Hà Nội

Loét áp-tơ miệng tái phát cần lưu ý những gì?

28-10-2022 15:25 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Loét miệng áp-tơ tái phát là bệnh rất thường gặp, chiếm 30% dân số, nữ thường gặp hơn nam. Khi mắc, người bệnh bị đau rát khó chịu, vết loét thường tự khỏi từ vài ngày đến vài tuần tùy theo kích thước vết loét.

Bệnh loét áp-tơ miệng thường tái đi tái lại, các vết loét gây đau, ăn uống khó khăn, tình trạng loét tái diễn lâu làm người bệnh sụt cân, lo lắng và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.

1. Nguyên nhân loét áp-tơ miệng tái phát

Loét áp-tơ miệng tái phát là bệnh lý gây đau miệng, đau họng với những ổ loét xuất hiện trong miệng, thường ở niêm mạc miệng, môi, lưỡi, đôi khi ở sâu trong họng và amidan. Hiện nay chưa xác định được rõ nguyên nhân chính xác của bệnh, nhưng các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng có các yếu tố thuận lợi gây ra tình trạng loét áp-tơ miệng tái phát.

Trong đó phải kể đến các yếu tố như: Sử dụng các thực phẩm béo ngọt, cay nóng, tiếp xúc với một số thuốc/ hóa chất, mắc một số bệnh lý toàn thân, thiếu hụt vitamin và yếu tố di truyền, chấn thương cơ học, căng thẳng, mất cân bằng nội tiết tố, miễn dịch cơ thể…

Tuy nhiên, nhiều trường hợp mắc loét áp-tơ miệng ở người khỏe mạnh bình thường. Người ta thấy bệnh loét áp-tơ miệng có chiều hướng giảm theo tuổi già.

Những ghi nhận trên lâm sàng cho thấy, loét áp-tơ miệng thường gặp trên những bệnh nhân có bệnh Crohn, Coeliac, HIV, Behcet,… nhưng đặc điểm của những ổ loét ở những bệnh lý này không giống ổ loét của bệnh loét áp-tơ miệng tái phát điển hình.

Một số trường hợp loét áp-tơ miệng còn xuất hiện kèm theo những triệu chứng ở những cơ quan khác như loét da, loét cơ quan sinh dục và sưng đau khớp… có người bệnh loét miệng và loét các bộ phận khác trên cơ thể sau khi dùng thuốc gây phản ứng dị ứng thuốc. Vì vậy, khi thấy có những tình trạng bất thường ở miệng hoặc có các vết loét kèm theo trên cơ thể cần đi khám bác sĩ.

Loét áp-tơ miệng tái phát cần phải lưu ý những gì? - Ảnh 1.

Loét áp-tơ miệng tái phát là bệnh lý gây đau miệng, đau họng.

2. Các loại loét áp-tơ miệng tái phát

Thông thường khi mắc loét áp-tơ miệng tái phát biểu hiện bằng một hoặc vài vết loét hình tròn hoặc bầu dục kích thước nhỏ từ 1 – 10mm ở trong khoang miệng, gây đau rát khó chịu. Người ta chia loét áp-tơ miệng tái phát như sau:

- Loét áp-tơ miệng loại ổ nhỏ: Đây là loại loét áp-tơ miệng tái phát thường gặp nhất, chiếm 8/10 các trường hợp. Tổn thương có đặc điểm là vết loét nhỏ hình tròn hoặc ô-van, đường kính nhỏ hơn 10mm, màu vàng lợt, rìa ổ loét sưng nề, đỏ.

Thông thường chỉ xuất hiện một ổ loét hoặc có thể nhiều hơn 5 ổ loét xuất hiện cùng lúc, gây đau đớn. Các ổ loét nhỏ thường tồn tại trong vòng 7-10 ngày, sau đó thường tự lành và không để lại sẹo.

- Loét áp-tơ miệng loại lớn: Đây là loại loét áp-tơ miệng tái phát ít gặp hơn chiếm tỷ lệ ít khoảng 1/10 các trường hợp. Với biểu hiện tổn thương lớn hơn 10mm, có thể tới 2cm đường kính, thường chỉ có 1 hoặc 2 ổ loét xuất hiện cùng một thời điểm.

Các tổn thương này kéo dài 1-2 tuần cho tới vài tháng và khi lành để lại sẹo gây đau đớn nhiều và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, ăn uống.

- Loét áp-tơ miệng dạng Herpes: Loại loét áp-tơ miệng tái phát này hiếm gặp hơn, chiếm tỷ lệ rất ít. Với tổn thương nhỏ xíu bằng đầu ghim, ổ loét thường có đường kính khoảng 1-2mm, có nhiều vết loét xuất hiện cùng một thời điểm.

Đặc trưng rõ nét nhất là các vết loét này kết hợp với nhau tạo nên một ổ loét lớn có hình dạng bất thường. Và vết loét này thường tồn tại khoảng 1 tuần đến vài tháng.

Bệnh loét áp-tơ miệng tái phát có thể xuất hiện ở bất kỳ tuổi nào nhưng tỷ lệ cao nhất là ở khoảng từ 10 - 40 tuổi. Đặc điểm bệnh là tái phát lại sau ít ngày đến vài tuần hoặc vài tháng, hoặc nhiều năm mới tái lại.

3. Những lưu ý khi mắc loét áp-tơ miệng tái phát

Do chưa biết nguyên nhân chính xác nên mục tiêu của điều trị loét áp-tơ miệng tái phát là giảm đau, điều trị nâng đỡ giúp ổ loét mau hồi phục. Hiện tại chưa phương pháp cụ thể nào để điều trị phòng ngừa chống tái phát bệnh lý này.

Trên thực tế, những loét áp-tơ miệng tái phát tổn thương nhỏ, ít đau, ít ảnh hưởng đến sinh hoạt, ăn uống, đôi khi cũng không cần điều trị gì và thường tự khỏi trong vòng 1 tuần.

Tuy nhiên, nhìn chung người bệnh tránh đồ ăn quá chua, cay, quá mặn hoặc quá nóng vì có thể gây kích thích trực tiếp ổ loét, gây đau nặng hơn. Nên sử dụng ống hút để ăn uống bởi điều này giúp tránh thức ăn, đồ uống đụng vào ổ loét ở phần miệng trước.

Cần có chế độ ăn uống đầy đủ rau xanh và chất dinh dưỡng, chú ý đến thực phẩm giầu các vitamin và khoáng chất để tránh thiếu máu thiếu sắt, thiếu vitamin trong đó có B12 và axit folic.

Khi chải răng cần dùng bàn chải mềm, tránh trượt bàn chải gây chấn thương và hãy đi khám nếu cảm thấy không yên tâm về tình trạng loét áp-tơ miệng tái phát.

Mời độc giả xem thêm video:

Viêm họng nên ăn gì? - SKĐS



BS Nguyễn Thị Thảo
Ý kiến của bạn