theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa được xem là một cách để phòng ngừa và điều trị loét, tái loét bàn chân đái tháo đường.

Tuy vậy, hiện nay thực tế cho thấy ở Việt Nam bệnh nhân mắc đái tháo đường rất khó khăn trong việc chấp nhận việc sử dụng giầy dép theo chỉ định của bác sĩ tư vấn vì do giá thành cũng như thiếu đơn vị sản xuất và cung cấp các sản phẩm giầy dép riêng biệt cho những bệnh nhân này" - ThS.BS. Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ.

Cách phòng ngừa biến chứng loét bàn chân

Theo các bác sĩ, việc phòng ngừa biến chứng loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường phải được thực hiện hàng ngày bao gồm chăm sóc bàn chân đúng cách và phát hiện sớm các tổn thương để điều trị kịp thời, bao gồm:

- Người bệnh và người nhà của người bệnh có vai trò quan trọng trong phòng ngừa các vấn đề về bàn chân như: da bàn chân khô nẻ, các vết chai chân, trầy xước, móng quặp, bỏng nước.

- Rửa chân thường xuyên và lau khô ngay, cắt móng chân kèm theo sử dụng sản phẩm dưỡng da, chất làm ẩm theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa.

- Bệnh nhân đái tháo đường không được tự ý ngâm chân trong nước, nếu có chỉ định ngâm chân thì phải có sự giám sát của người có chuyên môn; tránh dùng các hóa chất mạnh như muối hoặc iod.

- Tránh xa các vật nóng, lạnh; đi xa với giầy dép mới, đeo tất chân quá chật hay đi chân đất, đặc biệt ở những người có biến chứng thần kinh ngoại vi…

- Ngoài ra, bệnh nhân cũng phải tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường và các bệnh có liên quan kèm theo cũng như chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường - Biến chứng nguy hiểm đã có cách phòng ngừa - Ảnh 2.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị biến chứng loét bàn chân tại BV Nội tiết Trung ương.

Các chuyên gia cũng lưu ý đến việc chọn giầy dép cho người bệnh đái tháo đường. Nhằm hạn chế và phòng ngừa loét, giúp người bệnh đái tháo đường trong quá trình điều trị biến chứng liên quan đến bàn chân được tốt hơn tại Việt Nam, Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Viện Nghiên cứu Da – Giầy đã nghiên cứu vật liệu phù hợp để thiết kế và chế tạo được các loại giầy cho bệnh nhân đái tháo đường. Nghiên cứu này vừa được nhận giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) lần thứ 27.

ThS. Nguyễn Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Da - Giầy cho biết, tính mới và sáng tạo của nghiên cứu này là đã lựa chọn vật liệu, ứng dụng công nghệ phù hợp với các yêu cầu và tiêu chí chất lượng, an toàn cho người bệnh khi chế tạo: mũ giầy, lót mặt giầy, đế giầy. Mặt khác đảm bảo tính diệt khuẩn giúp ích cho người bệnh trong quá trình điều trị. Các chuyên gia cũng đã sử dụng chất thuộc hữu cơ mới thân thiện với môi trường, thay thế hoàn toàn chất thuộc crom trong công nghệ thuộc da.

TS.BS Phan Hoàng Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhấn mạnh, giải pháp này có giá trị cao về hiệu quả kinh tế - xã hội khi phù hợp với nhu cầu người bệnh, giảm các chi phí khi mua sản phẩm giúp bảo vệ họ, tránh nguy cơ biến chứng ở biến chứng loét và tái loét bàn chân. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân; đồng thời tạo thuận lợi trong việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân của nhân viên y tế trong công tác chuyên môn.

Bệnh nhân đái tháo đường bị mất cảm giác thần kinh ngoại vi, không nhận biết được, khi đi vấp phải đinh, dẫm vào gai, có những người bị bỏng cũng không biết… Vì thế khiến đôi chân rơi vào tình trạng loét, nhiễm khuẩn dần dần đi đến biến chứng hoại tử. Việc tạo ra loại giầy dành riêng cho bệnh nhân đái tháo đường sẽ rất có lợi cho người bệnh, bảo vệ được bàn chân của họ và giảm đáng kể biến chứng ở bàn chân.

Với những bàn chân ở người bệnh đái tháo đường đã bị cắt cụt một phần như là: tháo ngón, một phần bàn chân làm biến dạng thay đổi cấu trúc của bàn chân thì khi sử dụng những giầy dép chuyên biệt này sẽ có tác dụng giảm và ngăn ngừa loét, tái loét bàn chân cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân đi lại dễ dàng – chuyên gia Nội tiết cho biết thêm.

4 nguyên tắc để phòng ngừa loét bàn chân ở người đái tháo đường4 nguyên tắc để phòng ngừa loét bàn chân ở người đái tháo đường

SKĐS - Theo thống kê, loét bàn chân xảy ra ở 15% bệnh nhân đái tháo đường. Nguy cơ cắt cụt chân tăng gấp 8 - 15 lần ở những bệnh nhân này khi vết loét phát triển. Hầu hết các tổn thương này đều có thể phòng ngừa được nếu biết cách điều trị và chăm sóc biến chứng loét do tiểu đường.


Minh Đức
Ý kiến của bạn