Nam bệnh nhân V.Q.Th, (53 tuổi, Phúc Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) vào nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, viêm phổi, suy tim, đái tháo đường type 2, suy kiệt cơ thể, vết thương bàn cẳng chân trái hoại tử lan rộng với tổn thương nặng nề.
Tiền sử bệnh nhân Th. có nhiều bệnh lý nền đi kèm như mắc đái tháo đường 15 năm, tăng huyết áp 3 năm. Hai năm trước, bệnh nhân đã từng phải cắt cụt 1/3 trên đùi phải do liên quan tới biến chứng đái tháo đường.
Vết thương bàn chân khi vào viện
Theo ThS.BS. Tôn Thất Kha, Trưởng khoa Điều trị tích cực của bệnh viện cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân được tiến hành cho thở oxy, phối hợp điều trị tích cực chống nhiễm khuẩn, kiểm soát đường huyết, truyền khối hồng cầu, sử dụng kháng sinh, bổ sung dinh dưỡng, rửa vết thường cùng những hỗ trợ khác.
Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân Th. đã đã chăm sóc vết thương kết hợp điều trị phối kết hợp nội khoa khác. Hiện tại tình trạng tổn thương, nhiễm trùng đã cải thiện, đường huyết ổn định, sinh hoạt ăn uống dần trở lại bình thường.
Theo ước tính, trên toàn cầu có khoảng 83-148 triệu người mắc đái tháo đường được cho là có thể xuất hiện vết loét bàn chân trong suốt cuộc đời và một nửa số vết loét này sẽ bị nhiễm trùng với hơn 15% phải cắt cụt chi dưới.
Mặc dù được chăm sóc có hệ thống nhưng các vết thương này thường chậm liền, nguy cơ cắt cụt rất cao, nếu không được chăm sóc toàn diện thì nguy cơ vết thương có thể tái phát và lan rộng, dẫn đến cắt cụt chi.
Các biện pháp phòng bệnh và chăm sóc vết thương rất quan trọng vì các vết thương này thường bị tái phát ở 30% trường hợp trong năm đầu tiên sau khi khỏi vết thương cũ.
Trường hợp bị tắc động mạch, bàn chân và các ngón chân có thể bị hoại tử toàn bộ. Đáng chú ý, với người bệnh đái tháo đường, biến chứng loét chân là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không phải do chấn thương.
Việc điều trị bàn chân đái tháo đường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức chưa đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh. Đa số người bệnh chỉ đến khám khi bàn chân đã nhiễm trùng nặng hoặc hoại tử lan rộng, khi đó việc cứu bàn chân trở nên vô cùng khó khăn, ThS.BS. Nguyễn Ngọc Thiện - Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân cho biết.
Cũng theo các chuyên gia của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, các vết loét bàn chân đái tháo đường tạo nguy cơ cho nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc toàn thân, làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể. Nhiều trường hợp phải cắt cụt chi để ngăn nhiễm trùng xấu lan rộng. Việc cắt cụt chi không những gây tổn hại về mặt sức khỏe cho bệnh nhân mà còn gây ra các tổn thất về mặt kinh tế và xã hội đối với bệnh nhân và ngành y tế.
Với trường hợp bệnh nhân Th. ở trên, do thiếu ý thức trong việc kiểm soát đường huyết, lối sống, chế độ dinh dưỡng không hợp lý cùng tâm lý bi quan do đã bị cắt cụt đùi phải cách đây hai năm, dẫn tới tình trạng bệnh nhân phải tái nhập viện để điều trị, làm cho quá trình điều trị trở lên khó khăn hơn.
Các bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo, người bệnh đái tháo đường nên kiểm tra chân thường xuyên. Nếu có vết trầy xước cần đến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường khám để điều trị sớm, tránh nhiễm trùng, hoại tử ảnh hưởng sức khỏe.
Chỉ tính số liệu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, điều trị bệnh đái tháo đường và các biến chứng thì có 5-7% số bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng loét bàn chân. Nguy cơ cắt cụt chân cao gấp 15 - 46 lần so với người không bị bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị xuất huyết võng mạc dẫn tới mù lòa, suy thận, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim… Việc phát hiện sớm, tuân thủ điều trị, kiểm soát đường huyết sẽ giúp hạn chế biến chứng cho người bệnh.
Mời độc giả xem thêm video:
Đái tháo đường: Nhận biết bệnh sớm qua những dấu hiệu nào? I SKĐS