Ngày 28/10/2021 vừa qua, Hội thảo khoa học Lọc màng bụng do Bệnh viện Thận Hà Nội được tổ chức với sự góp mặt của các đại diện ở Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Thận Hà Nội, Hội Thận Tiết niệu Việt Nam, Bệnh viện ĐH Y Dược Huế,… và sự tham gia online của hơn 50 điểm cầu của các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội được đánh giá là khởi đầu cho chuỗi chuyển giao công nghệ cho hệ thống y tế giúp người bệnh có thêm lựa chọn trong điều trị.
Phương pháp lọc màng bụng là gì?
Theo GS.TS. Võ Tam - Phó chủ tịch Hội Thận - Tiết niệu Việt Nam, lọc màng bụng hay còn gọi là thẩm phân phúc mạc là một trong ba phương pháp điều trị thay thế cho người bệnh thận mạn giai đoạn cuối hiện nay (hai phương pháp còn lại là ghép thận và lọc máu). Đây là phương pháp sử dụng chính màng bụng của người bệnh làm màng lọc thay thế cho thận đã suy yếu.
Các phương pháp lọc màng bụng hiện nay
Hiện nay có hai phương pháp lọc màng bụng chính là lọc màng bụng liên tục bằng tay và lọc màng bụng tự động. Phương pháp này hiện đang được sử dụng cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn 4,5, khi bệnh nhân ở xa các trung tâm lọc máu khó áp dụng chạy thận nhân tạo hoặc không áp dụng được phương pháp chạy thận nhân tạo, hướng tới sử dụng cho bệnh nhân bị suy thận ở giai đoạn sớm.
Lọc màng bụng liên tục ngoại trú bằng tay (CAPD)
Đây là phương pháp đơn giản, thuận tiện, tiết kiệm cho người bệnh. Để thực hiện được phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt một ống thông gọi là catheter dưới da thành bụng vào khoang bụng. Ống này sẽ được cố định suốt trong thời gian bệnh nhân lọc màng bụng.
Sau khi đặt catheter, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn để có thể tự thực hiện thao tác lọc màng bụng bằng tay tại nhà vô cùng đơn giản, tiện lợi. Túi dịch chuyên biệt được thay bằng tay khoảng 3-4 lần trong ngày tùy thể trạng người bệnh. Mỗi lần mất khoảng 20 - 30 phút. Người bệnh chỉ cần đến viện 1 đến 2 tháng 1 lần để thăm khám lại hoặc nhận dịch lọc.
Lọc màng bụng chu kỳ tự động (ADP)
Lọc màng bụng chu kỳ tự động được chia thành 3 loại. Một là lọc màng bụng liên tục chu kỳ (CCPD), lọc màng bụng cách quãng đêm (NIPD) và lọc màng bụng thủy triều (TPD).
Tương tự lọc màng bụng liên tục bằng tay, người bệnh sẽ được đặt ống thông catheter nhằm thực hiện quá trình lọc và trao đổi dịch. Để thực hiện quá trình lọc, người bệnh chỉ mất 30 phút ban đầu để chuẩn bị và cài đặt máy, sau đó, quá trình lọc sẽ diễn ra hoàn toàn vào ban đêm khi ngủ.
Quá trình lọc thường diễn ra trong khoảng 8 - 10 tiếng, thực hiện được 3 - 7 chu kỳ lọc. Đặc biệt, ban ngày người bệnh vẫn đi làm, đi học,... bình thường. Người bệnh cũng chỉ cần đến viện 1 đến 2 tháng 1 lần để thăm khám lại hoặc nhận dịch lọc.
Ưu nhược điểm của phương pháp lọc màng bụng
Từ khi áp dụng phương pháp này tại Việt Nam đến nay (2004 - 2021), tuy mới có 7% bệnh nhân thận điều trị thay thế thận bằng phương pháp lọc màng bụng nhưng đã cho thấy những ưu điểm của phương pháp này đối với người bệnh và cơ sở y tế. Cụ thể:
1, Đây là phương pháp lọc liên tục gần giống như chức năng thận, tự nhiên hơn các phương pháp chạy thận khác.
2, Sử dụng phương pháp này, chế độ ăn kiêng của người bệnh ít nghiêm ngặt hơn và có thể uống nước theo nhu cầu của cơ thể.
3, Phương pháp lọc màng bụng còn giúp bảo tồn tốt chức năng thận tốt hơn phương pháp khác và ít gây biến chứng trên tim mạch như tăng huyết áp, suy tim,...
4, Phương pháp này không sử dụng kim tiêm, ít bị nhiễm trùng máu, ít bị viêm gan siêu vi hơn so với thận nhân tạo.
5, Giúp giảm thời gian di chuyển của bệnh nhân. Thông thường bệnh nhân lọc màng bụng chỉ cần đến bệnh viện 1 - 2 tháng một lần để thái khám, kiểm tra hoặc nhận dịch, trong khi đối với phương pháp thận nhân tạo thì người bệnh cần đến bệnh viện tối thiểu 3 lần mỗi tuần.
6, Tiết kiệm chi phí, phù hợp với mọi lứa tuổi.
Về nhược điểm, phương pháp lọc màng bụng chỉ có nhược điểm duy nhất là hiệu quả mang lại không bằng phương pháp ghép thận. Ngoài ra, lọc màng bụng vẫn gây ra các biến chứng nhưng mức độ nhẹ hơn phương pháp thận nhân tạo như thiếu máu, viêm phúc mạc, ...
Lợi ích của phương pháp lọc màng bụng tại nhà và khuyến cáo trong mùa dịch
TS.BS Nghiêm Trung Dũng - Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu chia sẻ:
Các trung tâm điều trị các bệnh về thận trong thời kỳ dịch bệnh gặp nhất nhiều khó khăn. Việc chạy thận nhân tạo tại trung tâm khiến bệnh nhân và nhân viên y tế tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Vừa qua, có tới 20-30% số bệnh nhân COVID-19 thuộc trường hợp cần lọc máu do thận cấp.
Việc tuân thủ các quy trình an toàn mùa dịch và nhu cầu lọc máu tăng mạnh không chỉ làm quá tải các trung tâm lọc máu về nhân lực, vật lực và tài chính, mà còn mang lại gánh nặng kinh tế cho người bệnh và cơ quan bảo hiểm. Có bệnh nhân mỗi tháng phải bỏ ra khoảng 15 triệu để đảm bảo an toàn dịch và lọc máu chưa kể trường hợp bệnh nhân bị thận mạn tính mắc COVID-19.
Vì vậy, trong tình hình dịch bệnh COVID-19, phương pháp lọc màng bụng tại nhà cho người bệnh thận mạn là phương pháp điều trị thay thế tối ưu và hiệu quả. Cụ thể, phương pháp lọc màng bụng tại nhà giúp giảm nguy cơ lây nhiễm tại bệnh viện, giảm tần suất đến viện của bệnh nhân từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm, người bệnh tuân thủ giãn cách tốt, giảm gánh nặng cho người bệnh, cơ sở y tế và các tổ chức liên quan.
Hội thảo diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia về Thận - Tiết niệu, tiêu biểu như:
- PGS.TS. Lê Đình Khánh, GS.TS. Võ Tam - Hội Thận Tiết niệu Việt Nam;
- PGS.TS. Hà Phan Hải An - nguyên Trưởng khoa Thận Lọc máu BV Việt Đức;
- BS. Phan Tùng Lĩnh; BS. Nguyễn Thế Lương; BS. Ngô Trung Dũng- BV Thận Hà Nội;
- TS.BS. Nguyễn Vĩnh Hưng - Khoa Thận Tiết niệu và Lọc máu BV E;
- TS.BS. Nguyễn Hữu Dũng - Hội Lọc máu Việt Nam;
- TS.BS Nghiêm Trung Dũng - Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu Bệnh viện Bạch Mai.
Buổi hội thảo kết thúc đã mang được kiến thức mới đến tất cả bệnh viện, hứa hẹn áp dụng phổ biến được kỹ thuật lọc màng bụng để giảm gánh nặng cho người bệnh thận mạn, cơ sở y tế và các cơ quan liên quan trong trạng thái bình thường mới. Trong đó, Bệnh viện Thận Hà Nội được Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến sẽ đồng hành cùng với tất cả các bệnh viện trong việc chuẩn bị trang thiết bị, đào tạo và thực hành phương pháp lọc màng bụng cho đến khi cơ sở y tế đã nắm được hoàn toàn quy trình.