Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận do Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai với tổng vốn đầu tư lên đến 10,6 tỉ USD cùng các phát ngôn của ông Lê Phước Vũ trong những ngày qua đang thu hút sự chú ý của dư luận. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ rằng “Không đánh đổi môi trường với bất cứ giá nào”. Dự án thép tại Cà Ná, Ninh Thuận lại đặt chúng ta trước câu hỏi: Chọn thép hay chọn cá? PV báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia để làm rõ thêm vấn đề được bạn đọc quan tâm.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: “Lọc nước biển luyện thép - Viển vông”
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh.
Để sản xuất thép, ngoài nguyên liệu chính là quặng sắt, sản xuất thép còn sử dụng các nguyên liệu khác như vôi, nước và các chất phụ trợ như hợp kim, điện cực, vật liệu đầm lò… Quá trình sản xuất thép sinh ra các chất thải khí, rắn và tiếng ồn. Ngay cả nước làm mát, nếu không được tuần hoàn tuyệt đối, cũng phát thải độc hại ra môi trường vì trong nước làm mát người ta phải trộn thêm rất nhiều hóa chất độc hại nhằm bảo vệ các thiết bị kim loại và đường ống khỏi bị ăn mòn, chống rêu mốc, cặn làm tắc ống... Với quy mô sản xuất 16 triệu tấn thép/năm, ước tính cần khoảng 5 tỉ m3 nước ngọt. Ninh Thuận lại là vùng khô hạn, thường xuyên thiếu nước ngọt sẽ rất khó cung cấp được. Ông chủ Nhà máy thép Hoa Sen - Cà Ná tuyên bố sẽ lọc nước biển để sản xuất thép. Tôi nói thật, trên thế giới chưa có nơi nào khử muối nước biển để thành nước ngọt cho sản xuất công nghiệp. Ngay các nước giàu có, người ta chỉ lọc nước trong điều kiện khan hiếm nguồn nước ngọt cho ăn uống và sinh hoạt bởi vì khử muối tốn nhiều năng lượng và rất đắt, chưa nói đến vấn đề môi trường. Vì vậy, nói lọc nước biển để luyện thép là hết sức viển vông.
Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc - luyện kim Việt Nam (VFMSTA), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: “Nơi nào có nhà máy thép, nơi đó có sự ô nhiễm”
Ông Phạm Chí Cường.
Với hơn 50 năm hoạt động trong ngành thép, kinh nghiệm cho thấy để sản xuất được 1 tấn thép thô bằng công nghệ lò cao sẽ thải ra hơn 500kg chất thải rắn, tương đương với nó có khoảng 455kg xỉ. Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3m3 nước thải độc hại. Trong nước thải sản xuất thép có chứa hỗn hợp kim loại nặng rất cao, rất nguy hại đến môi trường sống. Ngoài ra, lượng khí thải ra từ việc sản xuất 1 tấn thép thô có 2,3 tấn khí CO2 cùng các loại khí, bụi và bụi kim loại độc hại khác...; Vì vậy, trong các vùng luyện kim, khí quyển thường bị nhiễm bẩn chiếm tỷ lệ gần 60%. Nếu các loại khí thải này không được xử lý tốt, các hóa chất
chứa trong đó sẽ gây ra hàng loạt vấn đề về môi trường như: mưa axít cùng với bụi kim loại sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người, cây trồng vật nuôi trong khu vực. Sản xuất thép là ngành không thân thiện với môi trường. Không có nhà máy thép nào là sạch. Nơi nào có nhà máy thép nơi đó có sự ô nhiễm. Vấn đề là ở các nước phát triển, người ta kiểm soát ô nhiễm tốt hơn, chặt chẽ hơn chúng ta. Không chỉ nhà máy thép gây ô nhiễm rất cao mà còn kéo theo một chuỗi ngành công nghiệp phụ trợ có mức độ gây ô nhiễm không kém. Vì thế cần cẩn trọng.
Kinh nghiệm của thế giới khi đầu tư nhà máy sản xuất gang thép, người ta sẽ chọn địa điểm như thế nào để ít gây ảnh hưởng đến môi trường nhất. Đồng thời cũng phải lựa chọn mọi giải pháp để hạn chế tối đa tác động đến môi trường và người dân. Việc Lê Phước Vũ nói không có một giọt nước nào để ra biển thì không gây ô nhiễm là quá nông cạn. Vì nước thải không ra biển thì có thể ngấm ra đất, ra sông ngòi, ao hồ... và cũng gây hại cho môi trường sống của người dân và động thực vật xung quanh nhà máy.
PGS.TS. Lưu Ngọc Thanh - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: “Phải xem xét cẩn thận trước khi cho phép đầu tư dự án”
PGS.TS. Lưu Ngọc Thanh.
Tôi e ngại về việc kiểm soát vấn đề môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước đối với một dự án lớn như thế, Formosa đã là một bài học quá lớn và chúng ta phải xem xét cẩn thận trước khi cho phép đầu tư dự án mới tương tự như vậy.
Tôi cũng đã từng có nhiều năm nghiên cứu về Nhật Bản, đối với Nhật Bản những năm 1950, 1960 đầu những năm 1970, tất cả những ngành được coi là gây ô nhiễm môi trường như: thép, ôtô, đóng tàu… họ làm dọc bờ biển phía Đông nước Nhật, hơn nữa Nhật lại là đất nước không có nhiều tài nguyên nên chủ yếu là nhập khẩu các nguyên liệu về các cảng biển để tiện sản xuất, sau đó vận chuyển vào trong nội địa, cũng đã phải trả giá rất nhiều về ô nhiễm môi trường biển. Sự trả giá đối với việc cải tạo môi trường ô nhiễm là rất lớn, gấp 10 lần so với việc lợi ích về kinh tế, mà Formosa của Việt Nam hiện là một bằng chứng điển hình, để khắc phục môi trường không hề dễ dàng chút nào? Nói rằng việc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan giám sát chặt chẽ việc xả thải của Formosa trong vòng 3 năm, tôi cho rằng chưa hiệu quả, nhất là dự án này còn hoạt động tới 70 năm nữa. Nó sẽ là cái ung nhọt nhức nhối cho xã hội, nếu nó còn tồn tại.
Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu điện, các dự án lớn và nhất là các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều điện năng như sắt thép đều có một dự án sản xuất điện đi kèm để tự cung tự cấp nhằm đảm bảo hoạt động. Formosa là một dẫn chứng và một dự án quy mô tương đương Formosa như Hoa Sen - Cà Ná không thể không có nhà máy điện. Và nhà máy điện này gần như chắc chắn sẽ là một nhà máy nhiệt điện than, một công nghệ sản xuất điện đi ngược xu hướng thế giới vì gây ô nhiễm môi trường rất cao. Nên Chính phủ phải xem xét cẩn thận trước khi cho phép đầu tư dự án.